Top

Kinh doanh trực tuyến: Instagram đang ′hất cẳng′ Facebook?

Cập nhật 08/09/2014 16:40

Giá dịch vụ quảng cáo ngày càng đắt đỏ khiến Facebook dường như không còn được lòng các chủ cửa hàng bán đồ online. Thay vào đó, để tiếp tục công việc kinh doanh, nhiều “thương gia” đã nhanh chóng tận dụng các kênh truyền thông còn miễn phí và cũng được giới trẻ đặc biệt ưu chuộng như Instagram.


“Mốt” mua bán hàng mới của giới trẻ

Mạng xã hội Instagram không còn quá xa lạ với phần đông người dùng smartphone. Còn nhớ, cách đây 2 năm, Facebook đã thực hiện một thương vụ đình đám là mua lại ứng dụng này với giá 1 tỉ USD, một con số khá lớn.

Hiện nay, ngày càng nhiều người dùng chuyển từ Facebook sang mạng xã hội này bởi những ưu điểm vượt trội của nó khi chia sẻ hình ảnh. Không quá “xô bồ” như Facebook, Instagram cho phép người dùng chủ động hơn khi được trực tiếp follow (theo đuôi) các tài khoản mà mình ưa thích. Mặt khác, thay vì ngồi chờ khách hàng “like” trang bán hàng của mình như trên Facebook, những chủ cửa hàng trên Instagram có thể trực tiếp follow lại khách hàng để thu hút sự chú ý.

Các cửa hàng online trên Instagram rất đa dạng, từ quần áo, giày dép, đồ ăn thức uống cho tới đồ chơi...

Dạo một vòng các tài khoản trên Instagram, có thể dễ dàng bắt gặp nhiều shop kinh doanh online đa dạng, đủ các loại mặt hàng phong phú: từ quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ ăn, thức uống… cho tới cả gậy “tự sướng”, đồ lưu niệm…

Dựa trên vài dòng giới thiệu cơ bản, có thể thấy, chủ các “cửa hàng” ảo này đa phần là các bạn trẻ 9x, thậm chí có cả 10x. Mặt khác, đối tượng khách hàng chủ yếu cũng chính là những người trẻ nên việc thỏa thuận mua bán diễn ra thuận lợi và nhanh chóng.

Chỉ cần dành ra vài phút chụp ảnh sản phẩm. Nếu kỹ tính hơn, nhiều chủ cửa hàng còn dùng các ứng dụng chỉnh sửa có sẵn để các bức hình lung linh hơn là đã có thể thu hút một lượng lớn các khách hàng trên Instagram. Các hình ảnh được cập nhật sẽ được hiển thị trên trang trang chủ của người dùng “theo đuôi” nên khả năng tương tác giữa người bán và người mua là rất lớn. Các khách hàng có nhu cầu mua hàng sẽ liên hệ trực tiếp với người bán theo thông tin liên lạc được đăng tải, hoặc có thể bình luận ngay dưới mỗi ảnh.

Vì là kinh doanh online nên bên cạnh tiền hàng của món đồ, người mua sẽ phải trả thêm một khoản phí nhỏ chuyển đồ đến tận nơi gọi là phí ship.

Mỹ Linh (sinh năm 1993), cô chủ nhỏ của một shop bán nước giải khát khá đắt hàng trên Instagram chia sẻ: “Hè năm nay, mình lập một tài khoản trên Instagram để thử sức kinh doanh. Giới trẻ năm nay có xu hướng chuộng hai món thức uống là Trà sữa Thái và Trà táo bạc hà nên mình đã mày mò thử pha chế. Sau khi cân nhắc mọi chi phí, giá thành bán ra của shop mình tính ra rẻ hơn các cửa hàng café rất nhiều. Trung bình một chai 350ml chỉ có giá 20.000 đồng/chai, 500ml là 25.000 đồng/chai nên rất phù hợp với túi tiền học sinh, sinh viên. Thêm nữa, để sản phẩm bắt mắt hơn, mình còn nhập thêm các loại chai, lọ thủy tinh rồi buộc cả nơ xinh xắn để đựng nước nữa. Khách hàng rất thích thú và ủng hộ nhiệt tình”.

Là mạng xã hội hình ảnh trên di động, hiện nay Instagram còn hỗ trợ cả phiên bản web. Người mua có thể xem hình ảnh sản phẩm mọi lúc mọi nơi.

Cũng đam mê kinh doanh, Hà Phương (sinh năm 1996) lại chọn mỹ phẩm là mặt hàng chủ đạo để buôn bán. Các sản phẩm được Phương “update” liên tục với những lời mời chào, quảng cáo hấp dẫn. Phương cho hay: “Ngày nay, nhu cầu làm đẹp của giới trẻ ngày một tăng cao với nhu cầu dùng các sản phẩm chính hãng, có chất lượng và hiệu quả. Để khách hàng yên tâm, mình đã tự làm “chuột bạch”, sau đó nếu thấy hiệu quả mới giới thiệu những sản phẩm ấy tới khách hàng. Chỉ trong một thời gian ngắn, những phản hồi (feedback) của người mua cũng rất tốt khiến cho công việc kinh doanh của mình càng thuận lợi hơn. Thu nhập của mình dao động trong khoảng từ 4-5 triệu đồng/tháng”.

