Top

Chung cư cao tầng - Hiện đại mà không đồng bộ: Kỳ 1: Bất hợp lý về hạ tầng cơ sở

Cập nhật 15/03/2008 09:00

Có thể coi các khu nhà chung cư như một “tô giới” của cơ quan chủ quản. Cơ quan chủ quản chỉ coi trọng việc kinh doanh mà chưa quan tâm đáp ứng nhu cầu dân sinh.

Với tốc độ đô thị hóa, thành phố Hà Nội đã và đang mọc lên những khu chung cư cao tầng với quy mô lớn và hiện đại. Tuy nhiên, trong quá trình đi vào sử dụng, các khu chung cư cao tầng đô thị mới đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế quản lý Nhà nước nói chung, quản lý về ANTT nói riêng cũng như chưa đáp ứng nhu cầu của người dân sinh sống tại đây...

Hiện đại nửa vời

Khu chung cư Bán đảo Linh Đàm được xây dựng và từng bước đi vào sử dụng từ năm 2002. Khi đó, khu chung cư này thuộc địa giới huyện Thanh Trì. Đầu năm 2004, quận Hoàng Mai được thành lập và khu chung cư này thuộc địa phận phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, bao gồm 15 nhà chung cư cao tầng và 5 khu biệt thự thấp tầng.

Được coi là khu đô thị mới, hiện đại nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng lại chưa được hoàn thiện, chưa đáp ứng được nhu cầu dân sinh. Cụ thể, trong khu đô thị mới này không có các cơ sở y tế, trường học, nhà trẻ mẫu giáo.

Khi chưa xây dựng khu chung cư đô thị mới Bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt (lúc đó là xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì) có 2 trường tiểu học và THCS chỉ đáp ứng số lượng 500 học sinh. Đến nay số học sinh của 2 trường đã lên tới trên 1.000 do phải tiếp nhận thêm lượng học sinh là con em các hộ dân sinh sống trong khu đô thị mới.

Trong khi đó diện tích phòng học, cơ sở hạ tầng của 2 trường trên không được mở rộng, ảnh hưởng đến điều kiện học tập của học sinh... Tại địa bàn phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy có 3 khu chung cư mới, trong đó khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính đã có hệ thống trường học từ mầm non đến trung học phổ thông.

Nhưng khu chung cư Nam Trung Yên lại chưa có hệ thống trường học. Khu đô thị Trung Yên có một trường THCS nhưng thuộc hệ thống dân lập.

Được coi là khu đô thị mới hiện đại, song các khu chung cư cao tầng đều không có địa điểm họp tổ dân phố. Việc sinh hoạt, hội họp gặp nhiều khó khăn. Được biết, trong số 15 nhà chung cư ở khu Bán đảo Linh Đàm mới được cơ quan chủ quản (Ban quản lý dự án khu vực II thuộc Công ty Phát triển nhà ở và khu đô thị) giải quyết, dành diện tích làm 3 phòng họp sau nhiều lần kiến nghị của nhân dân và chính quyền cơ sở.

Hiện nay, các điểm trông giữ xe trong khu chung cư Bán đảo Linh Đàm hầu như đã chật kín xe máy, không đủ chỗ để gửi ôtô. Điều dễ nhận thấy điểm bất hợp lý này là tầng 1 ở các khu nhà lẽ ra phải được sử dụng làm nơi trông giữ xe máy thì lại bị cơ quan chủ quản là Ban quản lý dự án khu vực II thuộc Công ty Phát triển nhà và đô thị (thuộc Tổng HUD) dành phần lớn diện tích để kinh doanh, cho thuê ki-ốt bán hàng.

Mặc dù hiện tại, khu chung cư này đã có bãi trông giữ ôtô, nhưng địa điểm này lại ở xa các khu nhà. Các chủ sở hữu ngại đường xa, để ôtô ở ngoài đường, kể cả ban đêm, không có người trông coi. Các vụ mất trộm phụ tùng ôtô đã xảy ra.

Cũng như ở phường Hoàng Liệt, hầu hết các khu đô thị mới ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy có lưu lượng ôtô và xe máy rất lớn. Trung tá Nguyễn Văn Thủy - Trưởng CAP Trung Hòa cho biết, trong khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính có tới 80% hộ dân sinh sống tại đây có ôtô riêng, nhưng các điểm trông giữ xe đều quá tải, dẫn đến lượng ôtô, xe máy đỗ không đúng quy định rất nhiều, vừa vi phạm TTĐT, vừa tạo điều kiện sơ hở để tội phạm hoạt động, trộm cắp.

Điều đáng nói, mặc dù các phương tiện tham gia giao thông đậu, đỗ “vô tổ chức”, nhưng do các tuyến đường trong khu đô thị mới lại chưa được cắm biển hiệu giao thông nên Công an phường sở tại không có căn cứ để xử phạt về vi phạm TTGT(!)...

Chưa phân cấp quản lý rõ ràng

Hiện, mô hình quản lý tại các khu đô thị mới sau khi được đưa vào sử dụng đều do cơ quan chủ quản (Ban quản lý dự án) quản lý. Các đơn vị này thực hiện các chức năng như bảo vệ, trông giữ ôtô, xe máy, duy trì bảo dưỡng, bảo trì... các khu chung cư. Còn về quản lý con người thuộc trách nhiệm của chính quyền phường sở tại.



CAP Định Công phối hợp với bảo vệ khu chung
cư rà soát số nhân khẩu cư trú.


Hay nói cách khác, có thể coi các khu nhà chung cư như một “tô giới” của cơ quan chủ quản. Cơ quan chủ quản chỉ coi trọng việc kinh doanh mà chưa quan tâm đáp ứng nhu cầu dân sinh cũng như việc đảm bảo ANTT khu vực.

Do chưa được phân cấp quản lý cụ thể nên chính quyền sở tại vẫn chưa thực sự có quyền quản lý về trật tự xây dựng trong khu đô thị mới, cũng như công tác quản lý các dịch vụ cho thuê nhà, ki-ốt kinh doanh với việc chấp hành Luật Thuế, TTĐT, công tác đảm bảo ANTT, phòng ngừa cháy nổ...

Đơn cử, khi cơ quan chủ quản tăng giá mức thu phí dịch vụ phát sinh thắc mắc của người dân, song chính quyền cơ sở cũng “khó” giải thích, chỉ có biện pháp phối hợp với cơ quan chủ quản bàn bạc, tháo gỡ, không để phát sinh mâu thuẫn phức tạp. Một vấn đề khác nảy sinh trong cơ chế quản lý của cơ quan chủ quản cũng cần được quan tâm giải quyết.

Đó là, trong khi một số các khu đô thị mới sau khi đi vào sử dụng đều thành lập các chi bộ, tổ dân phố và các đoàn thể chính trị theo mô hình lãnh đạo của Đảng ủy, chính quyền phường, thì tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy lại thành lập một Ban quản trị do dân bầu theo chỉ đạo của cơ quan chủ quản là Công ty VINACENCO.

Vì vậy đã dẫn đến việc chồng chéo trong công tác quản lý hành chính, vừa tạo kẽ hở gây nên những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân...

Theo An Ninh Thủ Đô