Top

Hà Nội: Chợ bỏ hoang!

Cập nhật 04/04/2009 16:10

Đến nay, đã 7 năm chợ Thượng Đình (Nhân Chính - Thanh Xuân - Hà Nội) khánh thành với số vốn xây dựng lên đến hàng tỷ đồng nhưng tiểu thương không chịu vào thuê. Hơn thế, do bị bỏ hoang lâu ngày nên nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng.

Tiểu thương “nhàn rỗi”

Chợ Thượng Đình xây dựng xong năm 2003 với quy mô 3 tầng khang trang và rộng rãi. Có lẽ ít có chợ nào ở Hà Nội lại có vị trí đẹp như chợ này khi nằm trên đường Nguyễn Trãi, cách 2 trường ĐH KHXH-NV và ĐH Khoa học Tự nhiên chỉ khoảng 100m. Hơn thế, khu vực này lại tập trung nhiều công nhân do có nhiều nhà máy, xí nghiệp. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, từ sau khánh thành, chợ Thượng Đình lại vắng lặng, đìu hiu như ngôi chùa bỏ hoang.

Theo nhiều người dân, sau khi chợ xây xong, nhiều tiểu thương đã tranh nhau thuê các quầy hàng trong chợ để kinh doanh. Số tiền thuê quầy hàng từ 35 - 50 triệu đồng/quầy cho khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm. Tuy nhiên, chỉ một thời gian, các tiểu thương lần lượt bỏ ki ốt đi tìm chỗ “kiếm ăn” khác.

Hôm chúng tôi đến, nhìn khung cảnh của chợ thật tàn tạ. Bên trong chỉ có khoảng 20 tiểu thương buôn bán ở tầng 1 (bằng 1/10 số gian hàng mà các tiểu thương đăng ký thuê khi chợ mới xây dựng xong).

Bên trong chỉ có mấy mặt hàng được bày bán như quần áo, bát đũa, các đồ dùng hằng ngày… Các quầy hàng chỉ chiếm vỏn vẹn một nửa khu tầng 1, một nửa còn lại biến thành nơi chứa rác, giữ xe.

Phía góc bên phải là đống giá hàng cũ nát được các tiểu thương để lại. Các chủ quầy hàng, người thì ngủ, người thì tụm lại buôn chuyện trông thật “nhàn rỗi”. Thấy chúng tôi, như bắt được khách sộp, họ đua nhau lôi kéo, chào hàng.

Chị Thu Hương - chủ một quầy hàng trong chợ - cho biết: “Bây giờ ở đây chỉ còn hơn chục gian hàng. Do không bán được hàng nên hầu hết các chủ đã bỏ sang thuê chợ khác, thậm chí nhiều người chấp nhận bỏ tiền. Người nào không có vốn nhiều thì đành bám lại nhưng chỉ buôn bán nhỏ lẻ”.

Chợ biến thành... phòng tập thể hình


Khi bước chân lên tầng 2, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một không gian ẩm thấp tối lờ mờ. Các bức tường đang xuống màu do lâu ngày không được sơn lại.

Chị Hường cho hay: “Tầng 2 bỏ hoang, cơ sở vật chất đang dần xuống cấp. Ở đó, chúng tôi thường để những gì không dùng đến”. Anh Nam, chồng chị Hường, thường giúp vợ dọn hàng mỗi khi tan tầm nói: “Tầng 2 không sử dụng nên không có ai vệ sinh quét dọn gì cả. Nếu có thì cũng họa hoằn lắm mới thấy một lần”.

Trong khi đó, trên tầng 3 thời gian qua ban quản lý chợ đã đồng ý cho một trung tâm tập thể hình thuê làm địa điểm. Theo các tiểu thương thì cứ chiều đến, trên tầng 3 lại vọng xuống những tiếng chạy, nhảy uỳnh uỵch của những người đến đây tập.

Nghiêm trọng hơn nữa là tình trạng những chiếc tạ nặng hàng chục ký rơi xuống nền nhà tạo ra những tiếng động mạnh. Bác Ba Lý, nhà ở phố Chính Kinh, gần chợ bức xúc: “Chúng tôi không thể hiểu được việc xây chợ xong lại biến nó thành nơi tập luyện của câu lạc bộ thể hình. Đây là việc làm lãng phí.

Sáng ngày 3-4, trao đổi với SGGP 12 Giờ, Ban quản lý chợ Thượng Đình cho biết, sau gần 7 năm đưa vào sử dụng, hiện chợ Thượng Đình chỉ có 26 chủ hộ kinh doanh. Số còn lại, khoảng 270 hộ mặc dù đã ký hợp đồng từ năm 2003 song hiện đã dần bỏ cuộc. Chợ gồm 2 tầng, tổng diện tích là 7.000m2 với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Ban quản lý chợ cho biết thêm, sắp tới chợ có thể chuyển mục đích sử dụng thành một trung tâm thương mại.


Theo thiết kế, chợ Thượng Đình có một lối đi, từ đó mở hai cổng đi vào khu nhà chính và khu chợ dân sinh. Nhưng hiện ở đó còn một trạm biến áp lớn và hơn chục hộ dân đang án ngữ, chưa giải phóng được. Do đó, người đi xe máy muốn vào chợ chỉ có cách đi ngược đường.


DiaOcOnline.vn - Theo SGGP 12 Giờ