Top

Tòa tháp BIDV trên đường Nguyễn Huệ: Đột phá về không gian mở ngay khu vực trung tâm

Cập nhật 06/06/2007 14:00

Vừa qua, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Trường Đại học Kiến trúc TPHCM đã tổ chức tổng kết và trao giải cuộc thi tuyển quốc tế phương án thiết kế kiến trúc tòa tháp BIDV. Vượt qua 12 phương án khác, đồ án mang mã số CP-7117 của Công ty DP Architects (Singapore) đã giành giải nhất.

Dựa trên diện tích 2.735m2, các KTS của DP đã thiết kế nên tòa tháp với chiều cao 40 tầng, cao 120m đặt tại địa điểm số 117-119 đường Nguyễn Huệ. Theo đó, ý tưởng không gian của phương án là sự kết nối giữa tòa tháp với trục đường Nguyễn Huệ thông qua giải pháp lùi tầng trệt vào sâu bên trong để tạo ra không gian đi bộ bên dưới.

Với việc bố trí cột chữ V đã tạo ra một khoảng không gian mở bên dưới tòa nhà. Đây là khoảng không gian mở làm cho khả năng kết nối, thu hút người đi bộ và không gian hoạt động bên trong hài hòa cùng nhau. Ý tưởng này phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ thiết kế của cuộc thi. Đó là sự hài hòa với cảnh quan xung quanh, đặc biệt là khu vực đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Hồ Tùng Mậu, một khu vực đắc địa nhất tại trung tâm thành phố.

Theo KTS Hồ Viết Vinh, phụ trách kỹ thuật của Ban Giám khảo, phương án này đã thiết kế không gian một cách rất hoàn hảo, mở và không có hàng rào. Tức là giữa tòa tháp BIDV Tower với khách sạn Kinh Đô và thương xá Tax (mới) sẽ liên kết với nhau chứ không phải là những không gian riêng biệt của từng dự án với các tòa nhà bao bọc. Vì vậy dù tổng mặt bằng của khu đất là 2.735m2 nhưng phương án CP-7117 chỉ đề xuất xây dựng chưa tới 60% diện tích.

Bên cạnh đó, việc tạo không gian đi bộ cũng giúp tòa nhà thu hút khách bộ hành từ phía trước, sau và bên hông tòa nhà – đây là điều mà lãnh đạo BIDV muốn hướng tới. Chức năng của không gian bên dưới có tính chất liên hệ với khách bộ hành, thông qua khoảng lùi ở tiền sảnh. Nơi này cũng có thể tổ chức các buổi mít tinh, hòa nhạc, liên hoan… ngoài trời ngay tại sảnh dưới mái che của tòa tháp.

Sự sắp xếp không gian này tạo sự liên kết của đường Nguyễn Huệ, đường Tôn Thất Thiệp với không gian phía trong của tòa nhà. Ngoài ra, việc bố trí mái che khiến du khách khi đứng dưới tòa nhà sẽ không có cảm giác “ngợp” bởi chiều cao tòa tháp.

Về hình thức kiến trúc, phương án cho thấy tòa tháp BIDV là dạng khối không quá mới mẻ. Đây là khối cao ốc có hình dáng đơn giản, không đặc biệt. Các tác giả đã có chủ ý khi không tạo nên cái gì đó quá độc đáo, quá riêng biệt khi thiết kế tòa tháp mà chỉ tập trung thiết kế theo hướng đơn giản.

Chính sự thiết kế đơn giản này đã được đặt trong tổng thể kiến trúc của trục đường Nguyễn Huệ thì đạt được sự hài hòa với cảnh quan và phong cách kiến trúc xung quanh. Nơi đây không phù hợp với các kiến trúc độc đáo có tính độc lập bởi kiến trúc khu vực này phải đảm bảo hướng nhìn thoáng của tòa nhà chính: trụ sở UBND TPHCM.

Ở phương án kỹ thuật, các tác giả dùng giải pháp các mảng kính theo các hình lục lăng (hình vát các góc cạnh) để chống ánh nắng mặt trời đồng thời tạo ra mặt đứng lồi lõm nhiều góc cạnh để khi có ánh sáng chiếu vào tạo sự thay đổi lung linh.

Đặc biệt, ban đêm, ánh sáng chiếu từ các ngọn đèn sẽ tạo cho tòa tháp những sắc màu huyền ảo, đây là điều rất cần thiết khi trang trí không gian bên ngoài ở khu vực trung tâm các đô thị. Nếu ghép khối tháp với khối bệ, chúng ta sẽ thấy đây là một khối tháp đơn giản, gắn lên khối bệ được thiết kế thoáng, hiện đại rất hợp với cảnh quan kiến trúc khu vực trung tâm của thành phố. Chính sự đơn giản, mạch lạc trong ý tưởng thể hiện đã đáp ứng được nhu cầu và quan điểm của chủ đầu tư.

Tận dụng mặt bằng sử dụng bằng việc bố trí không gian của tòa nhà lùi ra phía sau để tạo khoảng mở ra phía trước tại khu vực bệ (6 tầng dưới của tòa tháp) đằng trước đã tạo được sự lôi cuốn với du khách, người đi bộ và khách hàng vào với tòa tháp, đây là mục tiêu quan trọng mà chủ đầu tư đề ra.

Ở 34 lầu trên, diện tích xây dựng của tòa tháp đảm bảo dưới 35% như quy hoạch không gian khu vực đề ra. Phương án đề xuất đưa các khối công trình phụ trợ (cầu thang máy, thang thoát hiểm, hành lang, nhà vệ sinh…) tập trung về phía Đông và Tây tòa nhà. Đây là giải pháp nhằm tránh nắng, tiết kiệm điện từ việc sẽ không phải sử dụng máy lạnh cho các khu phụ trợ này.

Như vậy, từ tầng 7 trở lên của tòa nhà sẽ tận dụng được 77% mặt bằng làm diện tích sử dụng, giảm chi phí xây dựng tòa nhà. Đây là giải pháp hợp lý với không gian của các văn phòng hiện nay.

Đánh giá phương án này, KTS người Anh Colin Wafd cho rằng đây là phương án kiến trúc hiện đại với giải pháp quy hoạch độc đáo, phù hợp với khu vực. “Sau khi xây dựng, tôi tin tòa tháp BIDV sẽ là một điểm nhấn kiến trúc ngay trên khu vực trung tâm của thành phố xinh đẹp này” - ông Colin nói.

Còn ông Trần Bắc Hà, Tổng Giám đốc BIDV cho biết, trong thời gian sớm nhất, BIDV sẽ xin ý kiến UBND TPHCM và Bộ Xây dựng xem xét lựa chọn để thương thảo hợp đồng, lập dự án đầu tư xây dựng và triển khai đầu tư trong thời gian sớm nhất.

Theo Việt Hùng - SGGP