Việc Công ty TNHH Hồ Tràm xin xây dựng sân bay chuyên dụng Lộc An đã vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng như các chuyên gia.
Ngày 24-5, Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc phóng vấn ngắn đối với ông Lâm Quý, Phó Tổng giám đốc công ty TNHH Hồ Tràm xung quanh vấn đề dư luận đang quan tâm.
* Lý do chủ yếu để Hồ Tràm xin chủ trương xây dựng sân bay?
- Mục đích của công ty khi đầu tư xây dựng sân bay là để vận chuyển khách cho dự án, để bảo đảm kế hoạch đầu tư như dự tính của công ty. Những nhà đầu tư Mỹ họ có kinh nghiệm nhiều trong lĩnh vực này, họ đi trước chúng ta rất nhiều năm. Khi xây dựng sân bay, Hồ Tràm đánh vào mục tiêu là những vị khách thượng lưu như khách chơi casino, khách chơi golf, khách đến nghỉ dưỡng.
Phía công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc du khách luôn phàn nàn, lo ngại về vấn đề an toàn giao thông khi di chuyển từ sân bay Tân Sơn Nhất về đến Khu du lịch Hồ Tràm. Ngoài vấn đề thời gian khi di chuyển 3 giờ thì họ cảm thấy không an toàn khi chứng kiến những chiếc xe container rất lớn, không tôn trọng luật lệ giao thông. Điều quan trọng nhất chính là việc bảo đảm an toàn cho du khách.
Ông Lâm Quý, Phó TGĐ công ty Hồ Tràm tại cuộc họp với UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu |
*
Vậy nếu xây dựng sân bay, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ có lợi gì?
- Khi xây dựng sân bay, công ty sẽ bảo đảm được quá trình phát triển và sẽ đưa được một lượng khách rất lớn tới với tỉnh. Khi đã tới đây, họ không sử dụng dịch vụ của dự án này thì có thể đi mua sắm, sử dụng dịch vụ tại khu vực trong thời gian lưu trú và sẽ hình thành những khu đô thị tại đây. Tôi nghĩ muốn trở thành đô thị thì phải có người đến nhưng muốn người đến thì giao thông phải thuận lợi.
*
Tại sao phía công ty không chấp thuận việc kết hợp đưa sân bay Lộc An về khu vực Gò Găng để phù hợp với quy hoạch trước đó của tỉnh?
- Gò Găng có nhiều yếu tố không đáp ứng được yêu cầu của công ty; không thể sử dụng các máy bay tầm trung được, đường cất, hạ cánh không bảo đảm vì quy mô sân bay của Gò Găng nhỏ. Vị trí đó không phù hợp với mục tiêu của công ty. Tôi đã thuê các đơn vị tư vấn và đều tham khảo trước rồi.
*
Vị trí xây dựng sân bay mà công ty khảo sát đang vướng quy hoạch khu xử lý rác thải. Vậy công ty có hướng xử lý như thế nào?
- Đối với công ty, dự án đã kéo dài quá lâu rồi, từ ngày có chủ trương của Tỉnh ủy, đến giờ đã gần 2 năm và công ty trải qua quá nhiều phức tạp. Công ty không thể chờ thêm được nữa, nếu thay đổi thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra bởi tôi không thể quyết định được mà mọi vấn đề đều do ông chủ quyết định.
*
Có nhiều lo ngại rằng sau khi đề xuất xây dựng sân bay chuyên dụng, Hồ Tràm sẽ tiến tới xây dựng sân bay lưỡng dụng? Điều đó liệu có đúng?
- Chuyện đó không hề đơn giản, bởi dù là sân bay của mình đi chăng nữa thì vẫn chịu sự quản lý toàn diện của nhà nước chứ không phải mình muốn làm gì thì làm. Và không dễ đâu, vì thành lập cảng hàng không phải có nhu cầu của các hãng, nhu cầu của khách nữa.
*
Cách Hồ Tràm không xa đã có sân bay Tân Sơn Nhất, gần hơn lại có sân bay Long Thành đang xây dựng, Hồ Tràm lại xin chủ trương xây dựng sân bay nữa. Việc có đến 3 sân bay gần nhau, có bảo đảm về an toàn bay?
- Chắc chắn việc bảo đảm an toàn bay là yêu cầu số 1 của Bộ Quốc phòng cũng như Bộ GTVT, Cục Hàng không, Một vị trí họ phải chạy phần mềm mô phỏng bay thì mới có thể quyết định đồng ý hay không. Đấy là điều khó nhất khi xây dựng sân bay. Vị trí ảnh hưởng hướng gió, vật cản 2 đầu, ảnh hưởng các đường hàng không khác, an toàn là cái đầu tiên bắt buộc, không phải mình muốn là được.
*
Dự án sẽ lấy một diện tích lớn đất canh tác, nếu vậy cuộc sống của người dân sẽ ảnh hưởng?
- Một dự án xây dựng sân bay dùng hơn 200 ha đất nói lớn thì không phải lớn. Mình xác định vùng đất này không phải là vùng đất mang lại giá trị sản xuất nông nghiệp lớn cho người dân, còn vấn đề nữa là người dân có đi hay không thì lại thuộc về chính sách giữa nhà nước và công ty; phải có chính sách hỗ trợ tốt cho họ. Khi người dân được thỏa mãn các yêu cầu và cảm thấy có lợi thì họ sẽ nhường lại đất cho mình để làm dự án. Nếu không đền bù thỏa đáng thì sẽ rất khó khăn.
Bất chấp vị trí không phù hợp vẫn quyết tâm làm
Cùng ngày, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc họp với Công ty TNHH Hồ Tràm để thống nhất lại vị trí xây dựng sân bay. Quan điểm của lãnh đạo tỉnhBà Rịa-Vũng Tàu vẫn thống nhất việc chấp thuận chủ trương, tuy nhiên, vị trí mà công ty khảo sát hiện đang vướng phải quy hoạch khu xử lý chất thải tại huyện Đất Đỏ.
Vị trí khu xử lý rác nơi xa nhất chỉ cách khu vực khảo sát xây sân bay 350 m |
Vị trí khu xử lý rác cách khu vực sân bay nơi gần nhất là 190 m, xa nhất là 350m. Với khoảng cách này thì việc xây dựng sân bay sẽ không đáp ứng được tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng đưa ra khi yêu cầu khu vực xây dựng sân bay phải cách khu chôn lấp chất thải trên 1 km. Vì vậy lãnh đạo tỉnh yêu cầu phía công ty nên chọn vị trí khác.
Tuy nhiên, phía công ty Hồ Tràm không đồng ý tìm địa điểm mới, bởi mỗi lần khảo sát vị trí mất nhiều thời gian, điều quan trọng hơn cơ hội để đầu tư của công ty không còn nữa. Thời gian chờ đợi, thời gian giải ngân của công ty đã bị chậm trễ, phía công ty mẹ không còn đủ kiên nhẫn để chờ thêm. Công ty cam kết sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm sau này và không khiếu nại nếu có vấn đề phát sinh từ khu xử lý rác, công ty mong muốn vẫn được tiến hành trên diện tích đã khảo sát.
Chưa đồng thuận, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết sẽ có văn bản xin ý kiến của Bộ Xây dựng về nội dung này.
DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: