Top

Rolex “Anh hùng đi lên từ thời loạn”

Cập nhật 04/09/2014 16:28

Từ nhiều thế kỉ trước khi Rolex ra đời, Thụy Sĩ đã rất nổi tiếng với những chiếc đồng hồ tinh xảo cùng những thợ chế tạo đồng hồ bậc thầy. Thế nhưng, lai lịch của thương hiệu này lại rất đặc biệt.

Tiền thân của hãng Rolex được thành lập tại Anh, người sáng lập cũng không phải người Thụy Sĩ và cũng chẳng phải thợ làm đồng hồ.

Câu chuyện dưới đây được lược trích từ cuốn sách Swiss Made của tác giả James Breiding. Cuốn sách là một tập hợp rất nhiều câu chuyện về những thành công phi thường của đất nước Thụy Sĩ và được phát hành tại Việt Nam bởi Alphabooks.

Nhờ 2 cuộc chiến tranh thế giới, đồng hồ đeo tay đã có cơ hội phát triển mạnh mẽ

Nhạy bén thời thế

Năm 1905, Hans Wilsdorf – một doanh nhân người Đức và Alfred Davis – một nhà đầu tư người Anh đã sáng lập nên Wilsdorf & Davis, một hãng kinh doanh đồng hồ tại London. Wilsdorf là người rất nhạy bén với thời trang và ông nhận ra kiểu áo gi-lê dành cho nam giới đã lỗi thời. Từ đó, ông cũng dự đoán kỷ nguyên của đồng hồ bỏ túi (cất trong túi áo gi-lê) sẽ sớm chấm dứt.

Điều này đồng nghĩa với việc Wilsdorf & Davis phải tìm kiếm những chiếc đồng hồ cỡ nhỏ có thể đeo trên cổ tay. Hợp tác với một nhà sản xuất tại Thụy Sĩ, Wilsdorf quyết định đặt tên cho sản phẩm mới là Rolex và chính thức đăng ký vào năm 1908.

Đây là nước cờ rất mạo hiểm vì cho đến thời điểm đó, các hãng đồng hồ hàng đầu chỉ sử dụng tên họ của người sáng lập làm tên thương hiệu.

Để hiện thực hóa giấc mơ thay thế đồng hồ bỏ túi bằng đồng hồ đeo tay, Wilsdorf vẫn còn một số vấn đề kỹ thuật phải giải quyết. Để hoạt động tốt khi đeo tay, chiếc đồng hồ phải thích nghi được với nhiều chuyển động và hứng chịu nhiều lực tác động hơn chiếc đồng hồ để trong túi áo cũng như chịu tác động từ môi trường như gió bụi và nước. Những chiếc đồng hồ đeo tay tốt nhất thời đó cũng có sai số đến 2 giờ mỗi ngày.

Wilsdorf không phải một thợ làm đồng hồ, ông là một doanh nhân, nhưng với kỳ vọng rõ ràng và trực giác nhạy bén với thị trường, ông đã làm nên lịch sử của một sản phẩm vẫn được coi là đỉnh cao đến tận ngày nay.

Năm 1910, Wilsdorf đã đủ tự tin để đem chiếc đồng hồ đeo tay của mình đến kiểm định tại Văn phòng Kiểm định Đồng hồ tại Geneva. Các chuyên gia tại đây đã vô cùng ngỡ ngàng vì cho đến thời điểm đó, hội đồng kiểm định chỉ mới thẩm định các loại đồng hồ bỏ túi và đồng hồ bấm giờ đi biển.

Mặc dù vậy, sau 2 tuần, chiếc đồng hồ đã nhận được Chứng nhận Đồng hồ Bấm giờ. Đến năm 1914, Rolex nhận được chứng nhận tương tự tại Anh, đây là một điều kiện cần thiết để thương mại hóa sản phẩm.


Cơ hội từ chiến tranh

Bước đột phá lớn nhất đối với đồng hồ đeo tay không phải là tiến triển về công nghệ mà là sự thay đổi nhu cầu của thị trường do ảnh hưởng của chiến tranh.

Thế Chiến thứ nhất (1914-1918) đã chứng kiến sự hiện diện lần đầu của hàng loạt vũ khí tối tân như xe tăng hay máy bay chiến đấu. Trên chiến trường, chiếc đồng hồ đeo tay cũng trở thành vật bất ly thân của các binh sĩ.

Tuy các loại đồng hồ cỡ nhỏ đã được sản xuất đại trà từ năm 1850 nhưng hầu như chỉ có các y tá thường xuyên sử dụng chúng nhằm kiểm tra mạch đập của bệnh nhân. Nó cũng được xem là vật dụng dành cho "phái đẹp" trên thị trường.

Nhưng bất ngờ thay, binh sĩ trong các chiến hào và các phi công lại có cách nghĩ khác. Nguyên nhân là chiếc đồng hồ trên cổ tay có thể cứu tính mạng họ. Cùng với radio, đồng hồ đeo tay được xem là thiết bị tối quan trọng nhằm điều động quân đội trên khoảng cách xa. Bên cạnh đó, nguy cơ kẻ thù xâm nhập cũng được tính toán bằng cách quan sát chiếc kim giây di chuyển từ điểm ánh sáng phát ra từ họng pháo đến khi có tiếng nổ. Nhờ chiến tranh mà nhu cầu với đồng hồ đeo tay tăng vọt.

Khi chiến tranh kết thúc, chiếc đồng hồ đeo tay đã trở thành biểu tượng của bản lĩnh đàn ông và sản phẩm này lại được thiết kế ngày càng mạnh mẽ hơn qua nhiều thập kỷ.

Năm 1919, Wilsdorf đóng cửa văn phòng Rolex tại London và chuyển đến Geneva (Thụy Sĩ) nơi ông đánh là địa điểm thích hợp để phát triển các loại đồng hồ kiểu cách và tinh xảo. Kể từ lúc này, toàn bộ các hoạt động thiết kế, sản xuất của Rolex đều nằm tại Thụy Sĩ.

Trong chiến tranh thế giới thứ 2, Rolex tiếp tục nhận được sự tin tưởng của các phi công Anh Quốc cũng như các phi công Mỹ, một cơ hội tốt giúp công ty vươn tới thị trường Mỹ sau chiến tranh.

Hans Wilsdorf - cha đẻ của Rolex

Khẳng định đẳng cấp

Không bằng lòng với những thành công đã có, Wilsdorf luôn muốn cải tiến Rolex thành một chiếc đồng hồ tuyệt hảo. Và ông cũng luôn nhạy bén với các cơ hội quảng bá sản phẩm của mình.

Năm 1927, khi Wilsdorf hay tin một người thợ đánh máy mất việc tên là Mercedes Gleitze dự định trở thành người phụ nữ đầu tiên bơi qua kênh đào Anh, ông đã tặng cô một chiếc Rolex Oyster – dòng sản phẩm chống bụi và chống nước mới được chế tạo.

Khi Gleitze hoàn thành hành trình sao 15 giờ bơi, đồng hồ của cô vẫn chỉ giờ chính xác. Đó là một thắng lợi hoàn mỹ của Wilsdorf. Ông liền mua toàn bộ trang nhất của tờ Daily Mail London để quảng bá cho thành tích của Gleitze và tất nhiên là cả chiếc đồng hồ Rolex nữa.

Gleitze thực hiện hành trình với chiếc Rolex Oyster

Năm 1960, Rolex đã bố trí để đồng hồ của họ được gắn lên thân chiếc tàu lặn Trieste khi chiếc tàu này lặn xuống độ sâu gần 11 nghìn mét tại vực Marianas. Chiếc đồng vẫn "sống sót" khi hứng chịu áp suất khủng khiếp ở dưới đáy đại dương. Khi đạo diện James Cameroon thực hiện một cuộc thám hiểm tương tự vào năm 2012, một chiếc Rolex đặc biệt cũng được trang bị.

Theo đánh giá năm 2013 của Brandz, giá trị thương hiệu của Rolex đạt 7,9 tỷ USD, chỉ đứng sau Louis Vuitton, Hermès, Gucci và Prada trong phân khúc thời trang xa xỉ. Còn theo Forbes, giá trị của Rolex ở mức 7,4 tỷ USD với doanh số hàng năm khoảng 4,5 tỷ USD.

Hiện quyền sở hữu Rolex thuộc về Hans Wilsdorf Foudation, một tổ chức từ thiện do Wilsdorf lập ra và để lại tất cả tài sản của mình.

Trải qua cả thế kỷ tồn tại, Rolex hiện trở thành một trong những thương hiệu xa xỉ giá trị nhất thế giới.


DiaOcOnline.vn - Theo CafeBiz