Top

Mở rộng địa giới hành chính chỉ để 'ôm' đất thì không cứu được nội đô

Cập nhật 08/05/2018 10:24

 - Kiến trúc sư Trần Trọng Hanh cho rằng, việc mở rộng địa giới hành chính dù có “ôm” bao nhiêu đất cũng không đủ không gian phát triển để “cứu” nội đô nếu không không nhường quyền, lợi ích cho các địa phương.


Hạ tầng khu vực nội đô ngày càng quá tải sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính - Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Sau 10 năm hợp nhất, thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội tăng từ 1.697 USD lên 3.910 USD. Mạng lưới cơ sở hạ tầng ở các huyện ngoại thành, đặc biệt là ở Hà Tây cũ ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, những tồn tại trong nội thành như ách tác giao thông, kéo giãn mật độ dân số, ô nhiễm môi trường vẫn chưa được giải quyết.

Bộ mặt nông thôn khác hẳn

Nhớ lại thời gian còn làm Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên 10 năm trước, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội hay khi có thông tin Hà Tây về với Hà Nội, cán bộ, công chức huyện vừa mừng, vừa lo. “Cán bộ chúng tôi lo vì không biết cơ chế chính sách tới đây sẽ thay đổi như thế nào. Đội ngũ cán bộ, công chức từ huyện đến xã có đáp ứng được nhiệm vụ mới hay không”, ông Chu Phú Mỹ nói.

Theo ông Chu Phú Mỹ trước khi hợp nhất, cơ sở hạ tầng ở hầu hết các huyện của Hà Tây cũng đều hết sức khó khăn. Hệ thống trường học từ tiểu học đến trung học cơ sở bị xuống cấp nhưng không có kinh phí để đầu tư. Ông Mỹ đưa ra ví dụ, thời điểm đó Phú Xuyên có 58 trường, không có trường nào đạt chuẩn, nhiều nơi học sinh phải đi học nhờ.

“Toàn huyện có 29 trường mầm non nhưng chỉ có 80 viên chức, còn lại chủ yếu là giáo viên hợp đồng. Đời sống giáo viên thời điểm đó hết sức khó khăn do lương được trả theo công điểm”, ông Chu Phú Mỹ nói.

Hệ thống giao thông ở các huyện của Hà Tây thời điểm đó chủ yếu là đá cấp phối hoặc đường đất. Còn hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp bị xuống cấp nhưng không được đầu tư sửa chữa. Nhiều trạm bơm được xây dựng từ những năm 1960 đã cũ nát, không bảo đảm công suất nên không đảm bảo tưới tiêu phụ vụ sản xuất nông nghiệp.

Sau khi hợp nhất, ông Chu Phú Mỹ cho biết, hệ thống trường học đã được thành phố tập trung đầu tư rất hiệu quả. Các trường mầm non được đưa về huyện quản lý nên đời sống của giáo viên được cải thiện rất nhiều so với trước đây. Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng từ giao thông nông thôn đến trụ sở UBND xã cũng được xây dựng mới để phục vụ nhân dân tốt hơn.

Ông Khuất Văn Thành - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội đánh giá điểm nổi bật nhất trong 10 năm qua là hạ tầng kỹ thuật của TP được đầu tư rất mạnh, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. “10 năm trước, có những xã tôi phải đi 2 tiếng mới đến nơi. Tuy nhiên, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, kinh tế phát triển mạnh, giao thông nông thôn giờ đã khác hẳn”, ông Thành đánh giá.

Còn ông Kiều Xuân Huy - Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, 10 năm sau khi sáp nhập huyện này có sự chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) đã tương đối hoàn chỉnh.

Theo ông Huy, từ năm 2008 trở về trước, chưa một xã nào ở huyện nay đủ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng sau 10 năm hợp nhất, huyện Thường Tín đã có 19/28 xã đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới.

Nội thành vẫn quá tải

Khái quát kết quả 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định “có tiến, có lùi”. Trong đó, có những vùng phát triển mạnh hơn, nhưng có những tồn tại nhiều năm chưa được giải quyết triệt để.

Đánh giá về vấn đề đô thị sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, kiến trúc sư Trần Trọng Hanh nhận thấy dân số vẫn tập trung quá lớn ở trung tâm thành phố. “Nội đô không chỉ là 800 nghìn dân khi sáp nhập, đến nay lên hơn 1 triệu người. Nguyên nhân là chúng ta vẫn cho chất tải nhiều nhà cao tầng trong nội thành”, ông Hanh nêu quan điểm.

Theo ông Hanh thành phố vẫn còn tình trạng có bao nhiêu khu đất trống thì vẫn cấp phép cho các doanh nghiệp xây dựng nhà cao tầng. “Doanh nghiệp chỉ nghĩ đến việc bán bao nhiêu căn hộ, chứ họ không nghĩ đến lợi ích lâu dài cho Thủ đô”, ông Hanh nói.

Kiến trúc sư Trần Trọng Hanh cho rằng, vấn đề trên “đẻ” ra một loạt hệ lụy cho Thủ đô, đó là ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng, úng ngập ở nhiều vùng. Ngoài ra, nhiều vấn đề xã hội như quá tải các trường học, bệnh viện và nền kinh tế vỉa hè không được kiểm soát…

“Giải quyết các bất cập trên dù đã được TP đặt ra nhiều năm nay chỉ mang tính hình thức, bởi các tồn tại chưa được giải quyết triệt để”, ông Hanh nói và cho rằng, việc mở rộng địa giới hành chính dù có “ôm” bao nhiêu đất cũng không đủ không gian phát triển để “cứu” nội đô nếu không không nhường quyền, lợi ích cho các địa phương.

Còn ông Tô Anh Tuấn - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội việc mở rộng địa giới hành chính đã tạo không gian đủ lớn để Thủ đô phát triển. “Với địa giới hành chính cũ, quá trình làm quy hoạch nhiều lúc chúng tôi cảm thấy bí bách. Những vấn đề về xây dựng dường như không đủ không gian để bố trí”, ông Tuấn nhớ lại.

Tuy nhiên, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, ông Tuấn nhận thấy, khu vực trung tâm thành phố vẫn tập trung dân cư quá mức kiểm soát, quá khả năng chịu đựng của đô thị. Trong khi đó, rất nhiều khu đô thị chưa thực sự đồng bộ để thu hút dân cư, giải tỏa cho nội đô.

Theo ông Tuấn thời gian tới, thành phố phải tập trung xây dựng các khu đô thị quy mô lớn, đồng bộ về hạ tầng. “Thành phố cũng tránh việc nhà đầu tư muốn đầu tư ở đâu thì đề xuất xây dựng ở đó. Như vậy, nguồn lực sẽ bị phân tán, không giải quyết những tồn tại hiện nay”, ông Tô Anh Tuấn nói thêm.


DiaOcOnline.vn theo Tienphong.vn