Gần đây, cùng với việc nhiều doanh nghiệp tăng cường đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, thị trường bất động sản khu công nghiệp cũng chuyển mình sôi động tại nhiều tỉnh, thành. Dòng vốn đổ vào đầu tư các khu công nghiệp rất đa dạng, từ Nhà nước, tư nhân cho đến nước ngoài.
Một khu công nghiệp tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Mạnh Cường
|
Tỷ lệ lấp đầy cao, giá tăng
Hoạt động đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất của các doanh nghiệp gần đây diễn ra khá sôi động. Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2016, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 24,86 tỉ đô la Mỹ. Năm 2017 đạt 35,88 tỉ đô la Mỹ, tăng 44,4%. Vốn giải ngân trong 2 năm này đạt lần lượt 15,8 tỉ đô la Mỹ và 17,5 tỉ đô la Mỹ.
Theo Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện cả nước có 328 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất là 96.300 héc ta. Trong đó có 223 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 105 khu công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng.
Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp trên cả nước đạt bình quân gần 85%. Theo nhận định của các chuyên gia thì đây là con số khá cao và thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các khu công nghiệp. Rất nhiều địa phương các khu công nghiệp cũ đã kín chỗ và đang tiến hành đầu tư mở thêm các khu công nghiệp mới.
Theo báo cáo của Công ty bất động sản Colliers International, hiện tại Hà Nội có 11 khu công nghiệp đang hoạt động. Trong quí cuối cùng của năm 2017, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp tại Hà Nội đạt gần 83%, tăng 5,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2016.
Báo cáo này cũng cho thấy, giá chào thuê khu công nghiệp tại Hà Nội tăng 1,3% so với quí trước và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Theo ý kiến của các chuyên gia, tỷ lệ tăng giá này không phải là cao so với các mảng kinh doanh bất động sản khác. Song với bất động sản khu công nghiệp, chỉ cần mức giá tăng như vậy đã có lợi rất lớn cho chủ đầu tư bởi thường các công ty hay thuê đất tại các khu công nghiệp với diện tích rất lớn để đầu tư nhà máy sản xuất.
Cũng theo Colliers International, nhu cầu thuê đất ở trong các khu công nghiệp tại TPHCM tiếp tục tăng và giá thuê cũng tăng lên. Quí 4 - 2017, giá chào thuê khu công nghiệp trung bình toàn thành phố đạt 142,2 đô la Mỹ/mét vuông/kỳ cho thuê, tăng khoảng 1,2 đô la Mỹ so với quí trước. Trong những quí sắp tới, giá thuê đất khu công nghiệp dự kiến sẽ tăng nhanh.
Thu hút thêm dòng vốn đầu tư
Với việc dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy mạnh vào Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng không ngừng mở rộng sản xuất-kinh doanh, đầu tư thêm các nhà máy mới. Tỷ lệ lấp đầy cao đã tạo nên sức hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư xây dựng các khu công nghiệp mới.
Số liệu của Colliers International cho biết, từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ có thêm 14 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 6.100 héc ta, tăng 250% so với thời điểm hiện tại.
TPHCM hiện có 20 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích cho thuê gần 3.025 héc ta. Theo Colliers International, do nhu cầu thuê khu công nghiệp đang tăng lên nên dự kiến nguồn cung khu công nghiệp tại TPHCM sẽ tiếp tục tăng. Theo đó, sẽ có khoảng 2.300 héc ta từ 8 khu công nghiệp mới dự kiến sẽ tung ra thị trường vào năm 2025, tăng hơn 50% so với nguồn cung hiện tại.
Collier International cho biết mặc dù hầu hết các khu công nghiệp được hình thành trong tương lai tại TPHCM không có cam kết cho thuê trước với bất cứ người đi thuê nào. Tuy nhiên nhu cầu cao cùng với việc quỹ đất eo hẹp vẫn đảm bảo một thị trường đầy hứa hẹn trong tương lai gần.
Không chỉ Hà Nội và TPHCM, sức hút đầu tư các khu công nghiệp mới đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có sáu khu công nghiệp. Ông Trần Vũ Thông, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, cho biết nhằm tạo thêm quỹ đất cho các nhà đầu tư cũng như tạo ra một hành lang phát triển công nghiệp, tỉnh sẽ rà soát lại quy hoạch phát triển các khu công nghiệp hiện có, định hướng quy hoạch phát triển thêm một số khu công nghiệp mới trên địa bàn trong giai đoạn 2020 – 2030. Theo đó, tỉnh Bắc Giang định hướng quy hoạch mới ba khu công nghiệp Nham Sơn, Yên Lư, Xuân Phú - Hương Gián (huyện Yên Dũng); Hợp Thịnh (huyện Hiệp Hòa); Tân Thịnh - Quang Thịnh - Hương Sơn (huyện Lạng Giang); hai khu công nghiệp Bắc Lũng và Khám Lạng - Yên Sơn (huyện Lục Nam).
Đến hết quí 1 năm nay, Vĩnh Phúc đã thu hút được 246 dự án đầu tư trong các khu công nghiệp, trong đó có 200 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện tỉnh này đang có năm khu công nghiệp (Khai Quang, Bình Xuyên I, Bình Xuyên II, Bá Thiện I, Bá Thiện II). Còn các khu công nghiệp Tam Dương II, Thăng Long III, Chấn Hưng và Sơn Lôi đang trong thời kỳ xây dựng, hoàn thiện hạ tầng để có quỹ đất thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Cuối năm ngoái, khu công nghiệp thứ 10 của Vĩnh Phúc là Thăng Long - Vĩnh Phúc đã được khởi công xây dựng. Được biết, tại Vĩnh Phúc, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đầu tư thêm 18 khu công nghiệp trong thời gian tới.
Dự đoán về triển vọng của thị trường khu công nghiệp ở phía Bắc, bà Bùi Nguyễn Huyền Trang, Giám đốc Bộ phận cho thuê của JLL Việt Nam, nhận định nguồn cung và giá thuê đất, nhà xưởng ở miền Bắc sẽ tiếp tục gia tăng.
Trong đó, khoảng 18.116 héc ta đất công nghiệp dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng tính đến cuối năm 2020, tập trung chủ yếu tại Hải Phòng, Quảng Ninh và Vĩnh Phúc. Tỷ lệ lấp đầy sẽ tiếp tục được duy trì ở mức cao và tăng trưởng nhờ vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh do nỗ lực từ Chính phủ nhằm cải thiện môi trường, khuyến khích đầu tư.
Việt Nam tiếp tục hấp dẫn vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới trong quí 1-2018 đạt 5,8 tỉ đô la Mỹ. Sự gia tăng của nguồn vốn này vào Việt Nam là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản khu công nghiệp.
Dựa trên tình hình đầu tư các khu công nghiệp trong thời gian gần đây, Cushman & Wakefield dự báo, trong năm nay sẽ có thêm nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp. Tuy nhiên, các thương vụ cụ thể không được công ty này đề cập đến.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam đang là điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia có kế hoạch đặt nhà máy, mở rộng nhà xưởng tại Việt Nam mang đến cơ hội phát triển tốt cho loại hình bất động sản khu công nghiệp.
Thời gian tới, bất động sản khu công nghiệp được nhìn nhận như một kênh đầu tư hấp dẫn, giàu tiềm năng. Tuy nhiên, để thu hút các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, các địa phương cần có những chính sách, chiến lược ưu đãi, hỗ trợ mang tính đặc thù phù hợp với vùng miền, địa phương.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: