“Vốn pháp định đối với doanh nghiệp bất động sản phải quy định rõ ràng, không chỉ để chung chung ở mức 50 tỷ đồng, sẽ dẫn tới tình trạng tay không bắt giặc, hoặc đầu tư tràn lan”.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản cần đến hàng nghìn tỷ đồng để triển khai dự án nên mức vốn pháp định 50 tỷ đồng nhiều khi cũng chỉ là "tượng trưng". |
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí toàn cầu (GP Invest) và một số đại diện doanh nghiệp, chuyên gia khác, tại buổi lấy ý kiến cho dự thảo nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư kinh doanh bất động sản, do Bộ Xây dựng và VCCI tổ chức ngày 12/3.
Một trong những nội dung được nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp thảo luận và cho ý kiến là việc quy định “vốn pháp định của doanh nghiệp bất động sản ở mức 50 tỷ đồng”.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, dự thảo cần phân định rõ doanh nghiệp đầu tư dự án bất động sản với doanh nghiệp chỉ kinh doanh dịch vụ bất động sản, để từ đó phân định từng mức vốn cụ thể, không nên đánh đồng mọi doanh nghiệp đều là “doanh nghiệp bất động sản”.
Đối với chủ đầu tư bất động sản cần quy định vốn tối thiểu không được dưới 20% tổng vốn đầu tư toàn dự án.
Còn nếu quy định mức 50 hay 60 tỷ đồng, như vậy có doanh nghiệp có khoảng 200 tỷ đồng, họ đảm bảo đáp ứng quy định của luật, nhưng lại đầu tư cùng lúc 2 - 3 dự án thì cũng khó mà đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ, rốt cục khiến khách hàng bị thua thiệt.
Cùng quan điểm, ông Phan Vũ Anh, Trưởng phòng Pháp chế Tổng công ty Lương thực Miền Bắc - đơn vị đang triển khai một số dự án bất động sản, cho rằng mức vốn 50 tỷ đồng không có cơ sở. Vì theo ông, trên thực tế, có những dự án “nhạy cảm”, bằng cách này cách khác hoặc do các mối quan hệ mà cơ quan cấp phép vẫn phải chấp thuận dự án, trong khi vốn của chủ đầu tư chưa hẳn đã đáp ứng.
Còn theo bà Phan Hải Anh, Phó giám đốc Sàn bất động sản Vingroup, vốn pháp định của doanh nghiệp bất động sản 50 tỷ đồng không phải đã đúng cho mọi dự án. Bởi, có những dự án lớn, ở các thành phố như Hà Nội, Tp.HCM… thì vốn 50 tỷ không có ý nghĩa gì, trong khi có những doanh nghiệp ở tỉnh lẻ, vùng xa xôi thì dự án của họ nhỏ, 50 tỷ đồng cũng là cả một vấn đề.
“Như tập đoàn Vingroup chúng tôi thì vốn 50 tỷ đồng không có nghĩa lý gì, do đó nội dung này nên để cho Luật Đầu tư quyết định và nên theo quy định cũ là không được giới 20% vốn đầu tư của dự án”, bà Anh kiến nghị.
Tuy nhiên, theo bà Anh, việc đăng ký vốn pháp định là một phần nội dung đăng ký kinh doanh thực hiện tại cơ quan đăng ký kinh doanh nên nếu có nhiều mức vốn pháp định như trong dự thảo sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật của cơ quan đăng ký kinh doanh.
Bình luận về nội dung gây tranh cãi này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, nói vốn pháp định từ trước đến nay được giải thích trong các đạo luật là mức vốn tối thiểu phải có để thành lập doanh nghiệp.
Mặc dù Luật Kinh doanh bất động sản quy định doanh nghiệp có “vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng”, thì cũng không thể hiểu là ngoài mức 20 tỷ đồng, sẽ còn mức vốn pháp định khác cao hơn 20 tỷ đồng.
Còn về các trường hợp không cần phải có vốn pháp định của dự thảo, bao gồm tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên thì không yêu cầu phải thành lập doanh nghiệp và có vốn pháp định; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập cũng không yêu cầu phải có vốn pháp định.
Luật sư Đức cho rằng, trường hợp doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản mà không cần quy định vốn pháp định là trái luật. Vì, Luật Kinh doanh bất động sản nêu rõ: “Kinh doanh bất động sản là việc đầu tư vốn để thực hiện hoạt động xây dựng, mua, nhận chuyển nhượng để bán, chuyển nhượng; cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản; thực hiện dịch vụ môi giới bất động sản; dịch vụ sàn giao dịch bất động sản; dịch vụ tư vấn bất động sản hoặc quản lý bất động sản nhằm mục đích sinh lợi”.
Như vậy, thì “kinh doanh dịch vụ bất động sản” và “kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản” cũng là hoạt động “kinh doanh bất động sản” và không thuộc trường hợp không cần có vốn pháp định.
Trong toàn bộ Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 cũng không có điều khoản nào quy định dịch vụ “kinh doanh dịch vụ bất động sản” và “kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản” không cần vốn pháp định.
Tuy nhiên chuyên gia này cho rằng, yêu cầu vốn pháp định 20 tỷ đồng đối với các dịch vụ này là vô lý, nhưng muốn thay đổi thì buộc phải sửa Luật Kinh doanh bất động sản, cho dù, nó vừa mới được thông qua và chưa có hiệu lực.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: