Top

Vụ “đất vàng” 2-4-6 Hai Bà Trưng giao sai luật: Sabeco đã bị “hất chân” thế nào?

Cập nhật 25/05/2018 08:51

Ban đầu hơn 6.000m2 “đất vàng” bốn mặt tiền này được TP.HCM giao không qua đấu giá cho Sabeco. Tuy nhiên, sau đó, dự án lại được “sang tay” cho đơn vị khác.

Khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng. Ảnh: Zing

Như BizLIVE đã đưa tin, mới đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã công bố Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016. Tại báo cáo này, đề cập đến công tác giao đất, KTNN cho biết, đa số không thực hiện đấu thầu dự án hoặc đấu giá quyền sử dụng đất mà áp dụng ngay hình thức chỉ định nhà đầu tư là vi phạm Luật Đấu thầu và Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP. Một trong những dự án được liệt kê là khu “đất vàng” 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Theo tìm hiểu, năm 2008, UBND TP.HCM đã quyết định giao "khu đất vàng" này cho Sabeco mà không tổ chức đấu thầu. Đây là khu đất có vị trí đắc địa với bốn mặt tiền, gồm: Hai Bà Trưng, Thi Sách, Công trường Mê Linh và Đông Du.

Khu đất có diện tích khoảng 6.000m2 này dự kiến sẽ được xây dựng thành Dự án tổ hợp căn hộ, thương mại, văn phòng có tên Sài Gòn Mê Linh Tower với tổng mức đầu tư hơn 2.423 tỷ đồng.

Thời điểm đó, để thực hiện dự án, Sabeco đã “bắt tay” với một số doanh nghiệp khác, lập ra Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn Pearl. Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, 4 cổ đông sáng lập ban đầu của Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn Pearl bao gồm: Công ty  Cổ phần Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hà An (25,5%) và Công ty Cổ phần Đầu tư Mê Linh sở hữu 25,5%%, Công ty Cổ phần Attland sở hữu 23% và Sabeco sở hữu 26%.

Sau đó, tháng 6/2016, Sabeco đã tiến hành thoái vốn theo hình thức tổ chức đấu giá bán toàn bộ số cổ phần đang nắm giữ (26% vốn điều lệ) cho các cổ đông sáng lập khác.

Mặc dù khẳng định việc thoái vốn này là phù hợp nhưng theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước mới công bố gần đây về tình hình hoạt động của Sabeco cho thấy, việc thoái vốn này của Sabeco tại dự án cũng có nhiều vi phạm.

Cụ thể, thời điểm đó, để xác định giá khởi điểm, Sabeco đã thuê 3 doanh nghiệp, gồm: Công ty TNHH Cushman&Wakefield, Công ty TNHH Chứng khoán ACB và Công ty CT Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam thực hiện thẩm định giá trị doanh nghiệp.

Trên cơ sở kết quả thẩm định giá của Công ty TNHH Cushman& Wakefield là đơn vị đưa ra giá trị doanh nghiệp cao nhất, Sabeco xác định giá khởi điểm là 13.247 đồng/cổ phần, giá trúng đấu giá là 13,347 đồng/cổ phần, đơn vị trúng đấu giá mua toàn bộ cổ phần là Công ty CP Attland (thành viên sáng lập). Theo Báo cáo định giá của Công ty TNHH Gushman&Wakeefíeld, giá trị khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng tại ngày 26/2/2016 được định là 54.000.000 USD

Tuy nhiên, theo kết quả kiểm toán, việc Công ty TNHH Cushman&Wakefield xác định giá trị doanh nghiệp trên cơ sở kết quả thẩm định theo phương pháp so sánh và phương pháp thặng dư, nhưng trong phương pháp so sánh, việc điều chỉnh các yếu tố khác biệt không trên cơ sở chứng cứ thị trường là không đúng hướng dẫn của Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 08 “Cách tiếp cận từ thị trường” ban hành theo Thông tư 126/2015/TT-BTC ngày 20/8/2015.

Vẫn theo kết luận kiểm toán, trong 3 công ty được thuê thẩm định giá, chỉ có Công ty CT Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam là doanh nghiệp có chức năng và đủ điều kiện thẩm định giá được Bộ Tài chính chấp thuận.

Sau phiên đấu giá, Sabeco đã thanh lý toàn bộ cổ phần sở hữu trong Sabeco Pearl cho Attland. Với việc này, Attland đã “hất chân” Sabeco khỏi khu “đất vàng” 2-4-6 Hai Bà Trưng và nắm 49% cổ phần tại Sài Gòn Pearl, 51% còn lại được chia đều cho công ty Hà An và công ty Mê Linh.

Đến tháng 10/2016, Sabeco Pearl đã đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh. Vốn điều lệ được nâng lên gần 1.020 tỷ đồng.

Hiện khu “đất vàng” này sau khi đổi chủ đến nay vẫn là một dự án bỏ hoang.

DiaOcOnline.vn - Theo BizLIVE