Top

Vì sao dân đồng tình nhưng vẫn chậm di dời?

Cập nhật 22/12/2008 10:16

Dự án cải tạo nhà chung cư nguy hiểm I1, I2, I3 Thành Công 2, phường Láng Hạ, quận Đống Đa thu hút sự quan tâm của dư luận trong những ngày qua.

Chính quyền các cấp cũng như các cơ quan hữu quan đều đã làm hết sức mình để di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, ổn định nơi ăn chốn ở cho dân. Đa số người dân đồng tình với chủ trương phá bỏ nhà cũ, xây nhà mới. Thế nhưng đã một tháng trôi qua kể từ khi có quyết định của thành phố về việc này, vẫn còn hàng chục hộ kiên quyết "cố thủ"…

Các nhà I1, I2, I3 là nhà 4 tầng, được xây dựng từ những năm 1980, khi chưa hoàn thiện đã có những biểu hiện lún nghiêng. Qua quá trình sử dụng, đến nay cả ba tòa nhà đều đã xuống cấp nghiêm trọng, được thành phố liệt vào diện nhà nguy hiểm (ảnh). Từ năm 2003, dự án cải tạo 3 chung cư này đã được thành phố giao cho Công ty Điện tử Hà Nội làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau 3 năm dự án vẫn chưa được khởi động nên tháng 11-2006, chủ đầu tư lại được chuyển giao cho Công ty CP Địa ốc Sông Hồng - Tổng Công ty Sông Hồng. Đến nay, Công ty đã xây dựng xong cơ chế GPMB, tạm cư, tái định cư, hỗ trợ đền bù và huy động đủ nguồn vốn thực hiện dự án.

Trận mưa ngập lịch sử cuối tháng 10-2008 trên địa bàn TP đã ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân cũng như độ an toàn của các tòa nhà, đặc biệt là những nhà chung cư cũ. Thực hiện chỉ đạo của thành phố, ngày 10 và 11-11-2008, UBND quận Đống Đa đã tổ chức đoàn khảo sát liên ngành với sự tham gia của Sở Xây dựng và Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng nhà I1, I2, I3 Thành Công 2. Kết luận của đoàn là nhà I2, I3 trong tình trạng nguy hiểm, phải phá dỡ, đồng thời di chuyển người và tài sản ra khỏi công trình.

Ngày 20-11-2008, UBND TP có Quyết định số 2169/QĐ-UBND đồng tình với kết luận trên, yêu cầu chính quyền quận Đống Đa và các cơ quan hữu quan tổ chức di dời các hộ gia đình đang sinh sống trong nhà chung cư nguy hiểm I1, I2, I3 bảo đảm tuyệt đối an toàn, đúng pháp luật, lập phương án để tổ chức phá dỡ ngay...

Hầu hết những người dân khi tiếp xúc với chúng tôi đều đồng tình với chủ trương cải tạo nhà chung cư cũ của TP nhưng còn băn khoăn về quyền được mua nhà theo NĐ 61/CP. Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2005 UBND TP đã có quyết định dừng việc bán nhà theo NĐ 61/CP cho các hộ dân ba khu nhà nguy hiểm trên vì thuộc dự án xây dựng lại theo quy hoạch được duyệt. Thế nhưng không hiểu sao, hơn 20 hộ dân trong khu nhà này lại đã được cấp "sổ đỏ" (?). Và cho đến tận ngày 23-11-2007, Xí nghiệp quản lý và phát triển nhà số 2 - Công ty QL&PTN Hà Nội vẫn gửi thông báo đến các hộ dân bảng kê chi tiết giá tiền mua nhà theo NĐ 61. Thế rồi sau đó mọi việc đột nhiên dừng lại khiến không ít người ngơ ngác.

Từ những điều khó hiểu trên, người dân khu vực cho rằng việc bán nhà theo NĐ 61 tại 3 chung cư I1, I2, I3 là không công bằng. Nay phải di chuyển ra khỏi nhà khi chưa có "sổ đỏ" thì sau này quyền lợi của họ sẽ được bảo đảm đến đâu? Vì vậy nguyện vọng của người dân là được nộp tiền để chứng tỏ mình đã hoàn tất việc mua nhà và sẽ nhận "sổ đỏ" khi tái định cư cùng với căn hộ mới.

Trao đổi với ông Trần Việt Trung - Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa, chúng tôi được biết, tính đến ngày 19-12-2008 mới chỉ có 23/66 hộ dân nhà I2, I3 nhận tiền hỗ trợ và di dời; 3 hộ không nhận thông báo. Cũng trong ngày này, chính quyền quận đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng cắt điện, nước cung cấp cho hai nhà I2, I3. Ông Trung cũng khẳng định, việc cần làm ngay lúc này là nhanh chóng di dời các hộ còn lại để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, nếu cần thiết có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế. Đây là việc không thể chậm trễ vì nếu xảy ra sự cố thì hậu quả sẽ rất nặng nề.

Trong khi đó, đại diện cho người dân nhà I3, ông Phạm Văn Nhuận ở phòng 106 cho biết: "Cho đến nay chính quyền quận cũng như cơ quan chức năng vẫn chưa có bất kỳ một văn bản nào cam kết việc người dân được hưởng chính sách mua nhà theo NĐ 61 nên hơn hai mươi hộ vẫn phản đối việc di dời. Chúng tôi không đòi hỏi phải có ngay sổ đỏ như một số gia đình khác nhưng chúng tôi cần được hoàn tất thủ tục mua nhà trước khi ra khỏi nhà để được bảo đảm quyền lợi khi quay về".

Thiết nghĩ, cải tạo chung cư cũ là một chủ trương lớn của thành phố, mang tính xã hội lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân nên quá trình thực hiện cần bảo đảm công khai, minh bạch và công bằng. Trong việc cải tạo 3 chung cư nguy hiểm ở Thành Công 2, để giải tỏa những lo lắng của người dân, chính quyền quận Đống Đa và các cơ quan chức năng cần nhanh chóng tìm một lối ra cho câu chuyện "sổ đỏ". Giải pháp đã được thống nhất thực hiện sau khi tái định cư, hà cớ gì các cơ quan hữu quan lại "hà tiện" không ra văn bản chính thức cho người dân yên tâm.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới