Top

Thu hút FDI: Không vì sức ép mà cấp phép tràn lan

Cập nhật 15/02/2009 10:05

Con số 185 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 1/2009 đã đem đến sự lo ngại nhất định tuy mục tiêu thu hút nguồn vốn này đặt ra chỉ bằng 1/3 năm 2008. Thư trao đổi với phóng viên, ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH-ĐT vẫn tỏ ra lạc quan trước triển vọng thu hút vốn FDI cũng như việc giải ngân dòng vốn này năm 2009.

FDI tháng 1/2009 không hề ảm đạm

* Thưa ông, tại sao tháng 1/2009, thu hút vốn FDI chỉ đạt có 185 triệu USD, bằng 10% cùng kỳ năm ngoái?

Ban đầu, tôi đã rất lo lắng nhưng xem xét lại thì tình hình FDI không phải ảm đạm như thế. Bảng thống kê FDI vừa công bố là không đầy đủ vì mới chỉ cập nhật đến ngày 20/1 theo chế độ báo cáo thống kê của Nhà nước.

Thời điểm đó, các địa phương không gửi số liệu kịp thời. Một số địa phương khác thì muốn giữ bí mật về thu hút FDI, dành những dự án lớn để ra Giêng làm lễ công bố trao giấy phép đầu tư, tạo sự kiện quảng bá môi trường đầu tư như tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

Tháng 1, riêng tỉnh này đã có tới 7 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 5,1 tỷ USD. Tỉnh Quảng Ninh cũng mới cấp phép cho 1 dự án có vốn đăng ký 500 triệu USD. Như vậy, tháng 1 cả nước thu hút tới 6 tỷ USD, không phải là một kết quả thấp.

Những tín hiệu đó cho thấy, chúng ta có thể tự tin hơn về tình hình thu hút FDI năm nay. Vốn đăng ký mới năm nay sẽ giảm nhưng không có nghĩa là môi trường đầu tư của chúng ta xấu đi hay cơ quan Việt Nam làm việc kém đi.

* Đến nay, đã có nhà đầu tư nào phải xin giãn hoãn, rút dự án vì tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu như thời khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, thưa ông?

Tôi chưa nhận được tín hiệu nào cho thấy sẽ có nhà đầu tư nước ngoài xin rút dự án hay xin giãn tiến độ dự án. Trong số 64 tỷ USD thu hút năm 2008, có nhiều dự án được cấp phép ngay trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đã xảy ra.

Điều đó, chứng tỏ rằng, họ đã tính toán rất kỹ khi đầu tư vào Việt Nam. Tất nhiên, những doanh nghiệp FDI đã đi vào sản xuất kinh doanh, làm hàng xuất khẩu là bị ảnh hưởng lớn nhất bởi khủng hoảng. Một số doanh nghiệp buộc phải cắt giảm bớt lao động. Những dự án đã triển khai thì nay, họ có thể phải thu hẹp về quy mô.

Năm 1997 là thời kỳ đầu thăng hoa của FDI chu kỳ 1, cao nhất chỉ thu hút có 8,7 tỷ USD. Các nhà đầu tư thời đó đã chủ yếu là nhà đầu tư nhỏ, dựa nhiều vào vốn vay. Việt Nam chưa thực sự là thị trường mạnh như bây giờ. Vì thế, khi khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra, họ đã xin tạm ngừng dự án rất nhiều, trung bình từ 3-5 năm. Hầu như tất cả các dự án bất động sản là phải xin tạm dừng hết.

Tình hình thu hút FDI sau đó đi xuống nghiêm trọng và đến năm 2000 mới hồi phục trở lại. Bối cảnh đó khác hẳn bây giờ.

* Ông có lo ngại gì khi các nước đứng đầu về vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam đều là những nước đang bị suy thoái kinh tế?

Chắc chắn, việc giải ngân của họ sẽ khó khăn và vốn đăng ký mới từ các nước này sẽ không được như năm 2008. Tuy nhiên, tôi tin rằng trong khủng hoảng vẫn có những đối tác không bị tác động mạnh và ta phải nhằm vào đó để xúc tiến đầu tư mạnh mẽ.



Cơ quan quản lý vẫn lạc quan về triển vọng thu hút vốn FDI năm 2009.
Ảnh: VNN.


Ngay cả các nền kinh tế rơi vào suy thoái như Mỹ, EU, Nhật Bản, vẫn có những Tập đoàn vẫn coi Việt Nam như một địa bàn đầu tư tiềm năng. Trọng tâm thu hút vốn FDI năm nay vẫn phải là các đối tác truyền thống. Nhưng chúng ta sẽ phải làm việc trực tiếp với các Tập đoàn cụ thể, với các dự án cụ thể. Song song với đó là tìm kiếm đối tác mới như khu vực Trung Đông…

Không vì sức ép mà cấp phép tràn lan


* Làm thế nào để đẩy nhanh được giải ngân trong bối cảnh kinh tế khó khăn này, thưa ông?

Các địa phương sẽ phải rất quyết tâm giải quyết vấn đề đó. Ngay tháng 2 và 3/2009, chúng tôi sẽ có 3 đoàn công tác chuyên về đốc thúc giải ngân đi rà soát các dự án ở 20 tỉnh, thành. Mục tiêu là làm rõ các khó khăn vướng mắc cụ thể của các DN để tháo gỡ, đảm bảo cấp phép nhanh chóng, tạo điều kiện giải ngân đúng tiến độ.

Chúng tôi cũng sẽ tập hơp những vướng mắc thuộc về trách nhiệm của cơ quan Việt Nam để phân loại và hoàn thiện. So với năm ngoái, chúng tôi sẽ làm sâu hơn, trực tiếp với 1 số dự án lớn. Các yếu kém sẽ phải được khắc phục như việc các quy hoạch sử dụng đất ở các địa phương thường không ăn khớp với quy hoạch phát triển ngành, gây khó khăn cho việc giao đất…

Chúng ta có 64 tỷ USD, chỉ cần giải ngân được bằng năm ngoái đã là rất tốt. Thủ tướng cũng đã nói, vốn đăng ký có thể giảm nhưng vốn thực hiện, quyết tâm bằng mọi cách phải bằng, hoặc cao hơn năm 2008.

Chúng ta phải đạt tối thiểu con số 11,5 tỷ USD, đảm bảo nguồn đầu tư cho phát triển. Việc thu hút FDI cố gắng đạt 20 tỷ là để duy trì sức hấp dẫn về môi trường đầu tư Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

* Khi thu hút FDI trở nên khó khăn thì liệu rằng, sức ép đạt mục tiêu vốn đăng ký sẽ dẫn tới việc cấp phép tràn lan mà không quan tâm tới chất lượng dự án?

Năm qua, chúng tôi kiểm điểm lại thì thấy có một số địa phương đã cấp phép cho các dự án không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng tới môi trường. Việc quản lý sau cấp phép chưa đạt yêu cầu, còn lỏng lẻo.

Một số địa phương sau khi phát hiện vi phạm ở các dự án, cũng đã kiên quyết rút phép như Đà Nẵng, Hải Phòng. Sắp tới, Chính phủ sẽ có Nghị quyết riêng về các vấn đề cho FDI và các điều khoản về cấp phép đó sẽ được làm rõ.

Quan điểm của tôi là trong giai đoạn tới, chúng ta không cần thiết chạy theo dự án đăng ký mới và việc đầu tiên, hãy tao thuận lợi cho các NĐT đã được cấp phép giải ngân nhanh chóng.

Chúng ta cũng không từ chối bất cứ dự án nào nhưng việc cấp phép mới sẽ phải được lựa chọn thật kỹ, đảm bảo đúng quy đinh luật pháp luật, đúng chính sách. Năm nay, Việt Nam sẽ tiếp tục định hướng thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt sẽ quan tâm tới dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn, công nghệ nguồn.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet