Từ hơn một tháng nay, 4 “đại gia” thép trong nước đã ngưng sản xuất. Vậy mà, 3 dự án đầu tư nước ngoài “khổng lồ” vào ngành này đã động thổ. Hơn thế, 3 dự án lớn khác hiện đang “ngấp nghé” chờ được cấp thép. Vấn đề của ngành thép đang “nguội lạnh” hay là “nóng bỏng” lên?
Trong số các ngành công nghiệp, gang thép là ngành gây ô nhiễm môi trường và tiêu thụ năng lượng nhiều nhất. Nếu chúng ta coi tình trạng một quốc gia “công xưởng” chỉ là một giai đoạn tạm thời trước khi trở thành một quốc gia công nghệ tiên tiến, thì không nên đầu tư nhiều vào những tổ hợp gang thép.
Theo kinh nghiệm các nước Bắc Mỹ và châu Âu, một khi đã “đặt chân” vào ngành này thì phải mất vài chục năm mới “rút chân” ra được. Nếu tham vọng của nước ta chỉ là để có công ăn việc làm cho một số lớn công nhân không có tay nghề thì phải kêu gọi đầu tư nước ngoài vào ngành gang thép.
Song cái giá phải trả là môi trường bị xâm hại nghiêm trọng và người lao động không có triển vọng tiến thân thành lao động chuyên nghiệp tay nghề cao. Trong 3 năm gần đây, 6 dự án thép đồ sộ của nước ngoài với tổng vốn đầu tư trên 20 tỷ USD đã được cấp phép đầu tư. Từ đầu năm đến nay, đã có 2 dự án lớn với số vốn lên tới 17,6 tỷ USD. Làn sóng đầu tư vào ngành thép vẫn chưa dừng lại.
Hiện còn 2 dự án “khổng lồ” khác của Hàn Quốc và ấn Độ đang chờ được cấp giấy phép. Trong khi Bộ Công Thương coi đây là “cơ hội” tốt, thì các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước lại lo “méo mặt”. Bộ này dự báo, đến năm 2020 nhu cầu thép của nước ta vào khoảng 22 triệu tấn.
Nếu tất cả các dự án đồ sộ trên đi vào hoạt động, thì đến năm 2020 ngành thép Việt Nam sẽ đạt sản lượng không dưới 40 triệu tấn. Chẳng bao lâu nữa, khoảng trống cung - cầu thép trên thị trường sẽ được lấp đầy. Đặc điểm lớn nhất của thị trường này là “nóng nguội” thất thường. Nhiều năm qua, giá thép hết nóng rồi lại lạnh, nhưng chưa năm nào thị trường biến động lạ lùng như năm nay.
Mọi dự báo đều bị đảo lộn, kinh tế toàn cầu suy giảm khiến giá phôi thép thế giới giảm hơn một nửa mà chẳng có người mua. Lượng tiêu thụ trong nước giảm mạnh, lượng tồn kho lên tới 500.000 tấn phôi và 400.000 tấn thành phẩm, tổng trị giá ước tính trên 1 tỷ USD. Tổng Giám đốc một công ty thép lớn dự tính, từ nay đến cuối năm, tất cả các nhà máy sản xuất thép trong nước có đóng cửa thì thị trường vẫn thừa thép.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, chính tình trạng đầu tư tràn lan trong thời gian qua đã dẫn đến hậu quả hôm nay. Công suất cán thép của Việt Nam đã đạt 7 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu thép xây dựng chỉ ở mức 4-5 triệu tấn/năm. Mặt khác, thép xây dựng chủ yếu nhập về từ Trung Quốc không ngừng tăng, hơn 8 tháng đã nhập 683.000 tấn.
Theo một chuyên gia ngành thép, nếu toàn bộ các dự án đầu tư đã, đang và sẽ đi vào hoạt động, thì ngành thép Việt Nam sẽ bị “bội thực” hàng chục triệu tấn thép mỗi năm.
Những người lạc quan nhất cũng chỉ dám rụt rè nhận định rằng, chỉ thêm 2 nhà máy liên hợp thép công suất 5-10 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, thì thị trường thép cũng đã thừa. Khi cung vượt cầu quá xa sẽ dẫn đến cạnh tranh “nẩy lửa” và thua thiệt đương nhiên rơi vào “đầu” các công ty trong nước.
DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: