Top

Xóa bao cấp trong sử dụng đất

Cập nhật 15/06/2009 08:35

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cuối năm 2008, đầu năm 2009 Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TPHCM đã triển khai kiểm kê quỹ đất đang được các tổ chức sử dụng. Kết quả kiểm kê cho thấy: Tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, bỏ hoang, cho thuê hoặc liên doanh, liên kết trái pháp luật... gây thất thoát, lãng phí đang ở mức báo động đỏ! Do vậy, Sở TN-MT vừa có kiến nghị gửi Bộ TN-MT, đề xuất một số giải pháp xử lý tình trạng này.

Cần có chế tài cụ thể hơn đối với đất công

Đây là đề xuất đầu tiên trong hàng loạt đề xuất của Sở TN-MT gửi Bộ TN-MT. Có lẽ xuất phát từ thực trạng “hầu hết diện tích đất sử dụng không hiệu quả đều là đất công sản” (theo báo cáo kết quả kiểm kê đất của Sở TN-MT). “Cần có chế tài cụ thể hơn đối với đất công sản” theo Sở TN-MT lý giải là do Luật Đất đai và nhiều văn bản pháp luật khác chưa có quy định cụ thể đối với việc sử dụng đất công sản. Vì thế, để đất công sản được sử dụng hiệu quả hơn thì Nhà nước phải có quy định cụ thể, không nên cào bằng việc sử dụng đất công sản với đất do tự chuyển nhượng mà có và không nên bao cấp đối với việc sử dụng đất công sản.

Nhà nước nên từng bước chuyển dịch dần nhóm đất “giao, công nhận không thu tiền” sang nhóm đất “giao, công nhận, có thu tiền sử dụng đất” hay thuê đất trả tiền hàng năm, để người sử dụng đất có trách nhiệm hơn đối với đất được giao và cũng là để tăng thêm nguồn thu cho ngân sách.

Cũng theo Sở TN-MT, đất cho nhiều cơ quan hành chính, sự nghiệp còn quá lớn so với nhu cầu, hơn nữa chúng lại nằm phân tán, do vậy vừa lãng phí vừa không tiện lợi cho người dân khi cần đến cơ quan công quyền để giao dịch. “Về lâu dài nên hình thành một khu hành chính chung cho từng cấp chính quyền để vừa tiết kiệm đất, vừa tiện lợi cho người dân”, Sở TN-MT kiến nghị.

Riêng đối với các cơ quan sự nghiệp, nghiên cứu khoa học mà không có thu, Sở TN-MT đề nghị vẫn giữ nguyên hình thức giao đất không thu tiền. Tuy nhiên, đối với những cơ quan công ích, dịch vụ công, những cơ quan hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục, thể thao có tổ chức kinh doanh và có doanh thu lớn thì phải trả tiền thu đất hàng năm. Bộ TN-MT cùng các ban ngành chức năng khác ban hành khung giá cho thuê đất nhưng khung giá nên rộng để TPHCM có thể cụ thể hóa theo từng vị trí đất.

Đối với đất quốc phòng kết hợp kinh doanh, Sở TN-MT đề xuất, các cơ quan quốc phòng chỉ giữ lại phần đất phục vụ công tác an ninh, quốc phòng, phần đất còn lại phải chuyển mục đích sử dụng phù hợp với quy hoạch và hiện trạng sử dụng đất. Phần đất quốc phòng đã chuyển sang đất ở, bàn giao lại cho chính quyền địa phương quản lý theo quy định.

Thu hồi đất cho thuê, cho mượn trái pháp luật


Các giải pháp của Sở TN-MT đề xuất xử lý tình trạng sử dụng đất sai pháp luật không được đưa lên vị trí đầu trong báo cáo gửi Bộ TN-MT nhưng chúng lại là nội dung chủ yếu trong toàn bộ báo cáo. Điều này có lẽ có nguyên nhân từ sự bất cập của không ít văn bản pháp luật liên quan đến đất đai. Đã có rất nhiều trường hợp sử dụng đất phát sinh trong thực tế nhưng chưa được pháp luật đề cập đến và có quy định điều chỉnh thích hợp. Chính vì thế mà Sở TN-MT đã đề xuất một số giải pháp.

Đối với đất sử dụng không đúng mục đích do không đăng ký chuyển mục đích sử dụng hoặc không xin phép chuyển mục đích sử dụng nếu phù hợp với quy hoạch thì người sử dụng phải nhanh chóng chuyển mục đích sử dụng đất và đóng tiền thuê đất theo quy định.

Trường hợp đất không đúng quy hoạch, nhà xưởng xây dựng trên đất gây ô nhiễm môi trường, nhà xưởng sản xuất sản phẩm cấm hoạt động trong khu dân cư tập trung thì người sử dụng đất phải chấm dứt ngay hành vi này.

Trường hợp không phù hợp với quy hoạch, sử dụng đất nhưng không có nhà xưởng sản xuất gây ô nhiễm môi trường thì được tiếp tục sử dụng đất cho đến khi Nhà nước thực hiện quy hoạch.

Đối với trường hợp cho thuê, cho mượn đất trái pháp luật, Sở TN-MT đề nghị chấm dứt việc cho thuê, cho mượn trong vòng 6 tháng. Việc bồi thường chi phí thiệt hại thực tế do chấm dứt hợp đồng cho thuê trước thời hạn (nếu có) sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật hợp đồng kinh tế. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng sẽ phải truy thu tiền cho thuê đất trái phép, nộp vào ngân sách.

Trường hợp tổ chức sử dụng đất vẫn tiếp tục cho thuê, cho mượn đất trái phép hoặc không có nhu cầu sử dụng đất thì Nhà nước sẽ thu hồi đất và giao cho tổ chức có nhu cầu thuê lại. Nếu không có đơn vị có nhu cầu thuê đất thì đất sẽ được giao về cho trung tâm phát triển quỹ đất và chính quyền địa phương quản lý theo quy hoạch.

Đối với trường hợp chuyển nhượng nhà, đất có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước, trái pháp luật thì cương quyết thu hồi để sử dụng vào mục đích công ích. Tổ chức, cá nhân thực hiện việc chuyển nhượng đất trái pháp luật phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại đã gây ra (nếu có) theo quy định của pháp luật. Đất bỏ hoang không sử dụng liên tục trong 12 tháng liền hoặc hơn 24 tháng không được đưa vào đầu tư, xây dựng, Sở TN-MT cũng kiến nghị: Nhà nước xem xét thu hồi và giao đất cho nhà đầu tư khác có năng lực triển khai dự án.

Phải trả lại đất lấn chiếm

Sở TN-MT đề nghị: Trường hợp lấn chiếm đất của hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng đã được công bố thì tổ chức, cá nhân lấn chiếm đất phải trả lại đất lấn chiếm và phục hồi lại hiện trạng ban đầu. Trường hợp đất bị lấn chiếm mà có tranh chấp thì căn cứ vào pháp luật về đất đai, dân sự giải quyết dứt điểm tranh chấp, để xác định người sử dụng đất nhằm có hướng xử lý phù hợp đối với người đó. Tổ chức, cá nhân có đất bị lấn chiếm cần chủ động liên hệ với cơ quan chức năng để được giải quyết, không được làm thất thoát diện tích đất đã được Nhà nước giao, cho thuê.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng