"Để tháo gỡ những mâu thuẫn trong kế hoạch tháo dỡ những khu nhà nguy hiểm cần tôn trọng các nguyên tắc ban đầu là chia sẻ quyền lợi công bằng, công khai và minh bạch" - GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường chia sẻ.
Chưa có tiếng nói chung
* Cách giải quyết các khu nhà nguy hiểm dường như vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Nhiều người dân vẫn bức xúc về cách làm của chính quyền và chủ đầu tư?
GS Đặng Hùng Võ: Họ bức xúc là đúng, vì họ có quyền đấy mà không được hỏi.
Theo quy định ở Nghị định số 84/2007/NĐ-CP, người dân bị thu hồi đất có quyền kiến nghị công ty của mình vào thực hiện dự án khi công ty đó đủ năng lực. Cơ chế này có thể áp dụng trong trường hợp cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nát. Nhưng người dân ở đây chưa bao giờ được kiến nghị về điều đó.
GS Đặng Hùng Võ.
Trong quản lý công trình xây dựng, Nghị định số 16/2005/NĐ-CP đã có quy định rất cụ thể về việc đấu thầu, chỉ định thầu. Ở đây, Thành phố có kế hoạch cải tạo các khu tập thể cũ kỹ là một việc làm rất đúng, nhưng cần điều chỉnh cách thực hiện. Người dân đang ở đó cần được hỏi ý kiến từ khâu quy hoạch, tới thiết kế dự án, và cho tới khâu lựa chọn bên thi công.
Trước hết cư dân ở đó được thể hiện trách nhiệm đối với cuộc sống của chính mình và phải được hiểu rõ sự phân chia lợi ích của dự án, giữa cư dân đang sống ở đó, cộng động tại chỗ, nhà đầu tư và thành phố.
Mọi sự tham gia ý kiến trên nền một cơ chế công khai, minh bạch đều mang lại hiệu quả cao về cả phát triển và bền vững. Vấn đề là chuyện này chưa bao giờ công khai, người dân chưa bao giờ được hỏi ý kiến.
*
Vì sao người dân không thực hiện quyền kiến nghị. Theo ông, nguyên tắc cơ bản để giải quyết vấn đề liên quan đến cộng đồng là gì?
Một số tổ chức thế giới như UNDP, Ngân hàng thế giới (WB) đã nghiên cứu rất kĩ về vấn đề này. WB có một chương trình lớn, nhằm giúp các thành phố đông dân ở các nước đang phát triển "dọn dẹp" các khu ổ chuột nghèo đói. Chương trình đã triển khai tại nhiều thành phố đông dân ở Ấn Độ, Pakistan, Phillipines... và đã rất thành công ở nhiều thành phố.
Cách thức triển khai dựa trên sự đồng thuận giữa người dân, cộng đồng, nhà nước và nhà đầu tư. Họ xóa đi hiện trạng bố trí mặt bằng cũ, xác lập mặt bằng mới trên cơ sở điều chỉnh lại đất đai theo nguyên tắc đồng thuận và bình đẳng quyền lợi.
Cách triển khai này được đánh giá cao trên cơ sở làm tốt việc cư dân được thảo luận từ công tác quy hoạch, tới phương án thực hiện. Nguyên tắc là công khai, minh bạch, có sự tham gia của chính quyền, người dân, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức xã hội. Điều phải, điều đúng đều lọt tai mọi người.
Chính sách của WB là trợ giúp tốt nhất cho việc chỉnh trang lại các đô thị, xóa nghèo đói ở đô thị, làm người dân có quyền chủ động hơn. WB đồng ý với lý thuyết: công nhận quyền sở hữu của người dân về đất đai, bất động sản càng nhiều thì càng làm cho người dân có năng lực tốt hơn về kinh tế, tự họ sẽ giảm nghèo cho mình.
