Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải xóa bỏ hạn điền và thời hạn sử dụng đất để người dân tích tụ đất đai phát triển nông nghiệp.
Những khó khăn trong huy động nguồn lực để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là vướng mắc về đất đai, tiếp tục được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường cũng như nhiều đại biểu (ĐB) nêu ra tại các phiên họp Quốc hội (QH) tuần qua.
Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ
ĐB Lê Thị Hồng (Bắc Giang) cho rằng đất đai manh mún, mô hình sản xuất nhỏ lẻ nên khó áp dụng cơ giới hóa, khó tiếp cận thị trường. Thêm vào đó, việc lạm dụng phân bón hóa học khiến người tiêu dùng trong nước ngày càng quay lưng với sản phẩm nông nghiệp.
“Nhà nước phải từng bước xóa bỏ bao cấp về nông nghiệp. Theo đó, việc nuôi con gì, trồng cây gì theo thời vụ như thế nào… nên để doanh nghiệp (DN) và người dân tự lo. Nhà nước chỉ tập trung vào quy hoạch các vùng và xây dựng các chính sách thúc đẩy phát triển” - ĐB Hồng đề xuất.
ĐB Quàng Văn Hương (Sơn La) nhấn mạnh hiện nay, nông dân phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng khi thu hoạch thì nông sản bị ép giá, không bán được. Khi bị mất mùa do thiên tai, người dân trắng tay; khi đau ốm, tai nạn thì họ phải bán đất đai, tài sản. Nhiều người phải làm thuê trên chính mảnh đất của mình. “Đã 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu nhưng đến nay, đời sống nông dân không được cải thiện nhiều” - vị ĐB đến từ Sơn La nhận định.
Phát biểu giải trình về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng 30 năm qua, nông nghiệp nước ta đạt được những thành tựu hết sức to lớn. Tuy nhiên, nền nông nghiệp hiện nay vẫn dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ, manh mún; năng suất lao động, năng suất kinh tế thấp và đời sống nông dân vẫn rất khó khăn. Quy mô hàng hóa tập trung, công nghệ hiện đại, quản trị tốt chiếm tỉ lệ rất nhỏ; trong khi sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ không cao, rất khó kiểm soát an toàn thực phẩm, khó cạnh tranh. Chuỗi sản phẩm tạo ra hầu hết là sản phẩm thô, thị trường thiếu ổn định, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
“Đến nay, chúng ta chỉ có 4.000 DN, 12.000 hợp tác xã, 56.000 tổ hợp tác xã, 29.500 trang trại, cho thấy nhân tố chủ chốt trong tổ chức sản xuất hàng hóa lớn của chúng ta còn ít” - ông Cường băn khoăn.
Người dân cần mở rộng hạn điền để có thể đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Ảnh: NGỌC TRINH
|
Quốc hội sẽ thông qua nhiều nghị quyết
Bước vào tuần làm việc thứ 4, QH sẽ nghe và thảo luận về Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); dự án Luật Quản lý ngoại thương; Luật Du lịch (sửa đổi); dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi).
QH cũng sẽ biểu quyết và thông qua các nghị quyết: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, kế hoạch tài chính 5 năm (trong đó có nội dung mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020), kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, dự toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Hạn mức đất canh tác quá nhỏ
Điều 129 Luật Đất đai 2013 quy định hạn mức giao đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau:
- Không quá 3 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, TP trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; không quá 2 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, TP trực thuộc trung ương khác.
- Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 10 ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30 ha đối với xã, phường, thị trấn ở vùng trung du, miền núi.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: