Luật Đấu thầu (sửa đổi), sẽ được Quốc hội sẽ nghe và cho ý kiến trong tuần làm việc thứ 3 của kỳ họp thứ 5. Trước đó, tại phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến để cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh dự án luật trình ra Quốc hội lần này. Phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là một luật khó, nhưng hết sức cần thiết để nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh, đại diện cơ quan soạn thảo luật, hiện quy định pháp luật về đấu thầu tồn tại trong nhiều văn bản khác nhau, tạo nên sự trùng lắp, chồng chéo và thậm chí mâu thuẫn với nhau, gây khó cho hoạt động hết sức quan trọng này của nền kinh tế. “Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được thiết kế theo hướng “gom” đầy đủ các quy định về đấu thầu tại Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản và Luật Xây dựng vào Luật Đấu thầu (sửa đổi), đồng thời bãi bỏ các nội dung quy định về đấu thầu tại hai luật trên”, ông Bùi Quang Vinh cho biết.
Đấu thầu là một lĩnh vực chuyên môn nên nhiều nước trên thế giới đều ban hành Luật Đấu thầu (hoặc Luật Mua sắm công) nhằm tập trung, thống nhất điều chỉnh tất cả các hoạt động mua sắm, sử dụng vốn nhà nước. Một thực tế rất đáng quan tâm là trong hoạt động mua sắm công ở Việt Nam những năm qua, tình trạng hàng hóa sản xuất trong nước và các nhà thầu nội bị kém thế khá phổ biến.
Thừa nhận tình trạng “xé lẻ” dự án để áp dụng hình thức chỉ định thầu, tránh né việc đấu thầu rộng rãi, song Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đề nghị các nhà lập pháp lưu ý đến thủ thuật “gộp thầu” để tạo ra những gói thầu quy mô lớn và công nghệ phức tạp nhằm gạt các nhà thầu nội (vốn non kinh nghiệm và “mỏng” hơn về tiềm lực tài chính) ra khỏi sân chơi. Nhiều nhà thầu nội bị cho ra rìa, dù rằng sau khi nhà thầu ngoại trúng thầu, phần lớn công việc của gói thầu là do nhà thầu nội và lao động người Việt triển khai, thực hiện.
Đáng lưu ý, câu chuyện thua thầu nhiều khi khá “tức tưởi” không phải vì nhà thầu nội thua kém về trình độ thiết kế, thi công mà nhiều khi chỉ là do những quy định trong đấu thầu còn chưa hợp lý. Ở một dự án có quy mô lớn, độ phức tạp cao như Nhà máy Thủy điện Sơn La - công trình thủy điện quy mô lớn nhất Việt Nam và cũng là lớn nhất Đông Nam Á - nội lực của các nhà thầu nội được khẳng định rất thuyết phục khi hoàn toàn do kỹ sư, công nhân Việt Nam thiết kế và thi công. Với sự hỗ trợ giám sát của các chuyên gia nước ngoài, công trình đã được công nhận về chất lượng và đã về đích trước dự tính tới 3 năm.
Tới đây, theo dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), nhà thầu nước ngoài khi tham gia dự thầu quốc tế tại Việt Nam phải liên danh hoặc ký hợp đồng với nhà thầu phụ Việt Nam. Nhà thầu nước ngoài chỉ được phép sử dụng lao động nước ngoài khi lao động trong nước không đủ khả năng thực hiện và không đáp ứng yêu cầu của gói thầu theo quy định của pháp luật.
Vẫn theo bản dự thảo, nhà thầu trong nước và nhà thầu sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước cũng sẽ nhận được nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước trong đấu thầu quốc tế. Thiết nghĩ, với những nội dung nêu trên, một khi Luật Đấu thầu (sửa đổi) được Quốc hội phê duyệt, ban hành sẽ không chỉ góp phần tạo ra một hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi mà còn hạn chế tối đa tình trạng nhà thầu Việt thua tức tưởi ngay trên sân nhà.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: