Top

Xây dựng dự án khu đô thị công nghiệp cảng Hiệp Phước: Dân góp vốn bằng đất: Lợi gì?

Cập nhật 29/03/2008 08:00

Lâu nay kiểu đền bù của Nhà nước cho người dân nằm trong diện đền bù giải tỏa được gọi nôm na là “tiền trao cháo múc”. Nghĩa là Nhà nước hay chủ đầu tư thu hồi đất, dân nhận tiền đền bù (hay kèm phương án nhận chung cư hoặc nền tái định cư). Và không ít trường hợp sau khi có tiền đã tiêu xài hết vì không biết “đầu tư” vào đâu.

Để có một cách làm căn cơ, nhằm tạo nguồn tích lũy lâu dài cho người bị thu hồi đất, phương án cho người dân được góp vốn bằng tiền bồi thường giá trị quyền sử dụng đất đã được TPHCM tính đến. Và sắp tới, phương án này sẽ được áp dụng ở dự án khu đô thị công nghiệp cảng Hiệp Phước. “Với đặc trưng là một dự án đầu tư xây dựng cảng, khu công nghiệp và đô thị nên hoàn toàn thuận lợi để kêu gọi người dân góp vốn đầu tư bằng giá trị đất” - ông Phạm Xuân Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) - đơn vị chủ đầu tư dự án, nói.

Theo đề án của Viện Kinh tế và IPC trình UBND TPHCM, người dân nằm trong diện giải tỏa của dự án (khoảng 1.900 hộ thuộc xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) sẽ được hoàn toàn tự nguyện tham gia góp vốn đầu tư thực hiện dự án sau khi đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước.

Đơn vị đứng ra huy động vốn là Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh khu đô thị cảng Hiệp Phước (gọi tắt là HPC) sẽ được thành lập. Công ty này sẽ làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư đồng thời huy động vốn góp từ tiền bồi thường đất nông nghiệp.

Ông Phạm Xuân Bình cho biết người có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp tại khu vực dự án được mua cổ phần công ty bằng mệnh giá. Giới hạn mức mua bằng giá trị bồi thường thiệt hại khi bị thu hồi đất. Vì vậy, người dân có thể vừa nhận tiền đền bù vừa mua cổ phần tùy theo nguyện vọng của mình. Loại cổ phần mà người bị thu đất mua là cổ phần ưu đãi và được tự do chuyển nhượng cho người khác.

Cổ phiếu cũng sẽ được chuyển nhượng thành tiền mặt theo hướng bảo đảm tính thanh khoản và sát giá thị trường cho người đã mua cổ phần. Đồng thời, nông dân tham gia góp vốn đầu tư sẽ được hưởng một số chính sách ưu đãi, như được trợ cấp trong thời gian ban đầu, hỗ trợ vay vốn khi có nhu cầu tiền mặt.

Điều quan trọng nhất là nông dân sẽ không bị rủi ro với tiền đầu tư của mình ngay cả trường hợp xấu nhất là Công ty HPC thua lỗ. Bởi theo ông Bình, lúc này nông dân có nhu cầu bán cổ phần sẽ được chính HPC bảo đảm mua lại với giá tối thiểu bằng mệnh giá. Việc mua lại này chỉ thực hiện trong thời gian nông dân đang nắm giữ cổ phiếu ưu đãi.

Theo Người Lao Động