WB cũng đã có Dự án tương tự trợ giúp nâng cấp 4 thành phố ở VN là Hải Phòng, Nam Định. tp. HCM và Cần Thơ. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, đã triển khai được một số kết quả tốt, nhưng còn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Có lẽ có cái gì đó thuộc về "đặc trưng VN" mà ta chưa giải quyết được để Dự án đạt được kết quả như đã làm cho các thành phố khác trên thế giới?
*
Những người dân luôn cho rằng họ đã bị chia phần thiệt thòi trong các kế hoạch xử lý các khu nhà cũ nát?
Như thế nghĩa là họ chưa cảm thấy thỏa mãn. Hoặc là người dân hoàn toàn dân đúng, sự thiệt thòi quyền lợi là có thật - điều này khỏi cần bàn. Hoặc người dân sai, thì ngay cả khi đó, chính quyền cũng có phần lỗi là chưa làm tốt công tác dân vận, chưa chỉ ra được quyền lợi người ta ở đâu, cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Nếu chuyện chỉ xảy ra một lần, có thể nói thiếu sót thuộc một bên nào đó, nhưng qua 3 năm rồi, tôi cho rằng ở đây có cái gì đó cố tình không hiểu nhau.
Giải pháp nâng cấp đô thị như mô hình của WB nói trên được các nước đánh giá là không có giải pháp nào tốt hơn trong hoàn cảnh hiện tại. Nhưng dường như ta ít nghiên cứu kinh nghiệm của họ, ít nghe họ nói để chân thành tiếp thu những điểm phù hợp.
Hơn nữa, Hà Nội còn là thành viên của Hiệp hội các tp lớn, chính sách của WB được các thành phố khác đón nhận, thử nghiệm, triển khai và họ đều coi đây là chính sách tốt để nâng cấp đô thị, nâng cấp đời sống cho dân nghèo đô thị, thế nhưng ta lại tỏ ra như thờ ơ.
VN không hiếm những khu nhà tàn tạ như
thế này. Ảnh: doisongphapluat.com.vn
VN không có nhiều khu ổ chuột như các nước đang phát triển trên thế giới, nhưng đang tồn tại nhiều chung cư cũ nát phải cải tạo. Lẽ ra, ta có thể học tập kinh nghiệm và làm dễ dàng hơn các nước khác. Nhưng thực tế có vẻ ta làm vất vả hơn họ nhiều lần, người dân thiếu đồng tình và thời gian kéo quá dài. Là do, chúng ta đang chưa làm tốt việc chia sẻ quyền lợi giữa nhà nước - nhà đầu tư - cư dân tại khu nhà - cộng đồng xung quanh. Vì vậy không thể đi đến đồng thuận.
Chỉ có thể giải quyết bằng minh bạch*
Để tháo gỡ bùng nhùng rắc rối đó, theo ông phải bắt đầu từ đâu?
Phải bắt đầu từ những nguyên tắc ban đầu là chia sẻ quyền lợi sao cho công bằng trên nền một quy cách công khai và minh bạch. Nếu chưa làm được điều này thì đề nghị nên làm lại từ đầu.
Ta có rất nhiều tổ chức xã hội, chính trị - xã hội như hội thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi, cựu chiến binh tại phường... và lớn nhất là vai trò của Mặt trận Tổ quốc. Tại sao vấn đề này không được đặt lên bàn một cách thẳng thắn cho cả nhà thầu, người dân, các tổ chức xã hội, chính trị - xã hội và đại diện chính quyền cùng tham dự? Ta hay nói "vội quá", "tình hình gấp quá", làm nhanh để tiết kiệm một vài ngày họp, nhưng lại bôi ra 3 năm chưa xong.
Đừng hi vọng dùng "thuật" này "thuật" khác để vượt qua tiếng nói của người dân, giành miếng bánh cho riêng mình. Không có thuật nào bền vững bằng "thuật" công khai, minh bạch.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuần Việt Nam
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: