TP Hà Nội có hơn 2.000 nhà chung cư các loại, được xây dựng qua nhiều thời kỳ với những chính sách khác nhau. Do các quy định chưa thống nhất, đồng bộ; nhiều nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn, nhưng lại chậm triển khai khiến công tác quản lý, vận hành nhà chung cư gặp nhiều khó khăn.
Qua giám sát của Ban Đô thị HĐND thành phố tháng 4-2018 cho thấy, hiện có hơn 100 chung cư thương mại đang có tranh chấp về quyền lợi giữa các bên liên quan, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và cuộc sống của cư dân. Vì thế, một số quận đề xuất thành phố kiến nghị với trung ương xem xét xây dựng dự án luật nhằm tạo hành lang pháp lý, giải quyết những bất cập, khó khăn trong quản lý nhà chung cư hiện nay.
Liên quan đến tình trạng tranh chấp diễn ra gần đây, đại diện UBND các phường và phòng quản lý đô thị các quận: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Xuân… cho rằng, rất khó cưỡng chế chủ đầu tư khi chậm trễ bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân hoặc chây ỳ không tổ chức hội nghị lần đầu thành lập ban quản trị. Hiện nay, việc quản lý, sử dụng nhà chung cư đang áp dụng theo Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng và một số văn bản khác, nhưng nhiều điểm trong các quy định không rõ ràng, khó thực hiện, vì thế tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Để giải quyết được vấn đề này, quan trọng nhất là sự minh bạch, sự vào cuộc của tất cả các bên trên cơ sở một hành lang pháp lý rõ ràng.
Ngoài ra, theo ý kiến của một số luật sư, những vấn đề tranh chấp về quản lý, sử dụng nhà chung cư đều nằm rải rác trong các luật, nghị định, thông tư. Do đó, cần thiết phải tập hợp tất cả những quy định đó vào một luật mới. Đơn cử như việc ban hành quy định góp vốn, mua bán căn hộ hình thành trong tương lai phải thông qua ngân hàng hoặc mỗi chủ đầu tư phải mở một tài khoản (duy nhất) tại một ngân hàng cho mỗi dự án chung cư, để nhận các khoản góp vốn, thanh toán mua từ khách hàng…
DiaOcOnline.vn - Theo Hà nội mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: