Việc chỉ định thầu chỉ nên áp dụng trong các trường hợp bất khả kháng do thiên tai, địch họa, sự cố cần khắc phục ngay.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển, vừa qua đấu thầu là khâu rất yếu trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, bộc lộ nhiều bất cập và tiêu cực như thông thầu, quân xanh quân đỏ, chân gỗ, chỉ định thầu chưa đúng với quy định đặt ra. Đấu thầu chỉ mang hình thức nên dẫn tới lãng phí, tiêu cực trong đầu tư xây dựng cơ bản.
Quy định chỉ định thầu được siết chặt hơn. Ảnh: internet
|
“Việc chỉ định thầu vừa qua có mặt tích cực là thúc đẩy tiến độ công trình nhanh hơn song có giai đoạn chỉ định hơi tràn lan. Vì vậy, cần quy định chặt chẽ hơn trong luật về các trường hợp được chỉ định thầu vì trên thực tế, rất nhiều trường hợp đã lách luật chia nhỏ các gói thầu để được chỉ định thầu”, ông Hiển đề nghị.
Liên quan tới quy định về chỉ định thầu, báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng cho rằng, việc chỉ định thầu chỉ nên áp dụng trong các trường hợp bất khả kháng do thiên tai, địch họa, sự cố cần khắc phục ngay; trường hợp do yêu cầu của nhà tài trợ nước ngoài và một số điều kiện khác như quy định của luật Đấu thầu năm 2005.
Theo quy định hiện hành của luật Đấu thầu, việc chỉ định thầu trong một số trường hợp đặc biệt phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, nhiều gói thầu không thuộc trường hợp đặc biệt nhưng người có thẩm quyền vẫn né tránh trách nhiệm phê duyệt hình thức lựa chọn nhà thầu và vẫn trình Thủ tướng xem xét, quyết định, hoặc người có thẩm quyền lạm dụng đề nghị áp dụng chỉ định thầu không phù hợp dẫn đến kéo dài thời gian tổ chức thực hiện, tăng thủ tục hành chính không cần thiết trong hoạt động đấu thầu.
Liên quan đến việc chỉ định thầu, ý kiến khác lại cho rằng dự án Luật lần này đã quy định cụ thể hơn trách nhiệm của cá nhân đối với từng hoạt động trong quá trình đấu thầu, trong đó có trách nhiệm của người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng chỉ định thầu, do vậy sẽ hạn chế được tình trạng lợi dụng để chỉ định thầu tràn lan, trốn tránh trách nhiệm trong quá trình chỉ định thầu.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, luật cần quy định rõ trách nhiệm cá nhân đối với từng trường hợp chỉ định thầu cũng như phải có chế tài xử lý vi phạm trong chỉ định thầu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thì nhấn mạnh, việc xây dựng Luật này là việc khó, có tác động rất lớn đến các tổ chức chính trị xã hội và xã hội nghề nghiệp, trong khi Luật Đấu thầu hiện hành chỉ xoay quanh “chuyện” đấu thầu trong xây dựng...
“Vì thế, chúng ta phải làm chặt chẽ, làm sao đừng để khi ngồi xem lại Luật thấy điều nào cũng muốn loại bỏ vì không còn hợp lý với thực tiễn”, ông Hùng lưu ý.
DiaOcOnline.vn - Theo VTC
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: