Giá thép trong nước những ngày đầu tháng 9 có xu hướng giảm rõ rệt. Chỉ trong vòng 1 tháng, giá thép tròn đã giảm 800 - 900 đồng/kg, giá các loại thép lá giảm 800 - 1.900 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 8, lượng thép tiêu thụ chỉ đạt 120.000 tấn, giảm 130.000 tấn so với tháng trước đó.
Đây là tháng tiêu thụ thép giảm mạnh nhất từ trước tới nay và cũng là tháng thứ tư liên tiếp giảm. Trong khi đó, giá thép trên thị trường thế giới cũng diễn ra theo xu hướng giảm.
Giá thép tại Trung Quốc tiếp tục đà giảm, tại các thành phố quan trọng của Trung Quốc, mỗi tấn thép đã giảm 90-110 nhân dân tệ (13 - 16 USD) so với cách đây 1 tháng.
Trong khi đó, nguồn cung thép vẫn tiếp tục gia tăng.
Trên sàn chứng khoán trong nước, những cổ phiếu thép được giới đầu tư chú ý nhất là HPG của Tập đoàn Hòa Phát, HMC của Công ty Kim khí TP.HCM, VIS của Công ty cổ phần Thép Việt Ý, SMC của Công ty Đầu tư và Thương mại SMC...
HPG sau khi tăng giá cực điểm lên tới 76.000 đồng/cổ phiếu thì hiện đã giảm xuống còn 57.000 đồng, HMC cũng đã giảm từ đỉnh cao 30.900 xuống còn 22.900 đồng/cổ phiếu, VIS giảm từ 47.900 đồng xuống còn 35.400 đồng, SMC giảm từ 41.000 đồng xuống còn 31.400 đồng.
Tuy nhiên, việc giảm giá của các cổ phiếu ngành thép những ngày vừa qua chủ yếu là do ảnh hưởng của đợt suy thoái của toàn thị trường.
Ông Nguyễn Văn Quý, chuyên viên Phòng Phân tích (Công ty Chứng khoán FPT) cho biết, một số yếu tố chính có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của HPG là giá nguyên liệu thép đầu vào, hoạt động cho vay tín dụng của ngân hàng, tình hình lạm phát...
Giới phân tích cho rằng, ngay cả các doanh nghiệp trong cùng ngành thép cũng sẽ chịu những tác động rất khác nhau với cùng ảnh hưởng từ việc giá thép giảm.
Chẳng hạn, những doanh nghiệp đã nhập nhiều phôi thép trong thời điểm giá cao trước đây thì giờ đây chắc chắn sẽ gặp nhiều rắc rối trong bối cảnh mặt bằng giá đi xuống.
Hầu hết doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng đang phải đối mặt với tình trạng thị trường đầu ra tiêu thụ chậm, do nhiều công trình xây dựng phải cắt giảm.
Tuy nhiên, tình trạng này cũng chỉ là tạm thời và việc thị trường thép cả trong và ngoài nước giảm đang là cơ hội tốt cho những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh tiếp tục tích trữ thép phục vụ cho nhu cầu sản xuất khi thị trường đầu ra sôi động trở lại.
Thực chất, một số doanh nghiệp ngành thép cũng đã từng thắng đậm trong 6 tháng đầu năm nhờ cách này khi kịp thời gom đủ nguyên liệu đầu vào từ cuối năm 2007 để đón đầu cơ hội đầu năm 2008 khi thị trường thép sôi động.
Còn đối với các nhà đầu tư chứng khoán, cho dù thị trường thép đang nguội lạnh, thì cổ phiếu ngành thép vẫn là địa chỉ đáng lưu tâm, vì nhóm cổ phiếu này hàm chứa nhiều đột biến, như những gì đã từng xảy ra đầu năm 2008.
Theo Đầu Tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: