Top

Hướng tới làm chủ công nghệ xây nhà siêu cao

Cập nhật 05/06/2013 16:42

Tại Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành Xây dựng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu đến năm 2020 làm chủ công nghệ xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp có quy mô lớn và yêu cầu kỹ thuật phức tạp; phát triển và ứng dụng các công nghệ xây dựng phục vụ phát triển bền vững.

Ảnh minh họa

Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành Xây dựng nhằm phục vụ các mục tiêu chung của Chiến lược khoa học và công nghệ quốc gia, Chiến lược Phát triển bền vững, đáp ứng các yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Mức độ phát triển của khoa học và công nghệ ngành Xây dựng cần đạt trình độ ngang tầm khu vực và thế giới trên các lĩnh vực: Công nghệ xây dựng; cơ khí xây dựng; vật liệu xây dựng; hạ tầng và phát triển đô thị; hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn và nguồn nhân lực.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 phấn đấu phát triển công nghệ xây dựng theo hướng công nghiệp hóa; làm chủ công nghệ xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp có quy mô lớn và yêu cầu kỹ thuật phức tạp; phát triển và ứng dụng các công nghệ xây dựng phục vụ phát triển bền vững.

Cụ thể, sẽ tăng cường ứng dụng kết cấu thép và bê tông cốt thép lắp ghép, nâng cao mức độ công nghiệp hóa trong xây dựng nhà nhằm phục vụ Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và chương trình xây dựng nhà ở xã hội; nghiên cứu tiếp thu công nghệ xây dựng các công trình công nghiệp có quy mô lớn và phức tạp như nhà máy điện hạt nhân, công trình ngầm đô thị dạng tuyến và dạng điểm sâu đến 30 m; nghiên cứu và sử dụng rộng rãi vật liệu có tính năng cao (bê tông cường độ cao, thép, kết cấu hỗn hợp) trong xây dựng nhà cao trên 40 tầng, các công trình có khẩu độ lớn trên 120 m…

Bên cạnh đó, ngành Xây dựng cũng đặt ra mục tiêu làm chủ công nghệ sản xuất các vật liệu xây dựng chủ lực; làm chủ công nghệ sản xuất các thiết bị, máy thi công và dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng và thiết bị xử lý nước thông thường; nghiên cứu xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn, đảm bảo tính dân tộc, hiện đại và phát triển bền vững; nghiên cứu quy hoạch, quản lý và phát triển xây dựng không gian ngầm đô thị; làm chủ công nghệ xử lý các nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho cư dân đô thị…

Trong lĩnh vực hạ tầng đô thị, ngành Xây dựng đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ làm chủ công nghệ xử lý các nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho cư dân đô thị, nông thôn và hải đảo; áp dụng các công nghệ tiên tiến trong thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt và công nghiệp; nghiên cứu các giải pháp thích hợp cho các đô thị ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển các công nghệ mới nhằm tái sử dụng nước; tăng cường sử dụng các công nghệ chế biến và tái sử dụng rác thải đô thị tiến tới loại bỏ chôn lấp rác thải sinh hoạt.

Năm 2030, Việt Nam làm chủ công nghệ xây dựng nhà siêu cao

Theo Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành Xây dựng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, nền khoa học và công nghệ xây dựng hiện đại thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy sự phát triển của ngành Xây dựng theo hướng tiên tiến và hiện đại, đáp ứng với tiến trình hội nhập.

Đặc biệt, Chiến lược đặt mục tiêu trong lĩnh vực công nghệ xây dựng đến 2030 sẽ làm chủ công nghệ xây dựng nhà siêu cao, các công trình công nghiệp đặc biệt, công trình ngầm, công trình biển; làm chủ công nghệ thiết kế, xây lắp và tham gia vào các công trình nhà máy điện hạt nhân với giá trị 30-40% tổng giá trị xây lắp công trình…

DiaOcOnline.vn - Theo Chính Phủ