Instagram sẽ tiếp tục miễn phí…?

Dù đã về cùng một “nhà” nhưng hai “người anh em” Instagram và Facebook vẫn bộc lộ những điểm khác biệt nền tảng. Xu hướng nở rộ các cửa hàng kinh doanh online trên Instagram có thể được lý giải một cách khách quan.

Trước đây, với sự tương tác rộng lớn, Facebook là một trong những kênh mua sắm online ưa thích của giới trẻ. Vô số các shop bán quần áo, mỹ phẩm, giày dép… mọc lên như “nấm mọc sau mưa” và dễ dàng thu lợi nhuận nhờ Facebook. Chỉ bằng vài thao tác đơn giản, ai cũng có thể sở hữu một shop online và vì vậy, quảng cáo rác “ngập tràn” trên trang chủ của người dùng. Điều này là nguyên nhân đầu khiến Facebook phải thay đổi.

Kể từ khi thay đổi thuật toán, Facebook không còn là mình “của ngày hôm qua” khi số lượng người tiếp cận “fanpage” giảm từ 20% xuống còn 6% số người theo dõi page. Đồng nghĩa với việc, nếu fanpage của bạn có 100 người theo dõi thì sẽ chỉ có 6 người nhìn thấy nội dung được đăng tải.

Nếu không chi tiền để đẩy mạnh lượt hiển thị bài viết, lượng người xem tiếp cận fanpage trên Facebook sẽ sụt giảm mạnh.

Lý do chính khiến Facebook giảm tương tác xuống 6% là muốn người kinh doanh online bỏ thêm tiền duy trì lượt hiển thị bài viết đồng nghĩa với việc tăng chi phí quảng cáo. Có thời điểm, các chủ cửa hàng trên Facebook phải trả tới 3000 đồng chỉ cho một cú nhấp chuột xem bài viết.

Để có thể tiếp tục “sống” bằng nghề bán hàng online, các bạn trẻ đã nhanh chóng nắm bắt các kênh truyền thông mạng xã hội miễn phí khác và có số lượng người tham gia đông đảo để thành lập “cửa hàng” mới. Instagram là một trong số đó.

Ban đầu, nhiều người mới kinh doanh trên Instagram nghĩ rằng, việc khởi đầu phải “theo đuôi” từng khách hàng không phải là phương án khả thi. Tuy nhiên, khi có một số lượng follower nhất định, trang bán hàng trên Instagram sẽ dễ dàng lan tỏa tới nhiều người không thua kém gì Facebook.

Mỹ Linh tâm sự: “Thời gian đầu, mình tập trung vào việc tăng follower và liên tục cập nhật hình ảnh. Từ kinh nghiệm bản thân mình thấy, càng đăng tải nhiều hình ảnh thì độ tương tác với khách hàng càng cao. Bởi lẽ, việc lặp đi lặp lại nhiều lần với tần suất lớn sẽ khiến các khách hàng chú ý tới sản phẩm của mình hơn.”

Tuy nhiên, Hà Phương lại cho rằng: “Số lượng follower cũng chỉ là những con số ảo, vì điều này không đánh giá bạn có tiêu thụ được nhiều sản phẩm hay không. Thời gian đầu, cửa hàng của mình đã từng có số lượng người follow “có qua có lại” cũng rất đông nhưng trên thực tế, số người hỏi mua hàng không nhiều.”

Đã từng mua hàng nhiều lần trên Instagtam, Đức Minh (sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền) chia sẻ: “Mình rất thích mua hàng trên Instagram bởi giao diện đơn giản, dễ sử dụng, “thuận mua vừa bán”. Nếu như mở Facebook ra là thấy một đống rác quảng cáo thì mình thấy Instagram lại “sạch hơn”. Bởi vì chỉ có shop nào mình “theo dõi” thì hình ảnh mới hiện ra ở trang chủ. Các hình ảnh được sắp xếp cũng rất khoa học, không rối mắt nên mình có thể theo dõi phản hồi của các khách hàng trước đó để đưa ra quyết định có nên mua hàng ở shop đó hay không.”

Tóm lại, việc kinh doanh online đang dần thay đổi thói quen mua sắm của không ít người dùng. Thay vì “đổ tiền” vào quảng cáo Facebook, việc “tấn công” vào thị trường ngách, chuyển hướng sang những kênh bán hàng online miễn phí và ít cạnh tranh hơn như Instagram là một hướng đi khôn ngoan.

Dự kiến trong thời gian tới, sẽ ngày càng nhiều các cửa hàng sẽ “đổ bộ” và “làm mưa làm gió” trên Instagram. Chưa biết, liệu khi “đất chật người đông”, Instagram có “tiếp bước” Facebook và bắt đầu tính phí quảng cáo hay không nhưng trước mắt, người dùng sẽ được trải nghiệm nhiều sự lựa chọn hơn khi mua sắm.


DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia