Top

Căng thẳng thị trường xi măng

Cập nhật 11/05/2008 09:00

Giá bán lẻ xi măng tại TP.HCM đang tăng mạnh dù các nhà máy vẫn giữ nguyên giá bán, nguồn cung có dấu hiệu khan hiếm, nhiều công ty xi măng đang bán hàng theo định mức cho các nhà phân phối. 

Giá bán lẻ liên tục tăng

Từ giữa tháng 3 vừa qua, giá bán lẻ xi măng các loại tại TP.HCM đã liên tục tăng. Xi măng Hà Tiên 1, Holcim từ mức 62.000 đồng/bao đã tăng lên 66.000 đồng/bao và nay đứng ở mức khoảng 72.000 - 76.000 đồng/bao; xi măng Chinfon, Cotec từ dưới 60.000 đồng/bao nay cũng tăng lên gần bằng giá Hà Tiên 1. Thậm chí trong vài ngày qua, giá xi măng ở một số nơi được các cửa hàng "hét" lên đến 80.000 đồng/bao. Trong khi đó, giá bán tại nhà máy của xi măng Hà Tiên 1, Holcim vẫn giữ mức 53.500 đồng/bao (1.070.000 đồng/tấn); Cotec là 1.040.000 đồng/tấn, Fico là 1.080.000 đồng/tấn... Giá bán của nhà máy xi măng hầu như vẫn không thay đổi từ tháng 2 đến nay theo cam kết với Chính phủ về việc không tăng giá trong 6 tháng đầu năm.

Theo ông Đào Đức Toàn - Giám đốc Công ty cổ phần Đức Toàn (nhà phân phối xi măng các loại) - tại TP.HCM, trong những ngày qua, nhiều nơi đến mua xi măng nhưng ông không dám nhận vì không đủ hàng để giao. "Tôi chỉ để cho các đại lý, các công trình là khách của mình từ trước đến nay. Việc nhận hàng hiện giờ cũng khá chậm, nhiều khi xe phải đợi ở nhà máy 3 ngày mới có nên không dám nhận thêm đơn hàng của khách", ông Toàn nói. Nếu như trước đây, các nhà phân phối muốn mua xi măng với số lượng bao nhiêu cũng có thì hiện nay, họ chỉ được mua theo lượng phân phối mỗi ngày, như Cotec chỉ bán 70 - 90 tấn/ngày/đại lý, Fico 50 tấn/ngày/đại lý... Điều đó càng làm căng thẳng thêm nguồn cung nên việc các đại lý bán ra với giá bao nhiêu cũng dễ được chấp nhận.

“Tôi nghĩ có vấn đề về hệ thống phân phối hoặc đầu cơ vật liệu xây dựng. Đây là những vấn đề cần phải nhanh chóng làm rõ và phải quyết liệt giải quyết, nếu không thị trường xây dựng sẽ bị tê liệt. Các công trình xây dựng bị ngưng trệ sẽ khiến cho hoạt động kinh tế dân sinh, phúc lợi xã hội... bị ảnh hưởng theo. Chỉ tính riêng ở TP.HCM có khoảng 7.000 doanh nghiệp có chức năng xây dựng, nếu bị đình trệ sẽ tạo ra nguy cơ thất nghiệp rất cao cho hàng chục ngàn lao động” - ông Dương Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp xây dựng TP.HCM.


Công ty xi măng Hà Tiên 1 cho biết dù đã chạy hết công suất của mình nhưng vẫn không đáp ứng kịp vì nhu cầu tăng quá mạnh. Từ đầu tháng 5 đến nay, bình quân mỗi ngày công ty này cung cấp cho các nhà phân phối 8.000 tấn xi măng (bình quân trong tháng 4 là 7.000 tấn/ngày). Theo ước tính, nhu cầu của khu vực TP.HCM trong hai tháng qua đã tăng lên khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này khá đột biến và nằm ngoài dự kiến của các nhà máy trước đó (chỉ dự đoán tăng khoảng 20%). Công ty xi măng Fico cũng cho biết: "Nếu trước đây mỗi nhà phân phối chỉ tiêu thụ khoảng 200 - 300 tấn xi măng/tháng thì nay họ đăng ký lên đến 1.000 tấn, thậm chí 2.000 tấn. Vì vậy dù số lượng xi măng Fico đưa ra tối đa 2.000 tấn/ngày nhưng vẫn không đủ".

Chuyển xi măng từ Bắc vào

Theo một chuyên gia, nhu cầu xi măng tăng đột biến trong những ngày qua do nhiều nhà thầu, chủ đầu tư tăng tiến độ, cố hoàn thành công trình trước mùa mưa; một phần khác là vì tâm lý e ngại giá cả sẽ tăng lên sau tháng 6. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, việc dự trữ xi măng khối lượng lớn là khó thực hiện được vì xi măng rất khó bảo quản.

Ngày 9.5, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Anh - Tổng giám đốc Tổng công ty xi măng Việt Nam - cho biết đã điều chuyển xi măng từ phía Bắc vào cung ứng cho thị trường TP.HCM nhằm giảm tình hình căng thẳng về nguồn cung. Cụ thể một tàu chở 3.500 tấn xi măng đã khởi hành vào ngày 8.5 và dự kiến ngày 12.5 sẽ có mặt tại cảng TP.HCM. Bên cạnh đó, 10.000 tấn xi măng nữa cũng đang được xếp lên tàu và cũng sẽ cập cảng TP.HCM vào tuần tới. Từ nay tới cuối tháng, dự kiến các công ty xi măng ở phía Bắc thuộc Tổng công ty xi măng Việt Nam sẽ cung ứng thêm cho phía Nam khoảng 20.000 - 25.000 tấn xi măng. Tất cả xi măng từ phía Bắc vào sẽ được bán ra bằng giá xi măng Hà Tiên 1.

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, nguồn cung đột ngột thiếu hụt ngoài việc nhu cầu tăng đột biến còn do một số trạm nghiền địa phương ở khu vực phía Nam đã không chịu nhập clinker về sản xuất mà lại đóng cửa để bảo hành, sửa chữa... “Giá clinker tăng, chi phí vận chuyển tăng khiến cho giá clinke từ cảng Thái Lan về đến TP.HCM đã tăng thêm khoảng 60 USD/tấn. Trong khi đó giá bán ra không được tăng theo chỉ đạo của Chính phủ nên các đơn vị nhỏ không chịu sản xuất. Do đó mọi nhu cầu hầu như đổ dồn về các nhà máy Hà Tiên 1, Holcim, Cotec và Nghi Sơn (4 nhà máy này chiếm khoảng 75 - 80% thị phần tại TP.HCM) khiến cho nguồn cung bị thiếu hụt”, ông Nguyễn Ngọc Anh nói. Bên cạnh đó, mấy ngày cuối tháng 4.2008, 2 trạm nghiền xi măng Cotec và Cẩm Phả phải dừng sửa chữa nên nguồn cung có giảm.

Nhìn về dài hạn, nguồn cung xi măng tại Việt Nam không thể thiếu hụt. Theo ước tính trong năm nay, sẽ có thêm khoảng 10 nhà máy mới với công suất thiết kế trên 12 triệu tấn/năm. Chỉ riêng trạm nghiền mới của Hà Tiên 1 theo dự kiến hoạt động từ cuối năm 2008 sẽ cung cấp thêm cho thị trường TP.HCM 1,4 triệu tấn/năm (bằng một nửa tổng sản lượng cung cấp của Hà Tiên 1 hiện nay).

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Anh, theo báo cáo sơ bộ của đoàn kiểm tra liên ngành thị trường xi măng TP.HCM sau mấy ngày làm việc vừa qua thì không có hiện tượng găm hàng làm giá. Vì vậy ông Nguyễn Ngọc Anh khẳng định, việc thiếu hụt nguồn cung chỉ xảy ra cục bộ hiện nay và sẽ không kéo dài lâu. Tuy nhiên, để có những giải pháp lâu dài cho việc phát triển ổn định thị trường xi măng, ông Nguyễn Ngọc Anh cho biết sẽ chờ báo cáo chính thức của đoàn kiểm tra và đưa ra các kiến nghị với Chính phủ.

Theo Thanh Niên