Top

Đà Nẵng: Giá xi măng biến động mạnh

Cập nhật 16/05/2008 10:00

Xi măng trên thị trường Đà Nẵng đang tăng giá. Các loại xi măng trước đây bị chê, nay cũng có dấu hiệu khan hiếm.

Ngày 14/5, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Đà Nẵng cho hay, qua kiểm tra 7 cơ sở kinh doanh cho thấy giá thép, sắt xây dựng trên địa bàn TP đã giảm khoảng 300 đồng/kg so với đầu tháng. Tuy nhiên xi-măng lại đang có dấu hiếu khan hiếm, giá cả đang “nhảy múa” từng ngày!

Nếu tháng 1/2008, giá xi-măng Hoàng Thạch 940.000 đồng/tấn thì sang tháng 2 là 975.000 đồng/tấn, đến nửa cuối tháng 3 đã tăng lên 1.070.000 đồng/tấn và hiện đang ở mức khoảng 1.055.000 đồng/tấn. Cũng với đà tăng này, giá xi-măng Hoàng Mai từ 845.000 đồng/tấn từ đầu tháng 3 đã tăng lên 1.010.000 đồng/tấn vào cuối tháng và đến giữa tháng 4 đã lên 1.030.000 đồng/tấn. Xi-măng Kim Đỉnh từ 980.000 đồng/tấn cũng tăng lên 1.050.000 đồng/tấn.

Kể cả các loại xi-măng vốn trước đây bị “chê” là chỉ để làm đường bê tông nông thôn thì nay cũng tăng giá ào ạt. Như xi-măng Cosevco tăng thêm 100.000 đồng/tấn, xi-măng Hải Vân tăng 30.000 đồng/tấn… Hiện nhiều đại lý bán lẻ đang xuống tận cảng để mua xi-măng từ tàu và bán tại chỗ với mức chênh lệch các loại xi-măng Chinfon, Hoàng Thạch, Nghi Sơn, Kim Đình khoảng 30.000 đồng/tấn.

Theo giải thích của nhiều đại lý và tổng đại lý vật liệu xây dựng tại Đà Nẵng thì nguyên nhân tăng giá xi-măng là do khan hiếm nguồn cung chứ không có sự đầu cơ để tăng giá.

Trưởng phòng bán hàng một công ty kinh doanh vật liệu xây dựng phân tích thêm, hiện các nhà máy xi-măng Hoàng Mai, Hoàng Thạch… đã cắt giảm 50% sản lượng xi-măng cung cấp vào thị trường Đà Nẵng; lượng clinker cung ứng cho các nhà máy xi-măng địa phương cũng giảm tương ứng. “Ngay tại thị trường phía Bắc và phía Nam, giá xi-măng vẫn cao hơn thị trường Đà Nẵng nên không doanh nghiệp nào vận chuyển hàng đi cả ngàn cây số để bán với giá thấp!” - ông nói.

Tuy nhiên theo Trưởng đoàn Liên ngành Kiểm soát giá cả thị trường Đà Nẵng Nguyễn Nho Hậu, các đơn vị đầu mối phân phối xi-măng chính ở Đà Nẵng như Công ty TNHH Minh Toàn (tổng đại lý xi-măng Kim Đỉnh), Xí nghiệp Kinh doanh vật liệu xây dựng - xây lắp Đà Nẵng (nhà phân phối xi-măng Hoàng Thạch, Bỉm Sơn, Hải Vân, Hoàng Mai) không có hệ thống mạng lưới, cửa hàng bán lẻ. Gần như toàn bộ xi-măng do họ đưa về Đà Nẵng chủ yếu bằng đường thuỷ và đường sắt đều cung cấp cho các đại lý, thậm chí bán ngay tại cảng, tại ga chứ không đưa về kho của đơn vị rồi mới xuất bán.

Theo xác định của Chi cục QLTT Đà Nẵng, đây là một trong những hình thức buôn bán lòng vòng, dễ tạo kẽ hở cho các đại lý găm giữ hàng, tự ý tăng giá so với giá gốc để trục lợi mỗi khi nhu cầu về mặt hàng này tăng cao. Đáng lo ngại hơn nữa là khi xảy ra sự cố sốt xi-măng thì các đơn vị đầu mối phân phối khó có thể thực hiện được các biện pháp điều tiết, bình ổn thị trường theo sự chỉ đạo của Nhà nước.

Theo VietNamNet