Top

Tiêu thụ thép trong nước đang giảm mạnh.

Cập nhật 14/05/2008 09:00

Trái ngược hoàn toàn với tình trạng thiếu phôi thép và phải nhập khẩu với giá cao cách đây vài tháng, các DN sản xuất phôi thép cho biết, hiện nay họ buộc phải quay sang xuất khẩu phôi thép do không thể bán được trên thị trường trong nước.

Buộc phải xuất khẩu phôi thép

Nhu cầu phôi thép của Việt Nam năm 2008 khoảng trên 4 triệu tấn, trong khi đó sản xuất phôi trong nước chỉ đáp ứng khoảng 50%. Từ trước đến nay phôi thép sản xuất ra hoàn toàn phục vụ cho cán thép của các DN trong nước. Phôi thép sản xuất đến đâu thì tiêu thụ hết đến đó. Nhưng nay mọi chuyện đã thay đổi, phôi thép sản xuất ra các DN cán thép không mua mà phải tìm đường xuất khẩu.

Giải thích của các DN là do Chính phủ giảm chỉ tiêu tăng trưởng, kiềm chế lạm phát nên nhiều công trình xây dựng đã tạm ngừng thi công vì thiếu vốn làm cho nhu cầu về thép giảm. Trong khi đó trong quý I/2008 các DN cán thép lo ngại giá phôi thép tăng cao đã nhập khẩu dự trữ một lượng phôi thép rất lớn, gần gấp 2 lần so với quý I/2007 (khoảng 500.000 tấn) vì vậy nhu cầu về phôi thép giảm rất mạnh.

Ông Hoàng Văn Tòng, Phó Tổng giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên cho biết, tiêu thụ thép rất chậm. Gang thép Thái Nguyên riêng trong tháng 4/2008 đã tồn kho tới 30.000 tấn thép, trong khi cả quý I/2008 vừa qua không có tồn kho, hàng làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Cũng theo ông Tòng, hiện nhiều công trình xây dựng đang phải ngừng lại vì không có vốn thi công, chính vì vậy mà nhu cầu về thép đã giảm mạnh.

Khi nhu cầu về thép giảm và lượng phôi dự trữ còn nhiều thì nhu cầu về phôi thép không còn, dẫn đến nhiều DN sản xuất phôi bị ảnh hưởng sản phẩm không có đầu ra, phải tìm đường xuất khẩu.

Công ty Gang thép Vạn Lợi cho biết họ đã xuất khẩu 10.000 tấn phôi sang Philippines. Công ty Thép Đình Vũ cũng đã ký hợp đồng xuất khẩu 30.000 tấn phôi sang khu vực Đông Nam Á trong đó 10.000 tấn đã được xuất đi.

Giá phôi thép xuất khẩu của Việt Nam cũng thấp hơn so với giá khu vực chỉ khoảng trên 800 USD/tấn, trong khi giá phôi chào bán trên thị trường hiện nay từ 900-970 USD/tấn.

Thép tấm, thép phế: Tái xuất khẩu với giá thấp

Không chỉ có phôi thép mà thép tấm cũng đang được các DN đẩy mạnh xuất khẩu. Trong thời gian qua các DN Việt Nam đã nhập khẩu rất nhiều thép tấm để dự trữ, có DN nhập tới hơn 100.000 tấn thép tấm, nhưng nay không bán được đang phải tái xuất.

Thép phế cũng nằm trong tình cảnh tương tự. Một DN nhập khẩu thép phế cho biết, khi phôi thép không tiêu thụ được thì thép phế không có ai mua và giá đang giảm thảm hại. Trong khi giá thép phế trên thị trường thế giới là 600-660 USD/tấn thì tại Việt Nam chỉ 480-500 USD tấn. Nhiều lô hàng thép phế đang trên đường về Việt Nam đã phải chuyển hướng bán sang các nước trong khu vực như Thái Lan.

Còn các lô hàng đã nhập về thì không tìm ra khách mua, nằm chất đống tại các bến bãi nhà kho. Nhiều DN đang chào bán với giá hoà vốn nhưng không bán được. Muốn xuất khẩu thì vướng thuế suất cao. Bên cạnh đó nhiều DN không có tiền để thanh toán cho nhà cung cấp bởi các ngân hàng đã hạn chế hạn mức cho vay. Có những DN nhập thép phế, hợp đồng đã ký, lô hàng đang về nhưng không biết lo đâu ra tiền để thanh toán, bắt buộc phải bán cho các nước khác chỉ cần hoà vốn để thanh toán cho bên bán.

Hiện nhiều DN nước ngoài đang tìm đến thị trường Việt Nam để mua thép, phôi thép và thép phế, nhưng do họ biết những khó khăn của các DN trong nước nên ra sức ép giá vì vậy mà bán không thể cao được, một DN nhập khẩu thép phế cho biết.

Một số DN sản xuất phôi thép cho biết đã phải cho công nhân nghỉ việc vì đầu ra không có. Theo các DN, tình trạng này kéo dài sẽ gây ra hậu quả khó lường. Thời gian tới khi thép phế không còn và các DN nhập khẩu ngừng nhập thì sẽ không có nguyên liệu cho sản xuất phôi, khi đó nhiều cơ sở sản xuất phôi có nguy cơ phải đóng cửa. Khi phôi thép dự trữ tiêu thụ hết, trong khi thép phế không còn sẽ dễ dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu cho sản xuất thép.

Theo VietNamNet