Top

Giá xi măng, thép tăng cao: Quản lý thị trường chưa nghiêm

Cập nhật 07/05/2008 11:00

Thời gian qua, giá thép và xi măng liên tiếp tăng giá, khiến hàng loạt công trình xây dựng bị ảnh hưởng, gây rối loạn thị trường. Lãnh đạo các ngành liên quan đã giải thích nguyên nhân “bão giá” hai mặt hàng chiến lược này.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính): Bỏ ngỏ khâu phân phối

Tôi cho rằng, mạng lưới phân phối từ các nhà máy thép đến cửa hàng bán lẻ là nguyên nhân chính khiến giá thép bị đội cao như vậy. Đại đa số hợp đồng phân phối thép là mua đứt bán đoạn nên các doanh nghiệp không thể điều khiển được giá phân phối đã đăng ký. Qua đó có thể khẳng định được việc giá thép, xi măng tăng cao là do có tình trạng mua đứt bán đoạn của các đại lý.

Ông Trần Văn Huynh,Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam: Giới đầu cơ thao túng

Giá xi măng, thép tăng cao thời gian qua có yếu tố khách quan lẫn chủ quan, trong đó các mặt hàng như than, điện, xăng dầu tăng mạnh đã tác động dây chuyền đến việc tăng giá. Đối với mặt hàng xi măng, thực tế thị trường phía Bắc vẫn dồi dào, chỉ tăng giá và khan hiếm ở thị trường TPHCM.

Nguyên nhân là do tình hình nhập khẩu clinker gần đây gặp nhiều khó khăn, kể cả việc giá cước vận tải tăng cao và nhiều chủ tàu không ký hợp đồng vận chuyển. Mặt khác, hiện nay tình hình quản lý giao thông trong nước chặt chẽ hơn, nên thay vì chạy 2 - 3 chuyến/ngày, nay các xe chỉ chạy được 1 - 2 chuyến để thực hiện đúng tốc độ quy định...

Tuy vậy, vấn đề cốt lõi của đợt tăng giá mạnh trên thị trường vẫn là sự thao túng của đối tượng đầu cơ. Lợi dụng tình hình trên, chỉ cần vài đầu mối “kiếm cớ” ém hàng, các chuỗi đại lý cấp thấp sẽ “ăn theo” khiến thị trường khan hiếm, làm giá tăng đột biến.

Ông Dương Ngọc Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng TPHCM: Khâu quản lý nhà nước chưa ổn

Không riêng gì giá xi măng, thép tăng cao mà hầu hết vật liệu xây dựng đều tăng đột biến, từ 50% đến 70%, thậm chí có những mặt hàng như gạch, cát, đá tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2007. Điều này đã khiến các công trình xây dựng gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, xi măng là mặt hàng chiến lược do nhà nước quản lý nhưng đang tăng đột biến, lên mức 70.000 - 80.000 đồng/bao là quá vô lý.

Tôi cho rằng, nguyên nhân chính là do khâu quản lý nhà nước chưa ổn. Để bình ổn giá 2 mặt hàng này, vai trò quản lý nhà nước là hết sức cần thiết; nên yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, trực tiếp là lực lượng quản lý thị trường. Bởi trên thực tế, các đơn vị sản xuất 2 mặt hàng chủ lực này đều cam kết chưa tăng giá đến hết tháng 6-2008.

Đơn cử như xi măng Hà Tiên 1 mác B40 giá do nhà phân phối giao chỉ ở mức 54.000 đồng/bao, xi măng Holcim loại PC mác B40 53.000 đồng/bao. Như vậy, rõ ràng mức giá bị đẩy lên là do có đối tượng đầu cơ thao túng.

Ngay các nhà sản xuất cũng thừa nhận có tình trạng này, vấn đề còn lại là Nhà nước phải có biện pháp quyết liệt để nghiêm trị những kẻ “té nước theo mưa”, làm xáo trộn thị trường. Nếu không có giải pháp bình ổn thị trường xi măng, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ giá bán, “găm” hàng từ khâu phân phối thì trong thời gian tới cơn “bão giá” xi măng có khả năng mạnh hơn.

Ông Nguyễn Thế Thông, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM: Khó kiểm soát

Đối với đại lý, cửa hàng phân phối xi măng, thép trực tiếp của các công ty thì QLTT thường xuyên nhắc nhở việc bán đúng giá cũng như đảm bảo chất lượng sản phẩm. Trường hợp những đối tượng không có chức năng kinh doanh, nhưng tích trữ hàng để đầu cơ, nâng giá, QLTT sẽ lập biên bản xử lý ngay.

Tuy nhiên, đến nay QLTT vẫn chưa phát hiện, xử lý đối tượng nào đầu cơ tăng giá, do đặc thù hai mặt hàng rất khó kiểm soát. Song để việc kiểm tra hiệu quả, kịp thời, các hiệp hội, công ty cần thường xuyên phối hợp, cung cấp ngay giá thành sản phẩm cho QLTT khi tình hình giá trên thị trường chớm biến động. Có như vậy, lực lượng QLTT mới có cơ sở để xử lý những hành vi ghim hàng, nâng giá

Thông tin từ Tổ điều hành thị trường trong nước cho biết, từ 6-5 đến 11-5, đoàn kiểm tra cung - cầu xi măng gồm Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), Hiệp hội Xi măng Việt Nam, Cục Quản lý thị trường, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam sẽ trực tiếp kiểm tra tình hình sản xuất, lượng hàng tồn kho, giá bán xi măng tại các đơn vị sản xuất, cung ứng xi măng thuộc khu vực TPHCM và các tỉnh lân cận.

Ngoài ra, đoàn cũng có kế hoạch kiểm tra việc nhập - xuất lượng hàng tồn kho của các nhà phân phối và đại lý lớn; so sánh giá bán với giá niêm yết và giám sát chặt chẽ việc thực hiện cam kết trong hợp đồng với nhà sản xuất.


Theo Sài Gòn Giải Phóng