Top

Tìm mặt bằng sản xuất - kinh doanh: bớt khổ

Cập nhật 15/03/2008 10:00

Giá đất tăng vùn vụt, lại thêm quy định trong Luật Đất đai, doanh nghiệp phải tự thỏa thuận đền bù giải phóng mặt bằng với người dân, khiến cho tại bất cứ cuộc đối thoại nào giữa doanh nghiệp và Bộ Tài nguyên Môi trường, rắc rối xung quanh câu chuyện mặt bằng sản xuất - kinh doanh cũng nóng bỏng.

Tại hội nghị lấy ý kiến sửa đổi Luật Đất đai diễn ra tại Hà Nội ngày 12/3, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Phạm Khôi Nguyên tuyên bố, lần này sẽ dứt khoát chấm dứt tình trạng nhà đầu tư (NĐT) tự thỏa thuận với người dân tiền đền bù đất, quỹ đất sạch sẽ được thiết lập và giao cho NĐT thông qua hình thức đấu thầu.

Trước khi Luật Đất đai có hiệu lực vào năm 2004, Nhà nước thực hiện cơ chế giao, cho thuê đất tới doanh nghiệp nhưng cơ chế như vậy lại nảy sinh những bất cập và xảy ra nhiều tranh chấp khiếu kiện như tiền đền bù không đến tay người dân 100% như chủ đầu tư công bố; một số chính quyền địa phương nhận tiền đền bù của chủ đầu tư nhưng sau đó lại chậm trễ, dây dưa trong việc thanh toán cho người dân...

Khắc phục những bất cập trên, Luật Đất đai quy định cho phép chủ đầu tư tự thỏa thuận với dân về giá đất giải phóng mặt bằng, thay vì thông qua Nhà nước như trước. Rõ ràng quy định như vậy, người dân được lợi nhưng thực tế 3 năm qua, doanh nghiệp không ngớt kêu khổ.

Khi doanh nghiệp thực hiện đền bù, chỉ cần một số hộ dân có đất vượt quy hoạch hoặc không chịu nhận tiền bồi thường là ách tắc tiến độ thực hiện cả dự án. Lãnh đạo một doanh nghiệp cho hay, công ty ông có dự án gần trường học và tuyến đường giao thông, giải tỏa hầu hết chỉ còn 3 hộ dân nhất định không chịu mức đền bù vì họ cho rằng, đất nhà mình ở vị trí đẹp hơn nên tiền đền bù phải cao hơn, công ty  kiến nghị 4 - 5 tháng không ai giải quyết, hỏi xã thì được bảo nên hỏi huyện, lên huyện lại được chỉ tới tận tỉnh, đến tỉnh lại được chỉ xuống xã. Cực chẳng đã, doanh nghiệp phải kiến nghị khắp nơi để nhờ can thiệp thỏa thuận với những trường hợp chây ỳ.

Cũng vì Luật quy định, chủ đầu tư “thỏa thuận” với người dân nên ở nhiều nơi, người dân và cả chính quyền cơ sở, nơi doanh nghiệp được giao đất khăng khăng đòi giá cao mới chịu nhận đền bù.

Một doanh nghiệp được giao đất từ năm 2005 đến nay chưa triển khai dự án được, mọi thủ tục đã hoàn tất, UBND xã cùng doanh nghiệp đã họp với dân 2 lần để triển khai đền bù nhưng dùng dằng mãi mà chưa thực hiện được, trong khi khung giá đất mỗi năm lại cao hơn thực tế đã thỏa thuận, khiến doanh nghiệp không thể tiến hành dứt điểm được việc bàn giao.

Ngay một số dự án tại Hà Nội, khiếu kiện kéo dài, bởi người dân có ý thức chấp hành giải tỏa trước lại được đền bù thấp, người chây ỳ, được đền bù sau lại nhiều tiền hơn.

Để tạo môi trường đầu tư hấp dẫn hơn, một số tỉnh, thành đã chủ động hỗ trợ doanh nghiệp như TP. HCM, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... Tuy nhiên, số lượng tỉnh, thành đồng hành với doanh nghiệp như vậy không nhiều. “Ngoài tiền thuê đất hàng năm đều đội lên cao hơn so với trước, hàng loạt nguyên vật liệu sản xuất đều tăng giá mạnh, chi phí giá thành tăng cao, điều này đã làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Trường Sơn, đại diện Tổng công ty Dịch vụ Đầu tư và Du lịch Nghi Tàm phản ánh.

Cũng trong cuộc họp lấy ý kiến sửa đổi Luật Đất đai ngày 12/3, nhiều ý kiến đã đề nghị Nhà nước quy định giá thuê đất ổn định hơn. Đơn cử như trước đây, các hợp đồng thuê đất 5 năm mới thay đổi một lần và tăng không quá 15% mỗi lần sửa.

Có “an cư mới lạc nghiệp”, chính vì vậy, đất đai và mặt bằng sản xuất - kinh doanh luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu với doanh nghiệp hiện nay, chi phí cho hạng mục này rõ ràng, ổn định doanh nghiệp mới dễ dàng lên kế hoạch sản xuất - kinh doanh và tính toán giá cả sản phẩm đầu ra hợp lý.

Cải thiện vấn đề này nhằm gia tăng tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh Việt Nam cũng là yêu cầu được nhiều doanh nghiệp đặt ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam diễn ra hàng năm trước thềm Hội nghị Các nhà tài trợ.

Theo Đầu Tư Chứng Khoán