Top

Vì sao nhiều dự án phải “treo” ?

Cập nhật 29/03/2008 13:00

Dự án đường 2,5 từ khu đô thị mới Định Công ra quốc lộ 1A, dự án khu nhà ở di dân GPMB Kim Liên - La Thành, dự án cải tạo hạ tầng kỹ thuật hồ Ba Mẫu, hồ Kim Liên, nút giao thông Cầu Tiên... những dự án này đều có “thâm niên” hàng chục năm, nhưng đến nay nhiều hạng mục vẫn chưa được “khởi động”, ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như tâm lý người dân khu vực. Trong quá trình tìm hiểu thông tin để viết loạt bài này, chúng tôi đã ghi nhận một số ý kiến của cán bộ có trách nhiệm tại một số cơ quan, đơn vị, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

*Một cán bộ Ban quản lý dự án Giao thông đô thị - Sở Giao thông công chính: Có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dự án “treo”. Thứ nhất là tiến độ xây dựng các khu nhà tái định cư (TĐC) chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra, đặc biệt là giai đoạn 2000-2005.

Bên cạnh đó lối sống quần cư, buôn bán nhỏ lẻ của đại bộ phận người dân cũng gây không ít khó khăn cho việc bố trí sắp xếp nhà TĐC. Thứ hai là những thay đổi liên tục trong cơ chế chính sách, dẫn đến sự khác biệt giữa người nhận đền bù năm trước, năm sau trên cùng một dự án. Chính sách mới khiến người dân chưa thông hiểu, gây thắc mắc khiếu kiện. Thứ ba, việc xác định, bàn giao chỉ giới quy hoạch của một số dự án chậm hơn tiến độ được giao.

Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác liên quan đến thủ tục hành chính trong việc lên phương án đền bù, công tác xác nhận nguồn gốc sử dụng đất gặp khó khăn vì tồn tại lịch sử, nhiều dự án đang thực hiện thì phải dừng lại để thanh tra vì có khiếu kiện, giá vật liệu xây dựng tăng nhanh chỉ trong thời gian ngắn...

*Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Chủ tịch Hội đồng hỗ trợ bồi thường TĐC quận Đống Đa: Trong công tác GPMB, việc áp khung giá đền bù là vấn đề “nhạy cảm”, dễ phát sinh khiếu kiện. Cấp có thẩm quyền nên xem xét có thể xác định hệ số khu vực tại mỗi quận, huyện để điều chỉnh khung giá đất áp cho từng dự án, tháo gỡ một phần kiến nghị của người dân.

Bên cạnh đó, cần xem xét linh hoạt hơn việc bán nhà TĐC, căn cứ vào nhu cầu của hộ thuộc diện GPMB mà có thể trả tiền để người dân tự lo nhà TĐC, không nhất thiết hộ nào cũng phải mua nhà TĐC do các đơn vị được thành phố giao xây dựng, góp phần giảm bớt gánh nặng cho quỹ nhà TĐC của thành phố. Chất lượng nhà TĐC, các công trình phụ trợ như trường học, bệnh viện, siêu thị, chợ... tại nơi TĐC cũng là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến công tác GPMB.

*Ông Bùi Minh Hoàng - Chủ tịch UBND phường Phương Liên quận Đống Đa: Trên địa bàn phường hiện có đến 7 dự án, trong đó số dân sống trong vùng “quy hoạch treo” chiếm tỉ lệ không nhỏ. Hiện nhiều hộ dân trong số này có nhu cầu sửa chữa, cải tạo nhà cửa nhưng không được cấp phép, lời giải thích duy nhất là vì đất đã nằm trong quy hoạch.

Sửa chữa nhà xuống cấp là nhu cầu chính đáng của người dân, một số người “cực chẳng đã” đành làm liều, buộc chính quyền địa phương phải lập biên bản, ra quyết định xử phạt, yêu cầu khôi phục nguyên trạng. Nhưng chính quyền có căng hết lực lượng ra “trăm tay nghìn mắt” cũng không đủ để quản lý hiệu quả khi người dân cố tình vi phạm, cấm ban ngày họ làm ban đêm, làm vào ngày lễ, ngày nghỉ.

Việc này khiến chính quyền địa phương phải chịu nhiều áp lực trong khi trên địa bàn thành phố lại để tồn tại những khu dân cư cũ nát, lụp xụp, đi ngược lại với xu thế phát triển, cải thiện nơi ở của người dân. Đề nghị thành phố sớm rà soát, có biện pháp tháo gỡ, hoặc là thu hồi quyết định hoặc triển khai ngay những dự án đã bị “treo” quá lâu trên địa bàn Thủ đô hoặc có quy định cụ thể tạo điều kiện cho người dân những khu vực này được cải tạo nhà xuống cấp trong khi đợi dự án triển khai...

Theo Hà Nội Mới