Top

Tiền thuê đất tăng, gây khó nhà đầu tư

Cập nhật 15/12/2007 15:00

Đại diện một số doanh nghiệp Hàn Quốc đã nêu lên những bất cập của môi trường đầu tư của Việt Nam trong thời gian gần đây.

Hôm qua 14.12, tại Hội thảo "Cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam" do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với một số cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp của Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức, ông Cho Gun Hwan, Trưởng đại điện Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam phát biểu: "Hiện tại, tiền thuê đất của các khu công nghiệp lân cận Hà Nội, TP.HCM đã tăng gần 60% so với đầu năm làm cho môi trường đầu tư kém hấp dẫn. Đầu năm nay, tiền thuê đất là 25-27 USD/m2 nhưng hiện nay giá đã tăng lên là 42 - 45 USD/m2".

"Đa số các doanh nghiệp Hàn Quốc khi đến Việt Nam có ý định đầu tư đều rất băn khoăn về tiền thuê đất tăng quá nhanh" - ông Cho Gun Hwan nói. Ông Kim Won Ho, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ kinh doanh Hàn Quốc tại Hà Nội cũng nói: "Thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất ở Việt Nam rất chậm".

Cũng theo ông Cho Gun Hwan, có đến 19% số doanh nghiệp được hỏi vướng phải vấn đề ngôn ngữ. Ông Kim nói: "Lao động Việt Nam thông minh, cần cù nhưng hầu hết lại không sử dụng được tiếng Hàn Quốc, tiếng Anh. Chính đây là một vấn đề mà các doanh nghiệp Hàn Quốc khó khăn trong việc tuyển dụng cũng như sử dụng lao động Việt Nam".

Ông Kim cho rằng, các cơ quan của Việt Nam và Hàn Quốc nên xây dựng trung tâm đào tạo ngôn ngữ cho các nhân công đã được tuyển dụng để có thể phát huy tối đa sự hợp tác giữa doanh nghiệp Hàn Quốc và người lao động Việt Nam.

Ngoài vấn đề giá thuê đất, một vấn đề khác mà các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đau đầu là quy định tăng lương tối thiểu quá cao trong các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đội chi phí đầu tư cho doanh nghiệp lên quá cao

Tuy nhiên, tại hội thảo, đại diện Vụ Tiền công - Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, việc tăng lương vừa qua là hợp lý vì nó chỉ bù lại phần nào những tăng chi phí sinh hoạt, đảm bảo đời sống của người lao động.

Mức tăng lương của các doanh nghiệp FDI chỉ bằng một nửa so với mức tăng của các công ty nhà nước. Còn nếu so với các nước, mặt bằng lương hiện nay của Việt Nam là đứng cuối hạng, nếu có cao chỉ hơn Lào và Campuchia mà thôi.

Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Xuân Trung, Phó cục trưởng nói rằng, những yếu kém về cơ sở hạ tầng mà các nhà đầu tư kêu là đúng. "Chính cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn hạn chế là một trong những yếu tố làm phát sinh thêm chi phí của nhà đầu tư. Tất nhiên, chi phí mà các nhà đầu tư nước ngoài kêu là tăng nhưng so với mặt bằng các nước trong khu vực thì chi phí của chúng ta vẫn thấp hơn như chi phí về mức lương, tiền thuê đất" - Ông Trung nói.

Hội nghị kêu gọi đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng phía Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hôm qua 14.12 tại TP Phan Thiết (Bình Thuận) đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Ông Trần Đức Hải, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, đối với khu vực các tỉnh phía Nam hiện có 20 dự án ưu tiên cao đang kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia như: đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, đường cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường cao tốc Dầu Giây - Bình Thuận - Nha Trang, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường vành đai 3 TP.HCM, dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm, đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho, đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh, Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai)...

Theo Thanh Niên