Top

Xây nhà chống bão

Cập nhật 16/07/2008 11:00

Tiến sĩ Nguyễn Trung Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) trao đổi với PV xung quanh việc xây dựng nhà ở trong vùng chịu ảnh hưởng của gió bão, động đất sao cho an toàn.

* Sau mỗi trận mưa bão, hàng nghìn ngôi nhà lại bị hư hại, tốc mái… Bộ Xây dựng có nghiên cứu đưa ra tiêu chuẩn xây dựng để đảm bảo an toàn cho nhà cửa trong vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió bão?

- Quy chuẩn xây dựng Việt Nam được Bộ Xây dựng ban hành năm 1997 đã đưa ra các yêu cầu xây dựng phòng chống gió bão cho công trình xây dựng, kèm theo phụ lục bản đồ phân vùng gió của Việt Nam với các thông số tính toán chi tiết đến trung tâm quận, huyện của cả nước.

Qua số liệu đo được từ các cơn bão những năm gần đây, tốc độ gió bão đều chưa khi nào vượt qua số liệu quy định trong quy chuẩn.

Kết quả khảo sát tại các vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió bão và theo báo cáo của các địa phương, các công trình được thiết kế và xây dựng theo hướng dẫn của Quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam đều chịu gió bão rất tốt.

Những thiệt hại chủ yếu là tốc mái (chiếm 80%) và các khảo sát cho thấy, hầu hết các công trình này đều được thiết kế, xây dựng không theo yêu cầu của tiêu chuẩn. Các chủ đầu tư, nhà thầu chỉ quan tâm thiết kế chịu gió bão cho hệ thống chịu lực của công trình mà quên đi các bộ phận bao che như mái, tường, cửa...

Chúng ta biết rằng, với gió bão của Việt Nam, lực tốc mái khi có gió bão có thể đạt đến 60 - 70 kg/m2 trong khi trọng lượng mái chỉ là 6 - 10 kg/m2 (mái tôn), 20 - 25 kg/m2 (mái fibrô ximăng), 40 - 45 kg/m2 (mái ngói). Nếu không có những tính toán, thiết kế và xây dựng đúng quy cách thì sự tốc mái, bung cửa, đổ tường là khó tránh khỏi và rất nguy hiểm cho tính mạng con người.

* Trong trường hợp nhà tự xây của người dân, nhiều khi các tiêu chuẩn ấy vượt quá khả năng chi trả của họ?

- Đối với nhà tự xây, theo tôi, tốt nhất người dân nên thuê các đơn vị có chuyên môn thiết kế và xây dựng. Trong trường hợp nhà ở do dân tự xây dựng bằng vật liệu tạm, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật nêu trong quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng, có thể sử dụng các kinh nghiệm dân gian như đặt các bao cát hoặc nẹp trên các tấm mái, neo buộc tấm mái và kết cấu đỡ mái với các bộ phận chịu lực của công trình như tường, cột...

Tuy nhiên, các giải pháp này cũng chỉ chịu được gió bão đến cấp 6. Nếu gió bão có cường độ lớn hơn, cần phải sơ tán đến nơi trú ẩn an toàn. Khi tập huấn cho các địa phương, chúng tôi cũng nêu phương án xây dựng một công trình công cộng kiên cố để dân tạm lánh khi có bão lụt.

"Khi tính toán và thiết kế công trình xây dựng, người ta đều phải xem xét cả tác động của gió bão và động đất (nếu nằm trong vùng có yêu cầu phải thiết kế kháng chấn theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam). Xác suất xảy ra gió bão và động đất đồng thời là cực kỳ thấp. Do đó, cũng như quy định trong các tiêu chuẩn thiết kế của các nước trên thế giới, các kỹ sư tư vấn phải chọn một trong hai trường hợp để tính toán và thiết kế cho công trình: hoặc là tác động của gió bão, hoặc là tác động của động đất. Kinh nghiệm tính toán và thiết kế cho thấy, trên phần lớn lãnh thổ nước ta và các công trình xây dựng, tác động của gió bão lớn hơn nhiều. Trong trường hợp đó, khi đã chịu được gió bão thì công trình cũng đảm bảo an toàn khi động đất" - Tiến sĩ Nguyễn Trung Hòa.


Theo Thanh Niên