Top

TP.HCM: Sẽ chấm dứt nạn xây nhà trái phép?

Cập nhật 25/01/2008 11:00

Từ khi lập biên bản đến khi cưỡng chế phá dỡ công trình nhanh nhất là bốn ngày.

Sáng qua (24-1), Sở Xây dựng TP.HCM đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị định 180 ngày 7/12/2007 về xử lý vi phạm xây dựng theo Luật Xây dựng. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 4/1/2008.

Riêng những trường hợp nhà xây trái phép đã hoàn thành từ sau ngày 1/7/2004 đến ngày 3/1/2008 thì không áp dụng Nghị định 180 để xử lý. Hiện UBND TP đang chờ ý kiến của Bộ Xây dựng về việc xử lý các trường hợp này.

Nhà trái phép phù hợp quy hoạch: Được tạm tồn tại

Theo Nghị định 180, khi phát hiện công trình sai phép, trái phép (gọi chung là nhà trái phép) thì chủ đầu tư sẽ bị lập biên bản yêu cầu ngưng thi công. Nếu chủ đầu tư không chấp hành thì sẽ bị đình chỉ thi công, bị ngưng cung cấp điện, nước và các dịch vụ liên quan khác. Chính quyền sẽ cấm công nhân đến xây dựng cho công trình này. Sau khi bị ngưng thi công sẽ xử lý như sau:

- Nhà xây trái phép trên đất không đủ điều kiện cấp phép xây dựng thì sẽ bị lập biên bản ngừng thi công, yêu cầu chủ nhà tự phá dỡ. Nếu trong vòng 24 giờ kể từ khi có biên bản yêu cầu ngừng thi công mà không ngừng thì sẽ bị đình chỉ thi công, buộc phá dỡ.

- Những loại nhà trái phép sau được tồn tại, buộc chủ nhà làm thủ tục xin cấp phép xây dựng sau khi bị lập biên bản ngừng thi công: nhà trái phép ở vị trí phù hợp với quy hoạch; nhà trái phép trên đất đã có “giấy hồng” và phù hợp với quy hoạch xây dựng; nhà xây dựng mới trên nền nhà cũ hoặc cải tạo nhà đang ở phù hợp với quy hoạch; nhà trái phép trên đất đủ điều kiện được cấp “giấy đỏ”.

Sau khi được cấp giấy phép xây dựng, chủ nhà phải tự tháo dỡ phần xây dựng sai so với giấy phép mới được tiếp tục xây dựng. Trong 60 ngày kể từ ngày đình chỉ thi công mà chủ nhà không cung cấp được hoặc từ chối cung cấp giấy phép xây dựng thì nhà sẽ bị tháo dỡ như những nhà trái phép không phù hợp quy hoạch.

- Những trường hợp xây dựng nhà sai phép sẽ bị lập biên bản yêu cầu ngừng thi công và tự tháo dỡ: nhà thuộc dự án mà xây dựng sai thiết kế kỹ thuật đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thẩm định; nhà thuộc các dự án khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu nhà ở sai quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

- Nhà có giấy phép xây dựng nhưng xây sai giấy phép thì chủ nhà sẽ bị yêu cầu ngừng thi công, phá dỡ phần xây dựng sai phép. Chủ nhà không chấp hành sẽ phải bồi thường thiệt hại do vi phạm trên gây ra.

Nếu chủ nhà thuộc diện phải tháo dỡ mà không chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ và phải chịu mọi chi phí liên quan đến việc tháo dỡ. Những công trình xây dựng gây lún nứt, thấm dột, có nguy cơ làm sụp đổ các công trình lân cận phải ngừng thi công để khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại. Chỉ khi nào các bên liên quan thỏa thuận xong mức bồi thường thiệt hại thì chủ đầu tư mới tiếp tục được thi công.

Cưỡng chế tháo dỡ “thần tốc”

Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định thực hiện nghiêm Nghị định 180 thì TP.HCM sẽ không còn tình trạng nhà trái phép tràn lan. Theo những quy định trước đây, sau khi lập biên bản vi phạm xây dựng, chờ cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ thi công thì mới ngưng thi công.

Từ khi lập biên bản yêu cầu ngừng thi công đến khi ra quyết định đình chỉ thi công chỉ có 24 giờ. Mặt khác, nếu chủ nhà vắng mặt không ký vào biên bản thì biên bản yêu cầu ngưng thi công hoặc quyết định đình chỉ thi công vẫn có hiệu lực. Thời gian từ khi lập biên bản đến khi cưỡng chế phá dỡ công trình được rút ngắn tối thiểu: nhanh nhất là bốn ngày, chậm nhất là 11 ngày (kể cả ngày nghỉ).

Làm sao cắt điện, nước, ngăn người lao động?

Đại diện huyện Bình Chánh cho biết lực lượng thanh tra xây dựng huyện và các xã rất khó khăn khi đề nghị các ngành công an, điện, nước phối hợp để xử lý nhà xây trái phép. Các đơn vị cung cấp điện, nước chỉ cắt hợp đồng, ngưng cung cấp khi chủ khách hàng vi phạm hợp đồng. Vì vậy yêu cầu họ ngưng cung cấp điện, nước là rất khó.

Một đại biểu thắc mắc Nghị định 180 không quy định trường hợp người dân khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định xử lý về xây dựng thì cơ quan chức năng có tiếp tục cưỡng chế tháo dỡ hay không.

Theo Nghị định 126 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng thì những trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp đều bị buộc tháo dỡ. Nay Nghị định 180 cho tồn tại có thời hạn nếu đất đủ điều kiện cấp “giấy đỏ”. Vậy phải làm theo văn bản nào? Ông Hùng hứa sẽ kiến nghị UBND TP triển khai Nghị định 180 cho các ngành công an, điện, nước và yêu cầu phối hợp để các địa phương xử lý vi phạm xây dựng hiệu quả hơn. Sở Xây dựng sẽ tập hợp những thắc mắc của các quận, huyện để giải đáp bằng văn bản hoặc kiến nghị Bộ Xây dựng trả lời.

Theo Pháp Luật TP.HCM