Top

Phó Tổng GĐ EVN Đinh Quang Tri: Dự án TT Tài chính EVN: Dân không cho xây thì... dừng!

Cập nhật 15/12/2007 14:00

“Nếu nhân dân bảo xây Trung tâm Tài chính thương mại Điện lực làm đẹp cho Thủ đô thì chúng tôi sẽ làm. Còn nếu dân bảo cái này làm hỏng Thủ đô thì chúng tôi stop” - Phó Tổng GĐ EVN Đinh Quang Tri khẳng định.

Trao đổi với Báo giới, ông Tri nói: Quan điểm của chúng tôi khi xây dựng dự án Trung tâm này là nghiên cứu để làm sao sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng của Cty Điện lực 1, Điện lực Hà Nội, Khách sạn Điện lực và trụ sở EVN. Hiện nay, miếng đất này sử dụng chưa hiệu quả, chủ yếu để làm văn phòng. Chúng chưa phối hợp với nhau để tạo thành quần thể để sử dụng với hệ số hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh đó, kiến trúc của nó không những không làm đẹp mà làm xấu Thủ đô. Vì vậy chúng cần sửa đổi lại để làm sao công trình của EVN bên bờ hồ trở thành cơ sở đẹp, tôn thêm vẻ đẹp Hồ Gươm.

Tất nhiên, mong muốn và việc của chúng tôi làm là để cho đẹp Thủ đô và mang lại hiệu quả cho Nhà nước. Tất cả lợi nhuận thu được sẽ thuộc về Nhà nước hoặc chuyển về EVN để đầu tư công trình điện.



Phó Tổng GĐ EVN Đinh
Quang Tri.

Vì sao EVN lại chủ trương “đưa” Trung tâm này vào Cty cổ phần, đây có phải chủ trương tư nhân hóa tài sản Nhà nước?

Chúng tôi chưa bao giờ suy nghĩ đến việc tư nhân hóa. Dự kiến của chúng tôi là Tập đoàn sẽ đứng ra kinh doanh ở nơi này, 100% vốn là của Nhà nước. Chúng tôi cũng có phương án thành lập công ty cổ phần mà các cổ đông tham gia đều là các công ty 100% vốn Nhà nước. EVN, Cty Điện lực 1 hay Điện lực Hà Nội đều là doanh nghiệp nhà nước. Nếu vậy thì công ty cổ phần này cũng là 100% vốn Nhà nước!

Với phương án khác, chúng tôi lập Cty TNHH 1 thành viên, EVN là chủ sở hữu toàn bộ, mà EVN thì chủ sở hữu tất nhiên là thuộc Nhà nước rồi. Với những thông tin về Cty tư nhân tôi suy đoán rằng, chắc họ nghĩ Cty cổ phần là của tư nhân (cười). Không thiếu những Cty cổ phần mà 100% vốn là của Nhà nước đấy chứ. Mà Cty cổ phần này đã thành lập đâu mà có tư nhân!

Về việc EVN thông báo yêu cầu các đơn vị đang ở trên đất quanh trụ sở EVN và yêu cầu họ chuyển đi nơi khác để xây Trung tâm, là vi phạm luật?

Hiện việc này cũng mới chỉ là dự kiến thôi. Tôi muốn nhắc lại là dự án chưa được duyệt. Còn về sở hữu đất thì tất cả đất đai ở đây đều thuộc sở hữu của EVN. Các Cty con đều do Tập đoàn giao vốn, giao quản lý tài sản. Do đó, toàn bộ tài sản của các đơn vị “con” của EVN thì đại diện sở hữu chính là EVN. Điện lực Hà Nội, Cty Điện lực 1 đều đang thuộc EVN.

Theo luật thì quyền sở hữu tài sản đất đai của các đơn vị này đều thuộc Hội đồng quản trị của EVN (có giấy trắng mực đen). Sử dụng chúng như thế nào thì EVN báo cáo Thủ tướng để Thủ tướng quyết định.

Trong trường hợp các đơn vị trên cổ phần hóa rồi thì sở hữu đất đai mới thuộc HĐQT của Cty đó quyết định. Các đơn vị này đâu có quyền mà lên tiếng về sở hữu. Bản thân giám đốc của các đơn vị này còn do HĐQT EVN bổ nhiệm mà!

Ông nghĩ sao khi rất nhiều các kiến trúc sư, dư luận đều phản đối về kiến trúc công trình, và cho rằng nó sẽ biến Hồ Gươm thành ao?

Vừa rồi dư luận nêu cũng có những điểm đúng: Cần nghiên cứu để làm sao cho Hồ Gươm, Hà Nội đẹp hơn. Đây cũng là mục đích của chúng tôi. Chúng tôi cũng rút kinh nghiệm từ các dự án xây hàm cá mập.

Quan điểm của chúng tôi là phải làm cho đẹp Thủ đô. Còn dự án này làm thế nào cho đẹp thì còn đang là quá trình dài. Riêng với kiến trúc quanh Hồ Gươm thì tất nhiên dự án phải có ý kiến của UBND TP Hà Nội, Bộ Xây dựng.

Các cơ quan này chỉ cho chúng tôi những định hướng phải làm phù hợp quy hoạch. Về kiến trúc thì đương nhiên phải có một hội đồng các kiến trúc sư cấp nhà nước xem xét. Hội đồng đồng ý thì chúng tôi mới thực hiện dự án này được.

Liệu EVN có tiếp tục theo đuổi dự án này nữa không? Nhân dân Thủ đô có được tham gia đóng góp ý kiến?

Điều đó còn phụ thuộc các bộ, ngành. Tiên quyết nhất là phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ thì chúng tôi mới quyết định làm tiếp hay dừng lại. Mọi vấn đề còn đang nghiên cứu. Còn lấy ý kiến người dân Hà Nội thì đó là việc đương nhiên phải làm, làm công khai.

Trường hợp Thủ tướng cho phép thì việc này sẽ diễn ra sau khi làm xong kiến trúc, thiết kế. Nếu nhân dân bảo cái này làm đẹp cho Thủ đô thì chúng tôi sẽ làm. Còn nếu nhân dân bảo cái này xấu, bỏ đi, làm cái khác thì chúng tôi sửa chữa, tìm cách khác.

Và cuối cùng, nhân dân bảo cái này làm hỏng Thủ đô thì chúng tôi stop (dừng), tiếp tục sử dụng mọi thứ như cũ vậy thôi!

Xin cảm ơn ông!

Theo Tiền Phong