Top

Bộ Xây dựng muốn Luật Xây dựng sửa đổi sớm được ban hành

Cập nhật 21/05/2013 09:18

Đánh giá Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng muốn Luật sớm được ban hành, dù một số nội dung của Dự thảo vẫn còn nhiều tranh cãi.

Sau 10 năm ra đời, Luật Xây dựng đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển và biến động của môi trường kinh tế, một số nội dung trong Luật đã bộc lộ hạn chế cần được sử đổi, bổ sung để phù hợp với điều kiện mới. Đứng trước yêu cầu đó, Bộ Xây dựng đã soạn thảo Dự thảo Luật Xây dựng sử đổi và đang lấy ý kiến đóng góp của các ban, ngành, doanh nghiệp và các chuyên gia trước khi trình Quốc Hội phê chuẩn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, dù đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế và đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút nguồn lực cả trong và ngoài nước cho đầu tư, xây dựng, bất động sản, nhưng một số nội dung của Luật Xây dựng 2003 đã bộc lộ những hạn chế như việc phân cấp quản lý đầu tư xây dựng chưa gắn với công tác quản lý kiểm tra, kiểm soát; việc kiểm soát đầu tư công cũng có vấn đề. Chẳng hạn, công trình do Nhà nước đầu tư, nhưng nhà tư vấn lại có vai trò quyết định nhiều hơn, trong khi vai trò của cơ quan quản lý nhà nước chưa thể hiện rõ, hoặc chưa có trách nhiệm cụ thể.

Ngoài ra, các quy định của Luật Xây dựng hiện hành khó loại bỏ các nhà thầu yếu kém, dẫn đến tình trạng Nhà nước bị chôn vốn tại một số dự án do nhà thầu thiếu năng lực. Từ đó dẫn tới tình trạng nhiều dự án bị bỏ hoang, gây thất thoát vốn của Nhà nước và nhân dân. Vì vậy, Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý bình đẳng trong việc đầu tư, hạn chế những tác động tiêu cực đến hiệu quả phát triển kinh tế, môi trường và cộng đồng. Ngoài ra, vai trò cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ được cụ thể hóa theo công thức: quyền càng lớn, trách nhiệm càng cao.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, Dự thảo Luật xây dựng sửa đổi đã đáp ứng cơ bản các yêu cầu về quản lý đầu tư xây dựng. Về mặt pháp lý, nội dung của Dự thảo khá thống nhất với các luật có liên quan như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đấu thầu…

Ngoài ra, Dự thảo cũng đã xác định rõ hơn chức năng của chủ đầu tư, tăng cường vai trò giám sát của cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện dự án. Vì thế, ông Hùng kiến nghị, nếu Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi được thông qua, Chính phủ và các bộ, ngành cần phải ban hành ngay các nghị định, thông tư hướng dẫn để đảm bảo sự đồng bộ trong triển khai thực hiện.

Thừa nhận Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi có nhiều nội dung phù hợp và đã khắc phục được các hạn chế của Luật hiện hành, nhưng nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, Dự thảo cần phải có thêm thời gian và cần tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi một số nội dung để tránh sự chồng chéo.

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, các nội dung trong Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi vẫn cần bàn luận và sửa đổi thêm, vì vậy, Bộ Xây dựng không nên trình Quốc hội trong thời điểm này. Theo ông Hùng, nên tách Chương Quy hoạch Xây dựng để chuyển gộp vào Luật Quy hoạch xây dựng; cần nghiên cứu thêm về Chương Đấu thầu xây dựng và Đấu thầu đầu tư xây dựng. Thậm chí, ông Hùng còn cho rằng, nên đổi tên Luật Xây dựng thành Luật Đầu tư Xây dựng để cho bao quát và dễ hiểu hơn.

Đánh giá cao ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp, nhất là các ý kiến về việc tách một số nội dung của Dự thảo ra thành một luật riêng, nhưng Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, làm như thế sẽ cần rất nhiều thời gian, trong khi việc đưa ngay các nội dung vào Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi sẽ phát huy hiệu quả nhanh nhất.

Cũng theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong đầu tư xây dựng, vì thế, việc làm sao để Luật sớm được ban hành là rất cần thiết.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán