Trong tổng số gần 230.000 tỉ đồng để xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông thì vốn ngân sách Nhà nước chiếm 40,7%, nếu đầu tư theo phương án 1 trong đề án mà Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ xem xét.
Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây - Ảnh: Anh Quân
|
Theo đề án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông mới được Bộ GTVT trình Chính phủ, tuyến đường này dài 1.372 km, đi qua 20 tỉnh, thành.
Bộ GTVT đã trình 3 phương án phân kỳ đầu tư tuyến cao tốc chạy dọc từ Bắc vào Nam.
Phương án 1, đầu tư quy mô tối thiểu 4 làn xe và giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh để mở rộng về sau. Phương án 2, đầu tư tối thiểu 4 làn xe và chỉ giải phóng mặt bằng một phần. Phương án 3, đầu tư theo quy mô hoàn chỉnh theo quy hoạch.
Tính toán của Bộ GTVT cho thấy, đầu tư theo phương án 1 có chi phí thấp hơn so với phương án 3 khoảng 55.000 tỉ đồng. Ưu điểm của phương án 1 là đáp ứng được nhu cầu vận tải trong thời gian đến năm 2030, đồng thời thuận lợi cho công tác quản lý quỹ đất và giảm được chi phí giải phóng mặt bằng sau này so với phương án 2.
Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn hiện nay, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ đầu tư các dự án theo quy mô phương án 1 để đảm bảo phù hợp về nhu cầu vận tải và nguồn vốn. Trong đó, các đoạn có dự báo nhu cầu vận tải đến năm 2030 trên 30.000-35.000 xe/ngày đêm sẽ đầu tư với quy mô cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, nền đường rộng tối thiểu 22 mét; các đoạn có nhu cầu vận tải thấp hơn sẽ đầu tư 4 làn xe hạn chế với nền đường rộng 17 mét.
Với phương án 1, Bộ GTVT dự kiến kinh phí đầu tư khoảng 229.829 tỉ đồng, nhà đầu tư huy động 136.286 tỉ đồng và đề nghị Chính phủ, Quốc hội bố trí vốn trái phiếu Chính phủ 93.534 tỉ đồng (chiếm tỷ lệ 40,7%).
Trước băn khoăn của dư luận về phương án tài chính, trong buổi tọa đàm xung quanh việc xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam do báo Giao thông tổ chức hôm qua 25-10, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, trong số 230.000 tỉ đồng đầu tư cho cao tốc Bắc - Nam phía Đông, ngân sách Nhà nước cho dự án này rất hạn chế do nợ công của Việt Nam đã cao.
Nếu như các dự án cao tốc trước đây vốn Nhà nước chiếm 52,8 % thì nay Nhà nước chỉ chi cho dự án cao tốc Bắc-Nam 40,7% .
Ông Nhật cho rằng, cần phải đưa ra lộ trình đầu tư phù hợp với nguồn lực của quốc gia để bảo đảm tính khả thi của dự án. Để có vốn đầu tư tuyến cao tốc này, sắp tới Bộ GTVT sẽ chuyển các ban quản lý dự án thành các tổng công ty để thu hút nguồn vốn đầu tư. Mô hình hoạt động của các tổng công ty sẽ tương tự như mô hình của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam.
Một phương án nữa cũng được Bộ GTVT tính tới là huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, vì hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài thường có những yêu cầu về bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh tỷ giá, bảo lãnh nguồn vay, những điều này rất khó được Chính phủ chấp thuận.
Trước đó, hồi đầu tháng 3-2016, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo bản quy hoạch này, đến năm 2030 Việt Nam sẽ có 6.411 km đường cao tốc.
Theo đó, sẽ hình thành hai tuyến cao tốc Bắc – Nam với tổng chiều dài khoảng 3.083 km. Trong đó, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tổng chiều dài 1.814 km; tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây tổng chiều dài là 1.269 km.
Tại khu vực phía Bắc sẽ có 14 tuyến cao tốc kết nối từ các tỉnh về Thủ đô Hà Nội, với tổng chiều dài 1.368 km. Khu vực miền Trung và Tây Nguyên có ba tuyến với tổng chiều dài 264 km. Còn khu vực phía Nam gồm bảy tuyến với tổng chiều dài 983 km.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: