Top

Xu hướng mới trên Thị trường Bất động sản: “Nội” - “Ngoại” bắt tay

Cập nhật 12/01/2008 10:00

Bất động sản đang được xem là miếng bánh ngon, hấp nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài. Rất nhiều chiêu thức đã được áp dụng tại thị trường Việt Nam không ngừng đẩy giá đất tăng cao. Và bao giờ giá đất xuống vẫn là câu hỏi không lời đáp.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao và luôn giữ mức ổn định đưa thu nhập của người dân không ngừng tăng lên dẫn đến thị trường địa ốc “như một chiếc bánh” để DN trong nước cũng như nước ngoài đang muốn “xí phần” và dẫn đến tình trạng, giá đất rơi vào tình trạng “ảo” gây khó cho người tiêu dùng.

DN ngoại xí đất vàng

Chuyên gia nghiên cứu về thị trường BĐS, ông Nguyễn Đăng Sơn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, xu hướng lớn nhất là việc nhà đầu tư ngoại đổ bộ ào ạt vào thị trường dự án với những nguồn vốn khổng lồ.

Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư trong nước phải có điều chỉnh hướng hoạt động để thích ứng nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi. Trong năm 2007, thị trường BĐS TP HCM đã thu hút hơn 2,5 tỷ USD đầu tư nước ngoài, xu hướng này sẽ ngày càng tăng hơn trong năm 2008. Một loạt dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn trên 30 tỉ USD đang được nhà đầu tư xúc tiến và điểm đến chính là các TP lớn như, TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ... rót tiền vào BĐS. Song hành với việc này, những nhà đầu tư ngoại sẽ không chỉ đầu tư, tiếp thị mà còn tấn công vào “kênh” phân phối các sản phẩm nhà, đất, lĩnh vực mà trước nay hầu hết nằm trong tay DN trong nước.

Các hội thảo, hội nghị đầu tư quốc tế có liên quan đến thị trường Việt Nam thu hút rất đông nhà đầu tư Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore tham dự. Khi TP HCM kêu gọi DN nước ngoài được phép được tham gia đầu tư vào 18 khu đất vàng cũng thu hút được trên 20 DN quốc tế có thành ý và tham vọng muốn được đầu tư.

Giáo sư Chen Lie - cố vấn Bộ Xây dựng Trung Quốc nhận định: Nhà đầu tư ngoại lại hướng đến những dự án tầm cỡ, vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng những khu nhà ở hiện đại, nhà thông minh trị giá mỗi căn 3-7 tỷ đồng. Hàng loạt dự án xây dựng như khu đô thị mới Thủ Thiêm, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, sân golf... đang thu hút hàng chục nhà đầu tư nước ngoài.

Tiền chảy ra nước ngoài

Quan điểm đầu tư lớn, thu lợi lớn, đang là xu hướng đầu tư của DN nước ngoài đầu tư vào thị trường BĐS. Và lợi nhuận từ cách làm này rất lớn khi đồng tiền Việt Nam đang bị chảy ra nước ngoài. Một chủ đầu tư trên địa bàn quận I phân tích, tiềm lực của DN nước ngoài đầu tư vào thị trường BĐS rất mạnh.

Hầu hết DN ngoại chú ý đến những khu đất nông nghiệp, đất bỏ hoang, khu chung cư thấp, cũ được xây dựng từ trước năm 1975... có giá trị 5-6 triệu/m2, để xây mới thành những khu phức hợp, trung tâm thương mại, nhà ở đa năng cao 20-30 tầng nhưng giá trị xây dựng chỉ nằm ở mức 5 triệu đồng/m2. Cộng tiền đất, tiền xây dựng, thuế chỉ dừng lại mức 16-18 triệu đồng/m2, khi họ bán ra với giá 40-50 triệu/m2 nhưng người dân vẫn đổ xô xếp hàng đi mua.

Sự thuận lợi trong việc kêu gọi đầu tư vốn khi chủ đầu tư mới có nền nhưng chưa xây dựng cũng là nỗi lo lắng của không ít người tiêu dùng. Thực tế, không ít DN đã ký hợp đồng bán nhà ngay từ khi bán nền (huy động vốn) nhưng khi giá đất tăng cao lại lật hợp đồng hoặc đòi thêm phần chênh lệch.

Không chỉ dừng lại đó các DN này còn sử dụng đội quân “cò mồi” tung tin không đúng sự thật về chất lượng khiến người tiêu dùng nhầm lẫn tạo ra những đợt dư chấn ảo trên thị trường BĐS. Một chuyên gia bất động sản nhận định, xu hướng đầu tư phổ biến trong thời gian tới là nhà đầu tư trong nước có đất, bắt tay với nhà đầu tư nước ngoài mạnh về vốn, công nghệ, quản lý để làm những dự án lớn nhằm nâng giá thành sản phẩm lên một mức mới.

Để bình ổn thị trường BĐS, pháp luật cần phải phải sát với hiện trạng kinh doanh và có những chính sách hợp lý nhằm tránh những nhà đầu tư “chân gỗ” chen chân vào thị trường BĐS kích “ảo” giá đất thu lợi nhuận. Mặt khác cần xiết chặt tình trạng huy động vốn tràn lan cũng như quản lý được tình trạng môi giới kích giá “ảo” để ổn định cho thị trường.

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp