Top

Quỹ bảo trì chung cư:

Tiền to, rủi ro nhiều

Cập nhật 30/03/2015 10:42

Ông Nguyễn Văn Đực kiến nghị không nên quy định cứng nhắc thu phí bảo trì bằng 2% giá bán căn hộ như hiện nay mà chỉ nên thu từ 10.000 - 20.000 đồng/m2 căn hộ, thu theo từng đợt tuỳ thuộc nhu cầu duy tu bảo dưỡng; không để tồn số tiền quá lớn cho BQT chung cư quản lý để tránh rủi ro, thiệt hại.

Mới đây, ông Nguyễn Văn Đực, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng và một số cơ quan liên quan, nêu ý kiến về sự bất hợp lý trong việc thu và quản lý phí bảo trì chung cư.

Theo ông Đực, hiện việc thu phí bảo trì được quy định cứng 2% giá bán căn hộ là bất hợp lý và không công bằng. Bởi giá bán căn hộ tùy thuộc vào thời điểm và vị trí, nên khoản phí này có thể chênh nhau đến 30%. Nếu căn hộ nào cũng thu 2% thì thiệt thòi cho người mua nhà cao giá, vì phải đóng phí bảo trì cao hơn những người khác, dù căn hộ có cùng diện tích.

Thêm vào đó, theo tính toán của ông Đực, trung bình khoản tiền phí bảo trì của một chung cư sẽ vào khoảng 10 tỷ đồng, cá biệt có những chung cư lớn, số căn hộ nhiều thì khoản tiền này có thể lên đến trăm tỷ đồng. Do buộc phải gửi ngân hàng, sẽ có hàng nghìn tỷ đồng không được đưa vào sản xuất, gây lãng phí chung cho xã hội.

Ảnh minh họa

Ở góc độ quản lý quỹ phí bảo trì, theo quy định hiện nay, các Ban quản trị (BQT) chung cư sẽ có quyền quản lý và sử dụng trên cơ sở thông qua Hội nghị nhà chung cư. Tuy nhiên, ông Đực cho rằng, vì số tiền khá lớn nên nếu các cá nhân trong BQT chung cư thông đồng với nhau để “rút ruột” khoản tiền này thì sẽ gây thiệt hại cho hàng triệu người mua nhà.

Vì những bất cập trên, ông Đực kiến nghị không nên quy định cứng nhắc thu phí bảo trì bằng 2% giá bán căn hộ như hiện nay mà chỉ nên thu từ 10.000 - 20.000 đồng/m2 căn hộ, thu theo từng đợt tuỳ thuộc nhu cầu duy tu bảo dưỡng; không để tồn số tiền quá lớn cho BQT chung cư quản lý để tránh rủi ro, thiệt hại.

Trên thực tế, đã có nhiều vụ “lình xình” liên quan đến khoản phí bảo trì chung cư tại khu vực TP. Hồ Chí Minh. Chẳng hạn, tại chung cư V-Star (quận 7), mới đây người dân bức xúc vì 4/5 thành viên trong BQT chung cư được giao quản lý quỹ bảo trì đã bán nhà chuyển đi nơi khác sinh sống. Hay tại các chung cư Ehome 2 (quận 9), chung cư 4S (Thủ Đức)… các bên liên quan đã không thể tổ chức được Hội nghị tòa nhà vì chủ đầu tư và những người khác có “chân” trong BQT tranh chấp về quyền lợi trong việc quản lý quỹ chung.

Theo những quy định hiện nay tại Luật Nhà ở 2014 và Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng thì chủ đầu tư có trách nhiệm lập tài khoản tiền gửi phí bảo trì cho từng nhà chung cư tại NHTM và bàn giao tài khoản đó cho BQT chung cư khi ban này được bầu ra. Khi phát sinh công việc bảo trì, BQT nhà chung cư cùng DN quản lý vận hành lập dự toán kinh phí cho các công việc bảo trì và gửi cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà chung cư để xem xét, kiểm tra và phê duyệt...

Tuy nhiên, tại những văn bản nói trên, phần chế tài xử lý trách nhiệm của BQT không được thể hiện rõ ràng. Nếu xảy ra trường hợp BQT chung cư “bắt tay” cùng DN quản lý sử dụng trái phép quỹ bảo trì, như cố tình khai báo khống những hư hỏng trong nhà chung cư để cùng hưởng lợi, thì người dân sẽ không biết phải xử lý thế nào. Bởi chiểu theo các quy định tại Luật Đất đai 2014 và Quyết định 08 của Bộ Xây dựng thì có thể BQT chung cư đều không hề vi phạm.


DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng