Top

Xây sân golf: Cây mất đất, người mất việc

Cập nhật 05/04/2009 08:10

Trào lưu đầu tư quá "nóng", bất bình thường vào sân golf, trong một năm qua đã trở nên đáng báo động. Người dân mất 49 nghìn hécta đất canh tác, môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng do quy trình xây dựng, duy trì sân golf...

Nguồn lợi từ do đầu tư kinh doanh và phát triển thể thao đâu chưa thấy, nhưng cái hại thì đã rõ rệt.

Bất cập ngay từ đầu

Hiện nay, cơ sở pháp lý để chính quyền các địa phương xem xét cấp giấy phép đầu tư hay cấp chủ trương thực hiện dự án sân golf trên địa bàn là căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Kế hoạch này đã được phê duyệt và quy hoạch; bên cạnh đó, kế hoạch sử dụng đất cũng được các cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

Ngoại trừ một số dự án lớn, thường là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, ở các địa phương như TPHCM, Hà Nội, Long An, Bắc Giang..., hồ sơ mới được chính quyền địa phương gửi lên lấy ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ TNMT và Bộ KHĐT, trước khi cấp giấy phép cho chủ đầu tư.

Trước đây, theo Luật Đầu tư nước ngoài, các dự án sử dụng đất đô thị từ 5ha trở lên hoặc đất khác từ 50ha trở lên, đều phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Các sân golf, do sử dụng diện tích đất rất lớn, nên đều thuộc nhóm phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi cấp phép. Thế nhưng hiện nay, quy định này không còn, nên dẫn tới các cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy Chứng nhận đầu tư chỉ căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch sử dụng đất để cấp phép.

Song, do lĩnh vực đầu tư sân golf chưa hề được quy hoạch phát triển và chưa có quy hoạch sử dụng đất dành riêng cho mục đích kinh doanh sân golf, dẫn tới quỹ đất sử dụng cho sân golf hiện nay, chính quyền các địa phương phải... "cấu, véo" trong nhóm đất quy hoạch phát triển du lịch, hay công viên cây xanh đã được duyệt.

Thậm chí, có trường hợp chưa có trong quy hoạch, chính quyền địa phương vẫn đưa luôn vào Tờ trình xin điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất trình Chính phủ phê duyệt, cốt kiếm bằng được đất cho đầu tư sân golf.

Một chuyên viên trong lĩnh vực đầu tư nói thẳng: "Vì quá chạy theo thành tích, tin tưởng hứa hẹn của các chủ đầu tư, mà có không ít lãnh đạo địa phương cố gắng bằng mọi cách, thậm chỉ chỉnh sửa cả chủ trương, chính sách để tìm đất cho sân golf".

Đó là những bất cập khiến cho làn sóng đầu tư sân golf nương theo đó mà tới tấp xin chủ trương, xin dự án làm sân golf; dù rằng, có không ít dự án, sau khi "xí phần" đất xong, là rơi vào tình trạng... "treo" dài dài. Đơn cử ở TPHCM, trong tổng số 7 dự án sân golf, chỉ có 1 dự án đi vào hoạt động, còn lại 6 dự án... bất động suốt thời gian qua.



Xây sân golf, nông dân mất đất.


Được và mất

Người ta thống kê trong 78 dự án sân golf đã được cấp phép, có 13 dự án đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho 5.219 lao động. Phần lớn số lao động trên là người địa phương, với thu nhập bình quân từ 1,5- 2,5 triệu đồng/người/tháng. Các dự án golf này nộp ngân sách cho Nhà nước trong năm 2007 là 336,3 tỉ đồng. Các địa phương đều cho rằng, các dự án sân golf giống như các dự án khu du lịch cao cấp đã góp phần tạo điểm nhấn cho du lịch của địa phương.

Ông Suk Tae Jung - Tổng GĐ Cty XD Jinsung (Hàn Quốc) - đang đầu tư khu nghỉ dưỡng - sân golf Bảo Lộc (Lâm Đồng), thì lạc quan rằng: "Với golf, mới xuất hiện ở VN, sẽ là điều kiện tốt để mọi người có cơ hội tham gia tiếp cận môn thể thao này nhiều hơn, qua đó nhằm nâng cao số lượng và trình độ chuyên môn của những người chơi golf".

Ông Jung còn khẳng định: "Người VN cũng sẽ dần dần có nhu cầu chơi golf, khi nền kinh tế ngày càng phát triển". Riêng với dự án sân golf Bảo Lộc, chủ đầu tư tin chắc: Sau khi hoàn thành, trong 2 năm đầu sẽ đón khoảng 100.000 lượt khách chơi golf/năm và 100.000 lượt du khách khác. Doanh thu mỗi năm ước tính khoảng 6 triệu USD. Kể từ năm thứ ba trở đi, dự án đón khoảng 120.000-150.000 lượt khách chơi golf và khoảng 150.000 lượt du khách khác. Doanh thu đạt khoảng 8 triệu USD/năm v.v...

Những con số có cánh trên tưởng như sắp trở thành hiện thực đến nơi, thế nhưng trên thực tế, cả dự án sân golf này, chỉ giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động mà thôi; trong khi đó, hàng ngàn người dân trồng chè đã phải ra đi, chưa biết sẽ làm gì để nhường lại 250ha đất cho dự án golf.

Ông Lư Thanh Phong - Phó GĐ Sở KHĐT TPHCM - từng phải thừa nhận: "Ở TPHCM có 7 dự án golf, thì mới có 1 dự án sân golf Hoa-Việt hoạt động. Mặc dù dự án giải quyết việc làm cho 1.000 lao động, đóng góp ngân sách cho TP hàng năm từ 20-25 tỉ đồng; song, việc tuân thủ bảo vệ môi trường còn nhiều vấn đề...".

Trong khi đó, Sở KHĐT TPHCM từng cảnh báo: "Sự phát triển các dự án sân golf, thế giới đang cảnh báo những hậu quả tai hại về môi trường và xã hội, mà trước đó, các nước Đông Nam Á đã trải qua, do hoá chất ngấm xuống đất và nguồn nước ngầm. Quy mô sân golf càng lớn, thì môi trường xung quanh càng hứng nhiều hoá chất lan ra theo nước tưới cỏ, chưa kể lượng tiêu hao nước để tưới một sân golf 18 lỗ tiêu thụ khoảng 5.000m3 nước/ngày, tương đương tổng lượng nước cho ít nhất 20.000 hộ gia đình sử dụng".

Ông Lê Hiếu Đằng - Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TPHCM - nói: "Các sân golf đều sử dụng một lượng lớn các loại hoá chất để nuôi cỏ và diệt trừ nấm, sâu bệnh... Các loại hoá chất này đều thuộc nhóm hoà tan và ngấm theo đường nước thải xuống đất và nguồn nước ngầm, có khả năng ảnh hưởng lớn nguồn nước sinh hoạt chung của dân cư... Đây là một trong các nhân tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao mà hiện nay chưa được đánh giá cụ thể ở VN".

Rõ ràng, cái được chưa thấy đáng là bao cho cộng đồng, nhưng cái mất của người dân, cái mất cho môi trường từ các dự án sân golf bùng phát tràn lan là không nhỏ, một khi chính quyền các địa phương vẫn mãi cuốn theo sân golf, bất chấp hậu quả!

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động