TP HCM hiện có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 và đã xuống cấp nhưng việc cải tạo, sửa chữa hoặc đầu tư xây dựng mới còn nhiều khó khăn
“TP HCM hiện có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 nên việc xuống cấp, hư hỏng là điều đương nhiên. Một số căn hộ nhỏ hẹp, phòng cháy chữa cháy không bảo đảm…, đe dọa tính mạng, tài sản của người dân nên phải cải tạo là điều cần thiết” - ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, phát biểu tại chương trình lắng nghe và trao đổi với chủ đề “Cải tạo chung cư cũ” do HĐND TP và Đài Truyền hình TP tổ chức ngày 6-11.
Hư hỏng, xuống cấp
Các chung cư này được kiểm định là hư hỏng nặng, nguy hiểm với tỉ lệ chất lượng còn lại nhỏ hơn 55% và xếp loại nguy hiểm cấp D - cấp độ nguy hiểm cao nhất.
Chung cư Vĩnh Hội (phường 6, quận 4, TP HCM) đang xuống cấp trầm trọng Ảnh: Hoàng Triều
|
Theo ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, hiện địa phương có 86 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1945. Trong đó, chung cư với 4 lô xây dựng trước năm 1975 là Cô Giang đã xuống cấp trầm trọng và đang được di dời khẩn cấp để bảo đảm tính mạng, tài sản của người dân. Chung cư này ngày càng trở nên nhếch nhác với những vết tường loang lổ, bong vôi vữa, thép ban công hoen gỉ, cong gãy, mái tôn được che tạm bợ, thậm chí nhiều cột trụ trơ sắt… “Quận 1 có 4 chung cư đã được TP chấp thuận về mặt chủ trương kêu gọi chỉnh trang đô thị. Như vậy, quận 1 còn 81 chung cư trong đợt cải tạo mới xây dựng chung cư cũ. Qua khảo sát thực tế có 4.124 căn hộ với số dân là 24.167 người trong 81 chung chư cũ” - ông Hải nói.
Ông Lê Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận 5, cho biết trên địa bàn có 206 chung cư nhỏ lẻ được xây dựng trước năm 1975. Quận 5 đã tổ chức kiểm định lại 93 chung cư, còn 113 chung cư sẽ hoàn thành kiểm định vào cuối năm 2016.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Nga, Phó Chủ tịch UBND quận 10, quận này có 40 lô chung cư xây dựng từ năm 1968, năm 1970 tập trung tại các chung cư như: Ngô Gia Tự, Ấn Quang, Nguyễn Kim là các chung cư cũ có diện tích nhỏ, tiện nghi thấp, hư hỏng, xuống cấp.
Phải có lộ trình cụ thể
Theo ông Đoàn Ngọc Hải, quận 1 đã ký hợp đồng và kiểm định xong đợt 1 là 23 chung cư cũ, có 2 chung cư loại D cần di dời khẩn cấp; 4 chung cư loại C và 17 chung cư loại B phải cải tạo, xây dựng mới. Về chỉ tiêu quy hoạch các chung cư cũ, quận 1 phối hợp với các sở - ngành liên quan để lắng nghe, kêu gọi các nhà đầu tư. Nhà đầu tư đều tập trung vào 3 chỉ tiêu quan trọng, gồm: hệ số sử dụng đất, chiều cao công trình và quy mô dân số. Về chính sách chăm lo cho người dân, quận 1 đã lập tổ công tác để theo sát chương trình này. Quận cũng đã tiến hành khảo sát xã hội học đối với 81 chung cư, kết quả là đa số cư dân có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt chất lượng cuộc sống không tốt do các chung cư xuống cấp trầm trọng. “Quận 1 cam kết với lãnh đạo TP sẽ làm hết sức để thực hiện tốt chương trình này” - ông Hải khẳng định.
Ông Lê Quốc Tuấn cho biết ngay sau khi có kết quả kiểm định, quận 5 sẽ phối hợp với Sở Xây dựng để đánh giá lại chất lượng và thông báo trực tiếp cho người dân sinh sống trong chung cư đó. Quận cũng đã chủ động tổ chức rà soát đánh giá phân loại để đưa các giải pháp thực hiện, như: Thứ nhất, hợp khối các chung cư nhỏ để trở thành chung cư có diện tích lớn và mời gọi chủ đầu tư đủ điều kiện bảo đảm các tiêu chuẩn về xây dựng, an toàn phòng cháy chữa cháy… Thứ hai, đối với chung cư hư hỏng nặng, diện tích nhỏ không thể xây dựng mới sẽ mời nhà đầu tư để lựa chọn phương thức tái định cư tại chỗ trên địa bàn cho người dân, đồng thời tháo dỡ chung cư và chuyển đổi công năng nhằm chỉnh trang đô thị. Thứ ba, đối với các chung cũ hư hỏng được xây dựng trước năm 1975 nhưng chưa đến mức nguy hiểm, tổ chức vận động nhân dân sửa chữa để bố trí lại cho gọn gàng và đẹp hơn. “Chúng tôi xây dựng kế hoạch rõ ràng, chặt chẽ để bảo đảm quyền lợi của người dân, doanh nghiệp…” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết TP xác định chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 đạt ít nhất 50% trong số 474 chung cư cũ trước 1975 được cải tạo, sửa chữa hoặc đầu tư xây dựng mới. Trong năm 2016, TP phải kiểm định và công bố chất lượng chung cư cũ. Trên kết quả kiểm định, UBND các quận - huyện sẽ có kế hoạch cụ thể như sửa chữa, xây mới…
Theo ông Tuấn, TP đã có các giải pháp như: ủy quyền cho các UBND quận - huyện phân công để thực hiện các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của UBND TP trong thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản…; phương án bồi thường giải phóng mặt bằng phải công khai, minh bạch; tái định cư thực chất là tổ chức lại cuộc sống cho người dân.
Nếu người dân không đủ tiền mua căn hộ mới, TP có chủ trương phải bố trí tái định cư theo quỹ nhà ở xã hội. Hiện TP đang triển khai 39 dự án nhà ở xã hội với 48.000 căn hộ, đến năm 2020 có khoảng 30.000 căn nhà ở xã hội đã hoàn thành.
Theo ông Lê Văn Khoa, việc cải tạo chung cư cũ phải có lộ trình cụ thể như chung cư nào hư hỏng thì làm ngay, chung cư nào có thể cải tạo thì sửa chữa… Để thực hiện chương trình cải tạo chung cư cũ, ngoài quyết tâm của hệ thống chính trị TP, còn phải có sự đồng thuận của người dân và hưởng ứng của doanh nghiệp.
Tạo sự đồng thuận của người dân
Từ năm 2003 đến nay, quận 10 đã di dời, tháo dỡ 15 chung cư cũ, xây dựng 4 chung cư với hơn 1.650 hộ dân. Theo bà Nguyễn Thị Thu Nga, để làm được việc này, quận 10 đã nhận được sự ủng hộ của đa số người dân. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phải thực hiện thường xuyên từ lúc khởi động cho đến hoàn thành. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phải thật chặt, khảo sát nắm chắc pháp lý, hoàn cảnh cũng như tâm tư nguyện vọng của từng hộ dân để có chính sách bồi thường hợp lý. Đặc biệt, tạo điều kiện cho người dân được tham gia đóng góp ý kiến ngay từ đầu về diện tích căn hộ, giá đền bù và các phương án đền bù…
DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: