Do công tác quy hoạch sử dụng đất tại tỉnh Tây Ninh có nhiều sai sót, gây lãng phí rất lớn, đồng thời làm giảm cơ hội cạnh tranh thu hút đầu tư của tỉnh
Thanh tra Chính phủ vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết luận thanh tra việc quy hoạch sử dụng đất tại tỉnh Tây Ninh. Kết luận thanh tra đã bày ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng đất tại tỉnh này.
“Qua mặt” Chính phủ
Theo quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đô thị cửa khẩu Mộc Bài nằm trong Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, có diện tích khoảng 600 ha. Trong khu kinh tế này, diện tích dành cho khu công nghiệp (KCN) chỉ có 55 ha, các công trình dịch vụ thương mại là 40 ha.
Thế nhưng, khi UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt quy hoạch chi tiết cho riêng khu đô thị cửa khẩu Mộc Bài đã tự ý tăng diện tích các KCN lên 533,08 ha và khu thương mại dịch vụ hơn 250 ha (!?). Điều đáng nói, dù việc điều chỉnh quy hoạch trên chưa được Thủ tướng phê duyệt, nhưng UBND tỉnh Tây Ninh đã triển khai thực hiện.
Tại Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, đoàn thanh tra phát hiện có sự chênh lệch hơn 100 ha giữa diện tích theo quy hoạch được duyệt so với diện tích đo đạc thực địa. Sau khi phải trình duyệt lại quy hoạch, lập hồ sơ địa chính, đoàn thanh tra vẫn thấy có sự chênh lệch diện tích (thiếu gần 17 ha)! Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, đây là sai phạm lớn nhất của UBND tỉnh Tây Ninh trong quy hoạch sử dụng đất tại địa phương.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện quy hoạch Khu Thương mại đô thị cửa khẩu Mộc Bài, UBND tỉnh cũng phạm nhiều sai sót như ban hành các quyết định thu hồi và giao đất không chính xác, dẫn đến việc phải ban hành nhiều quyết định thay thế.
Khuất tất trong đền bù
Trong tổng diện tích 1.339 ha của Khu Thương mại đô thị Mộc Bài, hiện tỉnh Tây Ninh mới giải tỏa đền bù 453 ha, chiếm 34% diện tích. Qua kiểm tra, công tác đền bù giải tỏa tại khu thương mại đô thị Mộc Bài cũng nổi lên nhiều sai phạm. Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư huyện Bến Cầu không áp dụng thống nhất quy trình đền bù giải tỏa.
Theo quy định, BQL phải thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Thế nhưng, quy định này chỉ được áp dụng đối với khu 133 ha. Ngoài khu này, BQL và Hội đồng Đền bù của huyện Bến Cầu không trực tiếp làm mà giao cho các chủ đầu tư thương lượng, thỏa thuận với người dân, dẫn đến việc đa số dự án đều được tiến hành trước khi phương án đền bù được duyệt!?
Giải trình về việc “cầm đèn chạy trước ô tô” trên, Hội đồng Đền bù huyện Bến Cầu cho rằng chủ trương cho các doanh nghiệp tự thỏa thuận với dân đã được UBND tỉnh phê duyệt. Dĩ nhiên, lập luận này không được thanh tra chấp nhận.
Vì theo quy định, nếu doanh nghiệp tự thỏa thuận thì Nhà nước không can thiệp nữa, thế nhưng đa số nhà đầu tư chỉ làm được một phần, còn lại đều yêu cầu Nhà nước đứng ra giải quyết khi gặp phải sự khiếu kiện của người dân. Chính điều này làm cho tình trạng khiếu kiện tại địa phương ngày càng trở nên phức tạp, gay gắt.
Thu hồi hơn 4 tỉ đồng sai phạm
Một sai phạm khác của UBND tỉnh Tây Ninh là không tiến hành thẩm định năng lực tài chính cũng như không đưa ra các biện pháp chế tài kịp thời, ngăn chặn tình trạng “găm đất, xí đất, đầu cơ đất” do các nhà đầu tư thiếu năng lực về tài chính. Điển hình, tỉnh đã thực hiện việc bồi thường giải tỏa khi chưa có quyết định giao đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết.
UBND tỉnh cũng không thu tiền sử dụng đất theo quy định, dẫn đến thất thu hơn 1 tỉ đồng tại Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Ngoài ra, có hơn 1.000 ha đất đã giao cho các dự án mà chưa đưa vào sử dụng và hơn 1.000 ha đất chủ dự án tự lấn chiếm nhưng không được xử lý kiên quyết mà ngược lại còn cho hợp thức hóa và cấp giấy chủ quyền sử dụng đất.
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Tây Ninh nghiêm túc kiểm điểm các cá nhân, tập thể liên quan sai phạm; đồng thời thu hồi cho ngân sách hơn 4 tỉ đồng sai phạm.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: