Top

Vì sao đặc khu tại Việt Nam được cho thuê đất đến 99 năm?

Cập nhật 27/11/2017 14:35

Lẽ ra, băn khoăn này đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải đáp khi ông giải trình dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trước Quốc hội hôm 22/11.

Một góc Vân Đồn (Quảng Ninh). Chính phủ đã đề nghị Quốc hội xác định chính quyền địa phương tại 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc không phải là một cấp chính quyền địa phương, và ưu tiên lựa chọn phương án chính quyền địa phương gồm: thiết chế trưởng đơn vị hàn chính - kinh tế đặc biệt, các cơ quan chuyên môn trực thuộc và trưởng khu hành chính - Ảnh Zing.

Nhưng hôm đó, ông Dũng vừa nói đến thời hạn cho thuê đất thì chủ toạ nhắc: hết thời gian phát biểu.

Vì thế sau đó, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội một văn bản làm rõ thêm một số nội dung trong dự thảo luật được nhiều vị quan tâm, trong đó có thời hạn cho thuê đất.

Chỉ áp dụng với dự án ưu tiên

Trong các phiên thảo luận, một số vị đại biểu đặt vấn đề về ảnh hưởng của thời hạn thuê đất đến 99 năm và cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền chuyển nhượng, sở hữu nhà ở đối với vấn đề quốc phòng, an ninh.

Về thời hạn cho thuê đất, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình, theo Luật Đất đai hiện hành, thời hạn sử dụng đất tối đa đối với đất sản xuất trong khu kinh tế đã là 70 năm.

"Quy định cho thuê đất tối đa 99 năm tại dự thảo luật chỉ áp dụng đối với một số dự án thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển trong đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định", ông Dũng giải thích.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng dự thảo luật quy định không cho thuê đất tại các khu vực quy hoạch là khu vực quốc phòng, an ninh.

Ngoài ra, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Thái Lan cho phép thời hạn sử dụng đất 50 năm và có thể gia hạn thêm 50 năm.

Singapore cho phép người nước ngoài sở hữu nhà gắn liền với đất với thời hạn 99 năm. Còn đảo British Virgin Islands cho phép quyền sử dụng đất tới 99 năm và sở hữu đất tư nhân.

Liên quan đến quyền sở hữu nhà, Bộ trưởng cho hay, dự thảo luật chỉ bổ sung hai nội dung mới so với Luật Nhà ở hiện hành.

Thứ nhất là cho phép cá nhân nước ngoài được phép sở hữu nhà ở thông qua nhận chuyển nhượng trực tiếp từ tổ chức, cá nhân trong nước.

Thứ hai là cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua, cho thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu nhà ở thương mại trong dự án bất động sản nghỉ dưỡng.

Bộ trưởng khẳng định, để đảm bảo quốc phòng, an ninh, điều kiện để tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở và tỷ lệ sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được giữ nguyên như quy định tại Luật Nhà ở.

Cụ thể, người nước ngoài chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ tại một chung cư hoặc nếu là nhà ở liền kề  thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị cấp phường thì không quá 250 căn nhà.

Khó nhất là chuyện chính quyền đặc khu

Trực tiếp lắng nghe Quốc hội thảo luận, Bộ trưởng nhận xét, chính quyền địa phương đơn vị hành chính - kinh tế là một trong những vấn đề quan trọng nhất, khó nhất và được các vị đại biểu Quốc hội quan tâm nhiều nhất.

Chính phủ đề xuất hai phương án. Phương án một: chính quyền địa phương đặc khu là thiết chế trưởng đặc khu cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc và trưởng khu hành chính (không tổ chức hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân).

Phương án hai: tổ chức một cấp chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt gồm có hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân.

Nhưng phương án một, theo một số vị đại biểu là không phù hợp với Hiến pháp.

Song, Bộ trưởng Dũng khẳng định: "Căn cứ vào tinh thần và lời văn trong các quy định của Hiến pháp, có thể khẳng định cả hai phương án đều phù hợp với Hiến pháp".

Ông lập luận: Hiến pháp quy định chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính (khoản 1 điều 111). Cấp chính quyền địa phương (gồm có hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân) được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định (khoản 2 điều 111).

Như vậy, Hiến pháp không quy định chính quyền địa phương ở tất cả các đơn vị hành chính, trong đó có đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt đều được tổ chức thành cấp chính quyền địa phương, tức là đều phải có hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân.

"Quy định của Hiến pháp về chính quyền địa phương được thiết kế theo hướng mở, tạo không gian cải cách, đổi mới tổ chức chính quyền địa phương, đáp ứng yêu cầu của phát triển của đất nước", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông Dũng lý giải, nếu chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được xác định là cấp chính quyền địa phương thì tổ chức chính quyền địa phương ở đó phải có hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm của đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Trường hợp chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không được xác định là cấp chính quyền địa phương thì chính quyền địa phương ở đó có thể được tổ chức khác với chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được xác định là cấp chính quyền địa phương.

"Kết luận số 21-TB/TW của Bộ Chính trị cũng đã xác định cơ cấu, mô hình tổ chức chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt quy định", Bộ trưởng nói thêm.

Lý do nên chọn phương án một

Chính phủ đã đề nghị Quốc hội xác định chính quyền địa phương tại 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc không phải là một cấp chính quyền địa phương, và ưu tiên lựa chọn phương án chính quyền địa phương gồm: thiết chế trưởng đơn vị hàn chính - kinh tế đặc biệt, các cơ quan chuyên môn trực thuộc và trưởng khu hành chính.

Lý do Chính phủ ưu tiên chọn phương án này cũng được Bộ trưởng Dũng nêu rõ.

Đó là, phù hợp với quy định của Hiến pháp về chính quyền địa phương (khoản 1 điều 111) và nguyên tắc nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước không chỉ thông qua Quốc hội và hội đồng nhân dân, mà còn thông qua các cơ quan khác của Nhà nước (điều 6).

Phương án này tạo sự đột phá về thể chế hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; đổi mới cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của chính quyền địa phương đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Lý do tiếp theo là bảo đảm tổ chức bộ máy và nhân sự tinh gọn, nhanh nhạy, hiệu lực, hiệu quả; làm rõ và đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; bảo đảm sự giám sát của các chủ thể có liên quan; phù hợp với yêu cầu đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Lý do cuối cùng: chính quyền địa phương đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là sự thử nghiệm đổi mới bộ máy Nhà nước theo nghị quyết số 11-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy