Báo cáo sơ bộ của đoàn kiểm tra liên ngành thị trường xi măng TP.HCM vừa qua cho thấy không có hiện tượng găm hàng làm giá. Tuy vậy, nhiều điểm bán vật liệu xây dựng (VLXD) cho biết xi măng vẫn khan hàng và giá cả vẫn leo thang thậm chí từng giờ. Người thu nhập thấp đang dở khóc dở mếu với thị trường VLXD đầy biến động.
Có thật sự khan hàng?
Xi măng khan hiếm, giá sẽ còn tăng nữa. Giá sắt thép biến động hàng ngày, thậm chí hàng giờ, cửa hàng không thể báo giá trước... Đó là thông tin mà khách hàng luôn nhận được từ các cửa hàng bán VLXD.
Theo chị Mùi, chủ cửa hàng Quốc Bình trên đường Nguyễn Giản Thanh, Quận 10, "xi măng thật sự khan hàng, không phải thông tin ảo. Nguyên nhân là do các nhà máy xi măng sản xuất cầm chừng do quy định không được tăng giá của Chính phủ". Thông tin này cũng được chủ các cửa hàng khác xác nhận. Các đại lí cho biết hiện họ bán rất cầm chừng và chỉ bán với số lượng rất ít do nguồn cung không đáp ứng được. Giá xi măng vẫn cứ “ngất ngưởng” dao động từ 70-80 ngàn đồng/bao.
Giá cả VLXD đang leo thang hàng ngày.
Chị Phụng - chủ đại lí VLXD Bảo Phát trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) cho biết chị đã mất 3-5 ngày xếp hàng chờ đợi mới có 1 chuyến xi măng về, mỗi chuyến khoảng 400 bao. Giá xi măng tăng một phần do chi phí xếp hàng chờ đợi lâu. So với tuần trước giá xi măng tăng lên khoảng 2.000-3.000 đồng/bao.
Tương tự, đá 5, 7 đổ bê tông cũng ở vào tình trạng như trên. Giá đá bán ra tại một đại lí trên đường Nguyễn Quang Bích (quận Tân Bình) hiện nay vào khoảng 220 ngàn đồng/khối, còn ở một cửa hàng khác tại quận 10 là 250.000đ. Theo anh Đồng (chủ doanh nghiệp Huy Đồng) chuyên kinh doanh các mặt hàng VLXD, trước đây mỗi đêm doanh nghiệp của anh thu vào ít nhất là 4 xe đá nhưng hiện nay mức cao nhất có thể mua được là 2 xe (tương đương với 10 khối đá).
Một số cửa hàng khác cũng cho biết giá VLXD tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của họ. Chị Phụng cho biết, bình thường mỗi ngày đại lí của chị bán ra 400-500 bao xi măng nhưng hiện nay mỗi ngày chỉ bán khoảng 100 bao. Các mặt hàng khác như gạch, cát,… cũng đang ở trong tình trạng ế ẩm tương tự. Chủ một cửa hàng bán gỗ làm mộ trên đường Tô Hiến Thành cũng xác nhận, trước đây, bình quân anh bán khoảng 300m2 ván và 2m3 gỗ mỗi ngày nhưng hiện nay, anh chỉ bán được khoảng 200m2 ván và khoảng 1/2 m3 gỗ.
Những đại lý này cũng cho biết, khách hàng hiện nay chủ yếu là những công trình đang xây dở dang hoặc các công trình nhỏ, sửa chữa bắt buộc chứ ít có công trình lớn.
Mặc dù cửa hàng nào cũng cho biết xi măng cát đá, sắt thép khan hàng, nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục tăng giá, thế nhưng, trên thực tế, hầu như chưa có ai bị từ chối đơn hàng hoặc bị thiếu VLXD khi đang xây nhà dang dở. Tại cửa hàng Quốc Bình, một khách hàng đến mua hàng tấn xi măng với nhu cầu xây một căn nhà 4 tấm, đưa tiền ngay, hoá đơn bán hàng được xuất ngay lập tức. Mặt khác, những người đang xây nhà cũng cho biết họ không gặp khó khăn nào khác ngoài việc phải chi thêm nhiều tiền cho căn nhà so với dự tính ban đầu.
Người nghèo khổ trướcSuốt thời gian qua, giá VLXD không ngừng biến động đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý những người nghèo đang có nhu cầu xây sửa lại nhà ở. Đã thế, mỗi cửa hàng lại bán hàng với một giá khác nhau khiến khách nghèo không khỏi hoang mang.
Tại cửa hàng VLXD Quốc Bình, chị Nguyễn Thị Hoá, một khách hàng cho biết, chị dự định xây lại căn nhà đã xuống cấp trầm trọng. Nhưng tham khảo giá VLXD một vài nơi, chị thấy rối tung cả lên vì mỗi nơi cho một giá khác nhau khiến chị không biết nên mua chỗ nào cho rẻ. "Một lần làm nhà là một lần khó. Mình không dư dả gì, kiếm đồng tiền khó khăn quá nên làm gì cũng phải tính toán kỹ lưỡng. Nhưng giá cả cứ cao ngất ngưởng mà lại mỗi nơi một giá thế này không biết đường nào mà liệu", chị Hoá tâm sự.
Đúng như lời chị Hoá, khi tham khảo giá VLXD ở một số nơi, chúng tôi nhận thấy giá cả mỗi cửa hàng một khác nhau. Tại cửa hàng VLXD Sông Đào trên đường Lý Thường Kiệt, sắt phi 6 Việt Nhật bán ra 118.700 đ/cây, sắt Pomina và miền Nam 117.800 đ/cây. Cách đó 500m, một cửa hàng trên đường Thành Thái của Công ty Nam Ngọc Minh bán các loại sắt trên với giá lần lượt là 126.000đ và 125.000đ.
Tương tự sắt, giá xi măng ở các đại lý vẫn chênh nhau đáng kể. Chủ cửa hàng Quốc Bình cho biết, xi măng Sao Mai, Hà Tiên, Holcim đang ở mức giá 78.000đ/bao, xi măng Cẩm Phả, Fico giá 75.000đ. Trong khi đó, một cửa hàng khác trên đường Lý Thường Kiệt, Q. Tân Bình bán các loại xi măng trên với giá 80.000 và 78.000 đ/bao.
Giá VLXD điều chỉnh theo hướng tăng liên tục suốt thời gian qua và không có dấu hiệu cho thấy sẽ chững lại khiến không ít người nghèo thật sự có nhu cầu xây sửa nhà ở lâm vào tình thế khó khăn.
Ông Nguyễn Vương - một cán bộ hưu trí ở quận Tân Phú cho biết, ngôi nhà ông đang ở được xây dựng từ năm 1990, hiện đã dột nát, hư hỏng nặng. Ông đã định xây lại nhà mới nhưng giá VLXD cứ tăng hàng ngày khiến túi tiền của ông như ngày càng bé lại. "Bây giờ thì mọi vật liệu đều đã cao chót vót, giá nhân công cũng tăng cao. Có lẽ tôi chỉ sửa lại căn nhà, được tới đâu hay tới đó, không xây nữa". Ông Vương buồn bã tâm sự.
Chị Trinh, ngụ quận Tân Bình cũng rơi vào tình trạng "dở khóc dở mếu" khi đang xây nhà thì VLXD cứ vù vù tăng giá. Đến nay, ngoài số tiền dự kiến mà cả nhà tích cóp suốt 20 năm ròng, chị buộc phải vay ngân hàng gần 100 triệu để hoàn thành nốt căn nhà. Chị cho biết, chi phí cho căn nhà 70m2 một trệt một lầu của chị đã tăng hơn 150 triệu so với dự toán ban đầu.
Dẫu sao, chị Trinh cũng còn "sức" để "chạy" được cùng cơn bão giá, nhưng với nhiều người nghèo khác, thì giấc mơ có một căn nhà mới, đàng hoàng, tươm tất hơn, sẽ gác lại không biết đến bao giờ.
Theo VietNamNet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: