Top

Xử lý chung cư cũ: Đã có người "gánh"

Cập nhật 04/07/2007 15:00

Là địa phương có nhiều chung cư (CC) cũ đứng thứ hai của cả nước, sau Thủ đô Hà Nội, TP HCM hiện có 138 CC được xây dựng trước năm 1975 xuống cấp nặng, cần phải tháo dỡ hoặc cải tạo. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp là 14.750 hộ. Và diện tích cần phải giải toả, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới là 232.372 m2.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng CC xuống cấp như hiện nay ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó GĐ Sở Xây dựng cho biết, UBND TP HCM đã giao cho Sở Xây dựng thống kê, quản lý cải tạo toàn bộ CC cũ trên địa bàn thành phố.

Lấy quận 1 làm điểm

Quận 1 được xem là quận trung tâm thành phố, có ít CC trên địa bàn nhưng các CC ở đây đa phần đã xuống cấp ở mức báo động, có thể sập bất cứ lúc nào. Phương án cải tạo, xây mới CC cũ hiện nay là hết sức cần thiết, nhưng khó khăn nhất phải kể đến là vấn đề tái định cư cho dân. Mặt khác, một số người dân sống tại CC thiếu thiện chí không chịu di dời. Theo ông Nguyễn Quang Chúc - Phó Chủ tịch UBND Q1, chỉ có khoảng 20% số hộ dân tại các CC Trần Hưng Đạo, CC Hồ Hảo Hớn chấp nhận phương án tái định cư tại chỗ. Vì vậy, vấn đề sắp xếp tái định cư cho các hộ dân còn lại đang là một vấn đề khó khăn của quận. Mặt khác, hầu hết người dân mua CC theo Nghị định 61 đều có quyền chủ sở hữu. Vì vậy, việc cải tạo CC cũ không thể dùng hình thức hành chính, áp đặt phương thức, giải pháp mà phải được sự đồng thuận của đa số chủ sở hữu. Chính vì thế đã gây không ít khó khăn cho việc cải tạo, xây mới CC.

Cũng theo ông Chúc, quận sẽ cải tạo các CC này thành CC cao cấp, đa chức năng với hình thức một toà nhà, cao ốc văn phòng, căn hộ, kết hợp với trung tâm thương mại có quy mô từ 20-25 tầng. Đây là mô hình thí điểm của Q1 cũng như được áp dụng trên toàn thành phố. Tuy nhiên, ông Chúc thừa nhận, việc cải tạo, xây dựng CC phục vụ người dân theo xu hướng hiện đại phải cần nguồn tài chính rất lớn. Nhưng điều này lại vượt quá tầm tay của quận, ngân sách của quận không thể đáp ứng nổi. Vì vậy, phương án tối ưu nhất quận đã trình lên UBND thành phố là lấy phương án xã hội hoá đầu tư.

Đến đầu tháng 8, Q 1 sẽ tháo dỡ, xây dựng mới 4 CC xuống cấp nặng như CC 74 Hồ Hảo Hớn, 225 Bến Chương Dương, 289 Trần Hưng Đạo, Cô Giang, đóng trên địa bàn. Và Q 1 sẽ được lấy làm điểm để triển khai trên toàn thành phố.

Theo ông Chúc, việc xã hội hoá đầu tư CC cũ ở thời điểm hiện nay hết sức cần thiết. Vì vậy, quận sẽ tạo điều kiện cho các DN trong nước cũng như các DN nước ngoài đang ở VN tham gia công tác đầu tư. Ông Chúc cho biết, DN tham gia nâng cấp, cải tạo CC cũ, sẽ không phải nộp tiền sử dụng đất và được miễn giảm các loại thuế, lệ phí liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất. Đồng thời, chủ đầu tư sẽ được kinh doanh các diện tích công trình sau khi đã hoàn thành quá trình tái định cư cho dân.

DN vào cuộc

Việc cải tạo CC cũ theo hướng xã hội hoá đã được nhiều DN trong nước với tiềm lực kinh tế mạnh đón nhận... Không chỉ dừng lại ở đó, có không ít DN đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore cũng đang có ý định tham gia đầu tư vào dự án này của thành phố. Tuy nhiên, UBND Q 1 cho rằng, DN muốn tham gia cải tạo không những phải có nguồn tài chính mạnh, mà còn phải có kinh nghiệm làm dự án và có phương pháp đền bù, tái định cư hợp lý nhất. Theo tìm hiểu của chúng tôi, với 4 CC được thí điểm cải tạo nâng cấp, trên địa bàn Q 1 đã có gần 20 DN muốn tham gia đầu tư. Ông Nguyễn Minh Tuấn - GĐ Dự án Cty Hai Liang - Trung Quốc, Văn phòng đại diện TP HCM cho biết, các DN địa ốc Trung Quốc, Đài Loan... rất muốn tham gia đầu tư vào dự án. Hiện Cty Haliang của chúng tôi đã nhiều lần tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo UBND Q 1 nhằm tìm hiểu thủ tục, quá trình hoàn thiện hồ sơ tham gia dự án.

Không chỉ DN nước ngoài quan tâm đến dự án nâng cấp, cải tạo CC của quận mà theo ông Chúc cho biết, hiện nay có rất nhiều DN trong nước có tiềm lực tài chính mạnh cũng đang tìm đến quận tìm hiểu cơ hội đầu tư. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các đại gia địa ốc TP HCM quan tâm đến những dự án này đều cho rằng, DN sẵn sàng tham gia cải tạo CC cũ nếu quận có chính sách rõ ràng. Đồng thời, khi DN tham gia đều mong muốn quá trình thương lượng, chính sách đền bù với dân sẽ được chính quyền địa phương đứng ra làm trung gian hỗ trợ để đảm bảo thời gian thực hiện dự án theo đúng tiến độ.

Thiết nghĩ, để DN trong nước cũng như nước ngoài tham gia thực hiện dự án được cạnh tranh một cách minh bạch, quận cần phải áp dụng phương thức đấu thầu, bỏ vốn xây dựng CC. Điều này sẽ mang lại hiệu quả cho dự án cũng như các DN có tiềm lực mạnh tham gia đầu tư cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời, nếu làm theo phương án trên, cả người dân, DN và Nhà nước đều có lợi.

Nguyễn Xuân
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp