Từ rất lâu, thị trường BĐS đã mặc nhiên thừa nhận sự đa dạng về các thông số báo cáo (từ cơ quan quản lý lẫn nhà tư vấn trong, ngoài nước) qua từng tháng, từng quý hoặc hàng năm. Trong mạch chảy hình thành KĐTM, quần thể chung cư, ngày càng nhiều phong cách ngoại quốc được du nhập vào Việt Nam – từ kiến trúc, chất lượng tới quản lý dịch vụ…
Trở lại quãng thời gian 2005-2010, đô thị Hà Nội chỉ ghi nhận số ít các KĐTM được xây dựng bởi các thương hiệu mạnh trong làng địa ốc. Điển hình là Trung Hòa – Nhân Chính (do Vinaconex làm chủ đầu tư) hay Linh Đàm (do Tập đoàn HUD phát triển, xây dựng, quản lý). Mới hơn, lượng KĐT được DN nội tạo lập được bổ sung thêm các trường hợp như Simco Mỹ Đình Sông Đà, Lideco, Hapulico Complex…
Muôn kiểu kiến trúc ngoại lai
Hai năm qua, khi thanh khoản thị trường dần hồi phục cùng hàng loạt các yếu tố như chính sách tín dụng, quản lý BĐS được bổ sung, hoàn thiện tích cực, lượng dự án nhà ở thương mại đã gia tăng đột biến so với thời điểm trầm lắng trước đó.
Đồng thời, qua các concept (tinh thần) sản phẩm được giới thiệu rầm rộ, rất nhiều bộ tiêu chuẩn ngoại đang “chảy” vào mạch phát triển KĐT tại những địa bàn phát triển mạnh về địa ốc như Hà Nội hay Tp.HCM.
Có thời điểm, giới đầu tư nhà đất Hà Nội sốt xình xịch bởi dự án Muberry Lane (Hà Đông). Với quảng bá “phong cách Singapore”, tổ hợp KĐT này từng rơi vào tình trạng “cháy hàng”, “bán chênh” cao nhất nhì thị trường nhà ở giai đoạn 2013-2014.
Tới đầu 2016, vẫn là phong cách thiết kế, kiến trúc tới từ đảo quốc Sư tử, tổ hợp Seasons Avenue (đối diện Muberry Lane) được PR dồn dập như một lựa chọn không thể từ chối.
Những “thượng đế” tại Mulberry Lane từng “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
|
Trước đó, phải nhắc tới điển hình Mandarin Garden (khu Đông Nam Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy) của Hòa Phát. Đây là tổ hợp thương mại nhà ở bách hóa tổng hợp giữa thiết kế Âu –Á (Singapore – Italia) ghi nhận mức giá chót vót 50-55 triệu đồng/m2 đủ nội thất thời điểm quý I/2016.
Ngoài ra, đô thị Hà Nội cũng được góp phần đa dạng hóa bởi các nét kiến trúc từ Hàn Quốc (KĐT Mỗ Lao, chung cư Booyoung Vina). Tháng 6, Tập đoàn Daewoo Engineering & Construction (Daewoo E&C) công bố thông tin về tiến độ và kế hoạch triển khai dự án Star Lake – một KĐT kiểu Hàn Quốc tại Hà Nội.
Với dự án có tên Star Lake, Daewoo E&C sẽ trở thành công ty tư nhân Hàn Quốc đầu tiên thực hiện dự án tự đề xuất với Chính phủ Việt Nam và đây cũng là lần đầu Hàn Quốc “xuất khẩu” một dự án nhà ở mang phong cách Hàn Quốc.
Dự án Star Lake có quy mô 1,86 triệu m2 thuộc khu vực Hồ Tây do công ty TNHH Phát triển THT – công ty con của Daewoo E&C – làm chủ đầu tư. Tổng chi phí đầu tư của dự án là khoảng 2,2 tỷ USD, trong đó, giai đoạn đầu là 1,2 tỷ USD.
Daewoo E&C sẽ bắt đầu bán 182 căn nhà bốn tầng đầu tiên trong năm nay (2016). Giá bán dự kiến dao động từ 720.000 USD đến 2,35 triệu USD. Khoảng 600 căn hộ tiếp theo dự kiến tung ra thị trường trong năm tới. Nhà sẽ được bàn giao bắt đầu từ giữa năm 2017.
Bình mới, rượu cũ?
Với chiêu quảng bá dựa trên thương hiệu ngoại, phong cách quốc tế, nhiều tổ hợp công trình dự án kiểu này lại tỏ ra không thuyết phục người tiêu dùng khi triển khai, vận hành, phục vụ cư dân Việt.
Còn nhớ, dự án Mulberry Lane là “con lai” giữa Tập đoàn CapitaLand (Singapore) và công ty CP Đầu tư & Phát triền cơ sở hạ tầng Hoàng Thành. Cả hai đơn vị này đều đứng vai trò chủ đầu tư và đơn vị thi công dự án. Mulberry Lane với 5 tòa tháp từ A, B, C, D và E, từ cuối 2013 bắt đầu đón người dân chuyển về sinh sống.
Tuy nhiên, ngay từ khi chuyển đến, cư dân đã nhận đủ bất cập trong quá trình an cư. Thời điểm giữa năm 2014, block E có 340 căn hộ nhưng chỉ ba thang máy vận hành một cách chập chờn.
Bỏ ra 1.700 – 1.900 USD để sở hữu mỗi mét vuông căn hộ đẳng cấp Singapore, những “thượng đế” tại Mulberry Lane đã có lúc phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì trót tin thương hiệu Capitaland cũng như quảng cáo hấp dẫn về một quần thể kiến trúc ngoại giữa lòng Thủ đô.
Vẫn phải chờ thời gian để khẳng định các tuyệt tác kiến trúc ngoại sẽ thành hình và đóng góp vào bộ mặt đô thị của Thủ đô vốn dĩ đã rất phong phú.
Chưa hết, những tổ hợp dự án mang áo “ngoại” (được phát triển, đầu tư bởi pháp nhân nội hoặc liên danh) cũng tồn tại lỗi cơ bản về chất lượng, quản lý vận hành.
Chừng một năm trước, người mua Khu Villa 1, dự án Hyundai Hillstate gửi “tối hậu thư” đến chủ đầu tư (công ty TNHH Hyundai RNC Hà Tây) với nội dung: Nếu không sớm khắc phục chất lượng các công trình xây dựng thì sẽ tiến hành khiếu nại.
Được biết, liên quan tới trách nhiệm bảo hành của chủ đầu tư (đã được cơ quan quản lý cấp Bộ cũng như cấp Sở chỉ rõ), khách hàng và chủ đầu tư tổ hợp mang phong cách Hàn Quốc đã “va chạm” suốt từ năm 2012 tới 2015.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh doanh
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: