Top

Vụ bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm: Người trong cuộc nói gì?

Cập nhật 05/05/2018 08:48

Nguyên giám đốc Sở QHKT cho hay theo văn bản quy hoạch chung năm 1996 của khu đô thị Thủ Thiêm là có bản đồ nhưng khi Sở và TP lục tìm thì không nơi nào có.

Liên quan đến việc thất lạc bản đồ gốc về quy hoạch khu đô thị (KĐT) Thủ Thiêm, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 4-5, cựu Giám đốc Sở QHKT TP.HCM Trần Chí Dũng cho biết: “Nếu theo văn bản của quy hoạch chung KĐT Thủ Thiêm năm 1996 thì có bản đồ. Thế nhưng cả chục năm qua, chúng tôi cũng đã tìm nhiều lần nhưng không có, không biết tại sao”.

Bản đồ quy hoạch gốc “bặt vô âm tín”

Theo ông Dũng, khi lập quy hoạch thì phải có bản đồ để thể hiện quy hoạch. Điển hình như quy hoạch chung của TP năm 1998 do Thủ tướng phê duyệt (để điều chỉnh quy hoạch lần đầu năm 1993) thì “hệ thống có cả mấy chục bản đồ đi theo” - ông Dũng cho biết.

“Vậy tại sao quy hoạch KĐT Thủ Thiêm cũng do Thủ tướng phê duyệt lại không thấy (hoặc thất lạc) bản đồ?”. Trả lời câu hỏi này, ông Dũng cho hay chiếu theo văn bản của quy hoạch Thủ Thiêm vào năm 1996 thì có bản đồ. “Tuy nhiên, từ đó đến sau này chúng tôi không thấy bản đồ này và Sở đã nhiều lần báo cáo về việc này” - ông Dũng cho hay.

Ông Dũng cho biết đơn vị tư vấn lập quy hoạch chung năm 1996 của KĐT Thủ Thiêm là Viện Quy hoạch TP (nay đã sáp nhập vào Viện Nghiên cứu phát triển). Theo ông Dũng, trong khoảng thời gian ông còn đang giữ nhiệm vụ tại Sở QHKT, trước khiếu nại của người dân về tình hình thu hồi đất ở Thủ Thiêm, TP từng có chỉ đạo lục tìm bản đồ quy hoạch này.

“Sở đã nhiều lần lục tìm nhưng tài liệu lưu trữ đều không thấy. TP cũng hy vọng là Bộ Xây dựng sẽ có hoặc Văn phòng Chính phủ có lưu giữ, thế nhưng các nơi này cũng cho hay không có bản đồ quy hoạch năm 1996 của KĐT Thủ Thiêm” - ông thông tin.

Khi hỏi nếu không có bản đồ thì có thể dựa vào phần thuyết minh để xác định ranh thu hồi đất hay không, ông Dũng nói cũng có thể hình dung được, tuy nhiên không thể cụ thể như bản đồ. Ông Dũng cho rằng có khả năng tại thời điểm lập quy hoạch, do dự án KĐT Thủ Thiêm là dự án lớn đầu tiên nên việc lập bản đồ không được hoàn chỉnh mà chỉ phác họa rồi đến các quy hoạch sau đó mới hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, kể cả bản vẽ phác họa hay vẽ tay (nếu có khả năng này) ông Dũng cho hay trong kho lưu trữ của Sở QHKT và các cơ quan liên quan cũng không thấy có.

Một góc của khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện nay. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Quy hoạch Thủ Thiêm 1996 được điều chỉnh thế nào?

Theo thông tin chúng tôi thu thập được, năm 1996, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung KĐT Thủ Thiêm theo Quyết định 367 ngày 4-6-1996. Khi đó, quy mô lập diện tích quy hoạch là 930 ha, trong đó 770 ha dành cho KĐT mới, còn lại 160 ha để tái định cư.

Năm 2002, Thủ tướng có Công văn 190/CP-NN cho phép TP.HCM thực hiện thu hồi đất theo Quyết định 367 trên đây để thực hiện việc xây dựng KĐT Thủ Thiêm.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Văn bản số 1642 ngày 24-11-2003, UBND TP.HCM đã tổ chức lập và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm.

