Top

Tìm giải pháp cho hơn 1.000 căn hộ tái định cư chưa có người ở

Cập nhật 22/05/2018 16:17

Đến năm 2020, Hà Nội cần 22.131 căn hộ chung cư cao tầng để phục vụ công tác GPMB. Nhưng khả năng đáp ứng tại các DA cũng chỉ được 4.500 căn hộ. Như vậy, vẫn cần hơn 17.600 căn hộ nữa. Có một nghịch lý, trong khi quỹ nhà tái định cư (TĐC) vẫn thiếu thì tại nhiều khu vực của TP đang còn tồn tới hơn 1.000 căn hộ TĐC chưa có người đến ở.

Nhiều căn hộ hơn 10 năm không người ở

Tháng 10-2017, giới kinh doanh bất động sản hết sức bất ngờ khi hay tin Cty CP xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco3) có văn bản gửi các cấp đề nghị được phá dỡ cụm công trình gồm 3 tòa nhà TĐC cao 6 tầng với 150 căn hộ ở khu đô thị mới Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội mà Cty đang là chủ đầu tư để xây dựng nhà ở thương mại.

Lý do được đơn vị này đưa ra là bởi công trình được xây dựng từ hơn 10 năm trước, nay đã xuống cấp, không còn phù hợp với nhu cầu hiện tại của người dân.

Thực ra đề nghị của Hanco3 không mới bởi trên địa bàn TP vẫn đang còn rất nhiều khu nhà TĐC xuống cấp, không có người ở. Điều này khiến cả chủ đầu tư và các cấp quản lý không khỏi đau đầu. Chung cư 4A, phố Tạ Quang Bửu, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng cao 20 tầng với gần 160 căn hộ, nằm sát đường Đại Cồ Việt được xây dựng hơn 10 năm và dù được đánh giá là thuộc “khu đất vàng” của Hà Nội nhưng vẫn đóng cửa im ỉm nhiều năm qua, chưa bàn giao cho dân.

Khu TĐC Hoàng Cầu với 4 tòa CT2A, CT2B, CT2C và CT3 được xây dựng khá khang trang được đưa vào hoạt động trong các năm 2016 và 2017 nhưng số dân đến ở rất khiêm tốn. Nhiều hộ dân còn gửi bảo vệ chìa khóa, nhờ bán hộ căn hộ. Mỗi căn hộ có giá chênh từ 550 triệu đồng đến 1 tỷ đồng tùy vị trí và hướng từng căn.

Tại các tòa nhà do Cty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội vẫn còn có những căn hộ trên 10 năm chưa được bàn giao cho ai. Chẳng hạn, tại tòa N6B, Trung Hòa - Nhân Chính, quận Thanh Xuân có 5 căn được Cty tiếp nhận từ TP vào năm 2003; CT1 Định Công, Hoàng Mai tiếp nhận 10 căn từ năm 2004; N9 Trung Văn, quận Nam Từ Liêm tiếp nhận 15 căn từ năm 2004; N6 Pháp Vân Tứ Hiệp, quận Thanh Trì, tiếp nhận 30 căn từ 2005.

Tháng 3-2018, đoàn giám sát của HĐND TP có buổi làm việc với Cty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội. Phía Cty báo cáo, hiện đang tiếp nhận quản lý 166 nhà TĐC với tổng số 14.211 căn hộ. Số căn hộ đã trả tiền mua nhà, bố trí TĐC là 13.111 căn. Có hơn 1.000 căn hộ TĐC đang bị bỏ trống… Cụ thể, có 724 căn hộ đã bố trí TĐC phục vụ DA GPMB theo quyết định của UBND TP, nhưng người dân chưa đến làm thủ tục nhận nhà ở.

Trong số này, nhiều căn hộ mặc dù đã có người đến ở nhưng lại chưa làm các thủ tục ký hợp đồng. Việc tìm, liên lạc với những hộ dân nhận nhà TĐC không dễ vì sau GPMB, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không biết địa chỉ cụ thể những hộ này ở đâu. Ngoài ra, có 376 căn hộ trống chưa bố trí TĐC để dự trữ cho dự án đang GPMB.

Hiện việc quản lý căn hộ tại các chung cư TĐC được Sở Xây dựng Hà Nội giao cho 2 đơn vị là Cty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội và Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở thuộc Sở Xây dựng. Được biết, trong số căn hộ chung cư TĐC chưa có người đến làm thủ tục chủ yếu thuộc địa bàn quận Cầu Giấy, Hoàng Mai.


Khu TĐC cao 6 tầng với 150 căn hộ ở khu đô thị mới Sài Đồng, Long Biên đến nay vẫn còn nhiều căn hộ chưa có người đến ở. Ảnh: M.H.

Đi tìm giải pháp cung và cầu

Vậy đâu là giải pháp cho những căn hộ TĐC đang không có người ở và những khu TĐC khác đã và đang sắp được xây dựng?

Theo GS Đặng Hùng Võ, bên cạnh nguyên nhân chất lượng nhà kém, một nguyên nhân khác khiến người dân không hào hứng với khu TĐC là không đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Khi người dân đang phải bám mặt đất để kiếm sống nhưng lại TĐC lên khu chung cư ở tầng cao nên ít nhiều hụt hẫng. Họ buộc phải bán lại nhà TĐC, thậm chí là bỏ không hoặc cho thuê lại nhà để tìm một chỗ ở phù hợp với mưu sinh và đi lại. Như vậy, công tác TĐC chỉ tính đến chỗ ở chứ chưa đưa ra giải pháp hợp lý về cuộc sống lâu dài.

PGS.TS Trần Chủng -Trưởng ban Chất lượng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng phân tích, đáng lý khi nghiên cứu TĐC cho từng DA, chúng ta phải phân loại ra các trường hợp cụ thể để ứng xử phù hợp. Nếu khu di dân đa phần là công chức, việc cung cấp cho những người làm công ăn lương căn hộ chung cư là thỏa đáng. Tuy nhiên, với diện mưu sinh bám đường lại đòi hỏi một giải pháp khác.

Cần tính tới việc giải quyết nhà TĐC theo nguyên lý thị trường. Nhà nước không đầu tư tiền làm nhà TĐC mà thanh toán cho dân một khung giá nhất định để dân tự mua nhà ở thương mại thích hợp. Khi giao dịch theo cơ chế mua - bán rõ ràng chất lượng quản lý, dịch vụ cũng tương xứng hơn nhiều.

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đưa ra gợi ý, cần quy được trách nhiệm cá nhân, tập thể khi thực hiện những DA TĐC không hiệu quả, không phù hợp nguyện vọng của người dân gây lãng phí nguồn đầu tư. Cũng cần có giải pháp chuyển những nhà TĐC đang bỏ không sang nhà ở thương mại giá rẻ để bán thu hồi vốn đầu tư, cũng có thể đem đấu giá.

Được biết, ngày 8-11-2016, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 47/2016/QĐ-UBND. Theo đó, TP đồng ý cho các hộ dân nhận tiền thay vì nhận căn hộ tại DA TĐC. Riêng năm 2017, Sở Xây dựng Hà Nội hu hồi 41 căn đã bố trí TĐC nhưng người dân chọn nhận tiền bồi thường theo quy định và trả lại do không có nhu cầu ở.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật XH