Top

Chung cư “2 không”

Cập nhật 13/05/2018 09:19

Tình trạng chung cư “2 không”: không ban quản trị và không có quỹ bảo trì xảy ra tại chung cư lô A Lê Thành (phường An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM).


Chung cư “2 không” lô A Lê Thành (quận Bình Tân)

Gần đây, nhiều cư dân tại chung cư lô A Lê Thành (phường An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM) đã gửi thư đến Báo SGGP khẩn thiết nhờ báo lên tiếng về tình trạng chung cư “2 không” tại đây: không ban quản trị và không có quỹ bảo trì. Điều đáng nói, tình trạng này đã kéo dài nhiều năm.

Cư dân không đồng thuận

Ông N.V.B., một cư dân tại đây, cho biết: “Chung cư lô A Lê Thành đi vào hoạt động đã 9 năm, nhưng qua nhiều lần tổ chức, việc bầu ban quản trị chung cư vẫn bất thành do chủ đầu tư luôn tranh chấp ứng cử viên với cư dân. Năm 2017, chủ đầu tư kết hợp với quận và phường tổ chức bầu ban quản trị nhưng không chịu bàn giao bãi giữ xe, khiến ban quản trị phải từ nhiệm do không đủ tiền để vận hành chung cư”. Anh N. gửi email đến Báo SGGP thông tin thêm: “Sau nhiều tranh chấp, việc quản lý bãi giữ xe đã được giải quyết ổn thỏa. Tuy nhiên cư dân thấy không hợp lý trong quản lý phí bảo trì và đề nghị phía chủ đầu tư công khai việc chi tiêu, nhưng được hẹn rằng khi nào có ban quản trị mới sẽ đáp ứng yêu cầu này”.

Sau 2 lần thất bại trong việc tổ chức hội nghị nhà chung cư, năm 2014-2015, chủ đầu tư đã đề nghị tăng phí quản lý tính theo diện tích như thông lệ các chung cư khác, nhưng cư dân phản ứng, gửi kiến nghị lên quận, và quận đã yêu cầu chủ đầu tư phải giữ mức thu cũ, tức 240.000 đồng/tháng/hộ. Không có ban quản trị, không có đơn vị quản lý vận hành, đến năm 2017, khi tổ chức bầu ban quản trị, cư dân mới biết quỹ bảo trì của chung cư đang bị âm trên 500 triệu đồng, nên hệ thống kỹ thuật, hệ thống PCCC không được bảo trì và sửa chữa.

Trước tình hình này, chủ đầu tư đã gửi công văn lần thứ 3 kiến nghị UBND quận Bình Tân vào cuộc để giải quyết các tồn tại trên, tránh tình trạng đáng tiếc có thể xảy ra. Trong công văn, phía công ty khẳng định: “Nếu có bất kỳ sự cố nào liên quan đến thiết bị hạ tầng bị hư hỏng không hoạt động được do không có kinh phí sửa chữa, thay thế thì chúng tôi hoàn toàn không chịu trách nhiệm”. Mặc dù công văn lần thứ 3 đã gửi UBND quận Bình Tân từ ngày 7-4-2018, nhưng cho đến hôm nay cư dân vẫn chưa nhận được động thái nào từ phía chính quyền địa phương.

Để trả lời câu hỏi vì sao toàn bộ ban quản trị vừa mới được bầu ra không lâu sau đó đã đồng loạt làm đơn xin từ nhiệm, chúng tôi đã liên lạc 2 trường hợp, cả 2 người đều khéo léo cho biết “do lu bu việc gia đình, vả lại công việc của ban quản trị rất nặng nề nên không đảm đương nổi”.

Chủ đầu tư nói gì? 

Cô Nguyễn Thị Thơ, người được chủ đầu tư chỉ định vị trí trưởng ban quản trị tạm thời, khi chưa bầu được ban quản trị mới, cho biết: “Khi đưa chung cư vào vận hành, phía chủ đầu tư đã thực hiện chính sách khuyến khích để thu hút cư dân về ở, như thu tiền giữ xe chỉ có 60.000 đồng/chiếc, phí quản lý 240.000 đồng/tháng/hộ, tiền bảo trì 6 triệu đồng/hộ. Nếu thu đúng như các chung cư khác, tiền giữ xe phải là 90.000 đồng/xe/tháng, tiền quản lý phải tính theo mét vuông và không thu bình quân, còn phí bảo trì ban đầu chúng tôi không thu 2% mà chỉ thu 6 triệu đồng/ hộ, nên đối với chung cư này, nói đúng ra là không có quỹ bảo trì như cách nói quen thuộc của mọi người”.

Điều này có thể đúng, do nguồn thu không đủ chi nên đến năm 2016 thì số tiền thu bảo trì ban đầu (6 triệu đồng/hộ) đã cạn. Do cư dân không đồng tình việc thay đổi mức thu phí quản lý hàng tháng, quận cũng chỉ đạo thực hiện như cũ nên mọi hư hỏng của thiết bị, phía chủ đầu tư phải tạm ứng tiền để bảo trì, sửa chữa. Cũng theo cô Thơ, sau vụ cháy chung cư Carina, chủ đầu tư phải ứng hơn 100 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp các phương tiện phòng cháy chữa cháy, thoát hiểm… đảm bảo an toàn cho cư dân.

Trao đổi với một số cư dân tại đây, chúng tôi ghi nhận một thực tế: Chính quyền địa phương chỉ đóng vai trò hỗ trợ, hơn ai hết, tất cả cư dân phải đồng thuận, “tự cứu mình” bằng việc tổ chức thành công hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị mới. Mức thu trước đây của chủ đầu tư chỉ mang tính “khuyến mãi”, không đúng theo thông lệ, dẫn đến tình trạng thiếu hụt hiện nay. Những khoản nợ âm sẽ tạm “treo”, chờ kiểm tra làm rõ. Ban quản trị mới phải cùng cư dân bàn bạc để tìm giải pháp cho việc xây dựng nguồn phí bảo trì mới… Nếu cư dân vẫn không đồng thuận, tình trạng “2 không ” tại chung cư lô A Lê Thành sẽ mãi là bài toán không lời giải.

DiaOcOnline.vn - Theo SGGP