Đến năm 2005, quy hoạch KĐT Thủ Thiêm được điều chỉnh bằng Quyết định 6565 ngày 27-12-2005 của UBND TP. Quyết định này do phó chủ tịch UBND TP.HCM lúc đó là ông Nguyễn Văn Đua ký thay chủ tịch UBND TP. Theo quy hoạch này, KĐT Thủ Thiêm có diện tích quy mô khu trung tâm là 737 ha, trong đó KĐT phát triển mới là 657 ha, KĐT chỉnh trang là 80 ha.

Theo nội dung Quyết định 6565 lưu ở thuvienphapluat.vn, Điều 2 của quyết định này nêu rõ: “Quyết định này thay thế Quyết định số 367 ngày 4-6-1996 của Thủ tướng Chính phủ”.

Vấn đề đặt ra là tại sao UBND TP.HCM có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch do Thủ tướng phê duyệt? Ông Trần Chí Dũng cho hay từ năm 2003 TP.HCM đã xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch KĐT Thủ Thiêm. Thực hiện chỉ đạo tại Văn bản số 1642 của Thủ tướng, TP.HCM đã tổ chức thi tuyển quốc tế về thiết kế và được đồng ý. Đến năm 2005 thì TP phê duyệt quy hoạch chung của KĐT Thủ Thiêm.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Đua (người đã ký Quyết định 6565 thời điểm năm 2005 với tư cách là phó chủ tịch UBND TP) cho hay việc lập phê duyệt quy hoạch này không phải là của cá nhân mà “làm việc tập thể, qua tổ chức bộ máy và dựa trên các cơ sở quy định pháp luật”. Ông Đua đề nghị tìm hiểu thông tin này tại các cơ quan chức năng hiện tại, cụ thể là UBND TP hiện nay.

Theo thông tin từ cựu Giám đốc Sở QHKT TP Trần Chí Dũng, quy hoạch chung của KĐT Thủ Thiêm năm 2005 do UBND TP.HCM duyệt dựa trên cơ sở thẩm định của Sở QHKT TP. “Có thể đến Sở QHKT hoặc UBND TP để tìm hiểu thông tin về cơ sở điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh những nội dung gì” - ông Dũng cho hay.

Nguyên kiến trúc sư trưởng TP: “Phải có bản đồ quy hoạch”

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ngày 4-5, ông Lê Văn Năm, nguyên là kiến trúc sư trưởng TP giai đoạn 1996-2001, xác nhận ông là người chủ trì thực hiện việc lập đồ án quy hoạch KĐT Thủ Thiêm tỉ lệ 1/5.000.

Ông Năm khẳng định: “Nguyên tắc là khi trình đồ án ra Chính phủ phê duyệt thì đều bắt buộc phải có văn bản kèm theo bản đồ quy hoạch minh họa. Đó là quy định về thủ tục và thời điểm đó chúng tôi làm đồ án quy hoạch KĐT Thủ Thiêm cũng tuân thủ đúng theo quy định này”.

Về đường đi của hồ sơ đồ án quy hoạch, ông Năm cho biết sau khi nhận được dự thảo quy hoạch, Văn phòng Chính phủ rà soát các mặt chuyên môn, thủ tục và lấy ý kiến Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành có liên quan. Sau khi đã có ý kiến thẩm định của các bộ thì Thủ tướng mới ký Quyết định 367 (ngày 4-6-1996 - PV) phê duyệt đồ án.

TP.HCM cũng sẽ được gửi một bản chính về quyết định phê duyệt quy hoạch này kèm theo các hồ sơ quy hoạch, trong đó bản đồ quy hoạch là một yếu tố không tách rời bộ hồ sơ này.

Theo ông Năm, sau khi quy hoạch Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì “bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/5.000 chính là ý tứ của quy hoạch chung để tổ chức không gian đô thị cho KĐT Thủ Thiêm”. Từ cơ sở đó, TP.HCM đã tiến hành lập quy hoạch tỉ lệ 1/2.000 để cụ thể hóa toàn bộ quy hoạch và làm cơ sở để giao đất cho các doanh nghiệp tiến hành lập quy hoạch 1/500 để triển khai dự án.


DiaOcOnline.vn - Theo PLO