Nếu để các doanh nghiệp tiếp tục thu hẹp hoặc tạm ngưng sản xuất thì đến khi thị trường xây dựng phục hồi, có thể lại xảy ra nguy cơ thiếu thép, gây biến động thị trường.
Theo kế hoạch, nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng trong năm 2008 ước khoảng 4 triệu tấn, mỗi tháng tiêu thụ từ 300.000 tấn- 350.000 tấn. Thế nhưng, những tháng gần đây, lượng tiêu thụ chỉ còn khoảng 100.000 tấn/tháng. Nhu cầu của thị trường giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp (DN) đang đối mặt với nguy cơ phá sản.
Giúp doanh nghiệp giảm lỗ
Các DN sản xuất thép trong nước đang "ôm" lượng nguyên liệu phôi khá lớn ở các kho hoặc đang trên đường nhập về với mức giá đã ký từ trước là 700 USD - 1.000 USD/tấn. Bên cạnh đó, hàng trăm ngàn tấn phôi thép sản xuất trong nước và hàng chục ngàn tấn thép thành phẩm cũng chưa tiêu thụ được.
Tổng cộng có khoảng 1 triệu tấn nguyên liệu và thép các loại. Giá phôi thép hiện còn 420 USD - 430 USD/tấn (giảm 50% so với tháng 7 và tháng 8). Như vậy, với mỗi tấn thép, DN phải chịu lỗ từ 300 USD - 600 USD, đó là chưa kể chi phí sản xuất.
Trước tình trạng trên, nhiều DN phải tìm cách tháo gỡ. Ông Đào Đình Đông, Trưởng Phòng Thị trường, Tổng Công ty Thép VN, cho biết: Các DN tự cứu mình bằng cách chia sẻ thị trường trong nước là chính. Có nhiều đơn vị sản xuất ngưng hoạt động, cho công nhân nghỉ việc tạm thời và lĩnh lương cơ bản. Một số DN đã ngưng thu mua nguyên liệu và chỉ sản xuất trên nguồn nguyên liệu tồn kho. Để kích cầu, một số DN còn thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi hoặc cho trả chậm, trả góp... nhưng tình hình vẫn không cải thiện hơn.
Bên cạnh các biện pháp tự cứu, các DN cũng cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt, kiến nghị: Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ các DN vượt qua giai đoạn khó khăn như miễn giảm một số loại thuế, cho vay ưu đãi...
Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, nói: Hiện không có cách nào cứu các DN không lỗ mà chỉ có thể giúp DN giảm lỗ mà thôi. Chẳng hạn, với mức thuế xuất khẩu phôi thép hiện là 5%, Nhà nước nên điều chỉnh giảm xuống còn 0% để các DN có cơ hội xuất khẩu, thu hồi vốn và giảm lỗ. Cần phải có chính sách vĩ mô để đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường, điều chỉnh giảm lãi suất ngân hàng...
Về phương án lâu dài, ông Nghi đề nghị DN nên đổi mới công nghệ sản xuất nhằm giảm chi phí giá thành. Hầu hết các đơn vị sản xuất hiện nay đều làm công đoạn cuối, tức chỉ mua phôi thép về cán nên giá thành rất cao. Phải đầu tư công nghệ hiện đại, khai thác từ quặng đưa vào sản xuất mới đủ sức cạnh tranh lâu dài.
Thép ngoại sẽ tràn vào?
Ngoài sức tiêu thụ của thị trường trong nước giảm mạnh, các DN sản xuất thép trong nước đang phải đối mặt với tình trạng thép Trung Quốc (TQ) giá rẻ xâm nhập thị trường VN. Hiện nay, các khu vực có thế mạnh về xuất khẩu thép như TQ, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan... cũng rơi vào tình trạng sản xuất ngưng trệ, hàng hóa không tiêu thụ được nên đang tìm nhiều cách xuất khẩu sang VN với mức giá thấp hơn thép sản xuất trong nước.
Hiện tại dù lượng thép TQ xâm nhập vào VN chưa nhiều (khoảng 30.000 tấn/tháng) nhưng mức giá bán chỉ từ 11,8 triệu - 12,2 triệu đồng/tấn, rẻ hơn thép sản xuất trong nước từ 300.000 đồng - 600.000 đồng/tấn. Ông Đào Đình Đông phân tích: Giá thép ở TQ đang bán dưới giá thành nên sắp tới có khả năng TQ sẽ điều chỉnh thuế xuất khẩu để giải phóng hàng. Do đó thép có thể được tuồn sang VN với số lượng khổng lồ.
Để đối phó tình trạng thép TQ xâm nhập thị trường VN, mới đây Hiệp hội Thép VN đã kiến nghị Nhà nước nên điều chỉnh mức thuế nhập khẩu thép thành phẩm từ 8% lên 25% để ngăn chặn nguồn hàng nhập khẩu từ bên ngoài đang nhắm thị trường trong nước. Tuy nhiên, đề nghị này đến nay vẫn chưa được chấp thuận.
Nếu không có kế hoạch ứng cứu ngành thép, để các DN tiếp tục thu hẹp hoặc tạm ngưng sản xuất thì đến khi thị trường xây dựng phục hồi, có thể lại xảy ra nguy cơ thiếu thép, gây biến động thị trường.
Giá nguyên liệu thấp, DN cũng chỉ nhìn
Theo một số các DN sản xuất thép: Dù giá nguyên liệu đang ở mức thấp nhất nhưng các DN cũng chỉ ngồi nhìn chứ không dám nhập khẩu. Vì vậy, với nguồn cung chỉ khoảng 100.000 tấn/tháng, nếu thị trường tăng sức tiêu thụ lên 300.000 tấn - 400.000 tấn như trước đây thì khả năng cung ứng của ngành thép có nguy cơ thiếu hụt, giá cả bị đẩy lên cao. Dù nhà sản xuất thừa khả năng cung cấp hàng cũng khó tránh khỏi tình trạng tạo khan hiếm hàng giả tạo giữa nhà sản xuất và nhà phân phối.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc NLĐ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: