- Vì sao Hà Nội đã có quy hoạch nhưng lại cứ quẩn quanh khu vực nội đô, cứ nhắm tới đất vàng, những khu đất có giá trị lớn?
Cần công bố quy hoạch Hồ Tây
Liên quan tới việc Hà Nội đang xin ý kiến về đề xuất xây dựng Tổ hợp dịch vụ thương mại, khách sạn, căn hộ cao cấp 36 tầng tại khu vực khách sạn Thắng Lợi, Hồ Tây KTS Ngô Doãn Đức tiếp tục bày tỏ nhiều quan ngại.
Không gian Hồ Tây cần được bảo vệ. Ảnh: Kinh tế đô thị |
Trước hết, vị KTS nhận định, Hồ Tây là không gian liên kết tự nhiên, có ý đặc biệt cả về mặt lịch sử và văn hóa. Riêng Khách sạn Thắng Lợi là một trong những khách sạn có vị trí đắc địa bậc nhất Hà Nội khi bao trọn một góc Hồ Tây. Đây là khách sạn được Cu Ba xây tặng Việt Nam từ năm 1973 và được khánh thành vào năm 1975. Vì thế, ngoài giá trị về kiến trúc, khách sạn Thắng Lợi còn là biểu tượng tượng trưng cho mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Cu Ba.
Do đó, khi thực hiện quy hoạch, Hà Nội cần dựa trên nguyên tắc coi trọng các yếu tố tự nhiên, lịch sử và văn hóa. Chức năng chính ở khu vực này phải được ưu tiên dành cho các hoạt động công cộng, giao lưu văn hoá là chính. Đặc biệt về tổ chức không gian, cần chú trọng tính toàn vẹn của không gian mở với ưu thế là cảnh quan tự nhiên.
Tuy nhiên, những năm vừa qua, trong quá trình phát triển vấn đề quản lý xây dựng chưa thật sự tốt, để xảy ra tình trạng nhiều công trình, các dự án cao tầng có khối tích lớn mọc lên bao quanh Hồ Tây làm cho không gian mặt thoáng của hồ bị thu hẹp lại.
"Việc xây dựng bừa bãi, không đồng nhất, khiến không gian quanh hồ trở lên cọc cạch, lộn xộn, phá vỡ cảnh quan tự nhiên. Tình trạng này phải được kiểm soát chặt chẽ, không nên cho phép xây dựng các công trình cao tầng, đặc biệt với đề xuất xây dựng tổ hợp thương mại, khách sạn tại khu vực Khách sạn Thắng Lợi cần được bác thẳng.
Chúng ta ủng hộ chủ trương xây dựng, không vì mục đích bảo tồn mà ôm giữ quá khứ, kìm hãm phát triển nhưng cũng không ủng hộ phát triển theo kiểu phá vỡ cảnh quan, quy hoạch, kiếm cớ trục lợi như đề xuất trên", KTS Ngô Doãn Đức nhấn mạnh.
Theo đó, vị KTS cho rằng, để kiểm soát được tình trạng trên thì đề nghị Hà Nội phải công bố công khai Quy hoạch khu vực Hồ Tây. Việc công bố công khai Quy hoạch khu vực Hồ Tây sẽ tránh được tình trạng "thập thập", "thò thò", lúc xin, lúc cho như thời gian vừa qua.
"Vừa qua chúng ta thấy, dù Hà Nội đã có Quy hoạch chung; Quy hoạch về xây dựng công trình kiến trúc cao tầng khu vực nội đô năm 2014; Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và phụ cận (A6) năm 201... tất cả đều khẳng định khu vực Hồ Tây cần hạn chế và không được phép làm công trình cao tầng.
Thế nhưng kỳ lạ ở chỗ, doanh nghiệp cứ đề xuất rồi cơ quan quản lý lại đi xin ý kiến. Trước đề xuất xây khách sạn 36 tầng, cũng từng có đề xuất xây khách sạn 45 tầng cạnh Hồ Tây nhưng bị dư luận phản ứng và phải dừng lại rồi. Tôi băn khoăn không hiểu quy hoạch kiểu gì mà luôn có sự điều chỉnh tăng lên như vậy?
Phải nhớ là Hà Nội hiện nay đã được mở rộng gấp 3 lần quy hoạch trước đây, vậy thì tại sao khi kêu gọi đầu tư Hà Nội không kéo nhà đầu tư ra ngoài mà lại cứ quẩn quanh khu vực nội đô, cứ nhắm tới đất vàng, những khu đất có giá trị lớn như Hồ Tây, ga Hà Nội... mà không phải chỗ nào khác?
Tôi nghĩ, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch chung và giao cho Hà Nội quản lý. Về mặt quản lý nhà nước, Hà Nội phải cương quyết thực hiện theo quy hoạch, có như vậy mới chấm dứt được tình trạng xin -cho, thấy cho được lại xin", KTS Ngô Doãn Đức nói thẳng.
Xin xây khách sạn 36 tầng cạnh Hồ Tây: Không thể được...
Không tạo thêm áp lực cho Chính phủ
Đưa ra yêu cầu Hà Nội phải công khai quy hoạch khu vực Hồ Tây đồng, KTS Ngô Doãn Đức cho rằng, đây là việc làm cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý của Hà Nội đồng thời giúp giảm áp lực cho Chính phủ.
"Nếu cứ để tình trạng doanh nghiệp đề xuất, Hà Nội lại phải đi xin ý kiến rồi mới lại trả lời doanh nghiệp là rất bất tiện. Sự bất tiện thể hiện từ hai phía, thứ nhất là bất tiện trong công tác quản lý. Tức là thiếu cơ sở để quản lý. Sự bất tiện thứ hai là về phía doanh nghiệp, do không có cơ sở để đối chiếu nên cứ thấy người này xin được thì người khác cũng xin.
Do đó, cần phải công bố công khai quy hoạch, khi đã có quy hoạch rồi doanh nghiệp muốn đề xuất cũng phải căn cứ theo quy hoạch còn cơ quan quản lý sẽ quản lý dựa trên quy hoạch.
Việc này cũng giúp Hà Nội tránh được tiếng là "láu cá", "xin ý kiến" để đẩy trách nhiệm cho đơn vị khác", ông Đức nói.
DiaOcOnline.vn theo Baodatviet.vn
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: