Đã có nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Thuế, nhà đất được đăng tải trên báo chí, song hầu như các ý kiến này chỉ bàn về các vấn đề chi tỉết, còn những vấn đề mang tính chính sách, tính triết lý ít được đề cập, mà đó lại là những vấn đề cơ bản để định hướng xử lý các vấn đề cụ thể.
Định nghĩa thế nào về thuế nhà đất?
Theo dự thảo, thuế nhà, đất là một phép cộng thuế nhà với thuế đất. Vậy là nhà và đất bị coi như hai vật, hai đối tượng tính thuế riêng biệt. Cách nghĩ đơn giản như vậy không phản ánh đúng hiện thực khách quan. Chỉ có thể coi đất như một vật độc lập nếu trên nó không có nhà. Một khi trên đất đã có nhà, nó không còn độc lập nữa, mà trở thành một bộ phận cấu thành nhà. Tách khỏi đất, nhà không còn. Đất đã có nhà không thể sử dụng làm việc khác, ngoài làm nền cho nhà. Trong một khuôn viên, nhà đất kết thành một khối vật chất thống nhất. Tách chúng thành hai vật, hai đối tượng tính thuế là sự chia cắt khiên cưỡng chỉ có trong nhận thức.
Trả lời câu hỏi tiêu đề, nếu giải thích rằng nó là thuế thu vào nhà và đất, thì không khác gì không trả lời. Cho nên có người đã bảo rằng nó là thuế tài sản. Trả lời như thế không những chưa làm rõ hơn điều gì, mà còn làm phát sinh thêm thắc mắc: tại sao lại thu thuế vào tài sản? Theo Từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, 1996), tài sản là "của cải vật chất dùng vào mục đích sản xuất và tiêu dùng". Tất cả của cải vật chất dùng vào mục đích sản xuất kinh doanh là tài sản (hay vốn) của doanh nghiệp: nhà xưởng, máy móc và dụng cụ, nguyên vật liệu và hàng hóa, tiền mặt và công nợ... Còn của cải vật chất dùng vào mục đích tiêu dùng là tài sản (hay vật dụng) của cá nhân, từ những thứ nhỏ nhất như cái chổi, đôi dép, đến các loại có giá trị lớn và bền như bàn ghế, giường tủ, ti vi, tủ lạnh, xe cộ, nhà cửa, tiền, vàng, cổ phiếu...
Tất cả những thứ kể trên đều là tài sản, vậy tại sao chỉ thu thuế vào tài sản là nhà đất ở và đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp? Thêm nữa, tại sao thuế nhà chỉ thu vào nhà ở, không thu vào nhà dùng trong kinh doanh? Và thế nào là nhà ở? Phân định theo công dụng vật chất (xây để ở) hay theo công dụng kinh tế (xây để cho thuê, tức là để kinh doanh)? Lại còn có nhà vừa để ở vừa cho thuê nữa.
Giải thích thuế nhà, đất là thuế tài sản là cách giải thích sai về nhiều mặt. Tài sản do đâu mà có? Tài sản của doanh nghiệp, trong đó có nhà xưởng, công trình, khởi thủy chỉ có thể hình thành từ vốn góp của cá nhân và có thể từ vốn của Nhà nước, sau đó chúng thường xuyên được bổ sung từ lãi sau thuế thu nhập doanh nghiệp thông qua việc nhập lãi vào vốn. Là của cải tiêu dùng cho đời sống con người, tài sản của cá nhân, trong đó có nhà ở, chỉ có thế hình thành từ thu nhập sau thuế thu nhập cá nhân.
Vậy là tài sản của doanh nghiệp cũng như của cá nhân đều hình thành từ thu nhập sau thuế, tức là từ phần của cải (hay thu nhập) đã được tạo ra và được xã hội chia cho họ hưởng sau khi họ đã hoàn thành mọi nghĩa vụ đối với Nhà nước, bao gồm cả việc nộp các loại thuế. Của cải vật chất (thu nhập) một khi đã thành tài sản thì phải coi chúng là vật sở hữu hợp pháp của doanh nghiệp và cá nhân. Nhà nước không thể thu những tài sản đó, nếu người chủ nó chưa bị kết tội chiếm hữu phi pháp. Cùng với sự phát triển kinh tế, tài sản của doanh nghiệp và của cá nhân không ngừng tăng. Đó là biểu hiện "dân giàu, nước mạnh", là hiện tượng hợp quy luật, hợp đường lối và hợp hiến. Cho nên giải thích thuế nhà, đất là thuế tài sản sẽ vướng ngay từ định nghĩa. Nguồn tiền nộp thuế này lấy ở đâu? Mỗi loại thuế đều có nguồn của nó (gọi là cơ sở kinh tế). Thí dụ: nguồn nộp thuế giá trị gia tăng là thu nhập tăng thêm của sản phẩm và dịch vụ trong hoạt động kinh doanh; nguồn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là lãi trước thuế của doanh nghiệp; nguồn nộp thuế thu nhập cá nhân là thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ đầu tư vốn, từ chuyển nhượng vốn và bất động sản, từ tài sản thừa kế... Vì nhà đất là tài sản, không phải là thu nhập, thuế nhà, đất không có những nguồn riêng của nó như các thuế khác, nghĩa là nó không có cơ sở kinh tế riêng.
Do đó đối với doanh nghiệp, tiền nộp thuế nhà đất phải tính vào chi phí sản xuất kinh doanh. Chi phí này sẽ tăng lên, dẫn đến lãi trước thuế giảm, thuế thu nhập doanh nghiệp giảm theo. Biết rằng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25% nên 25% thuế nhà đất của doanh nghiệp thực ra là lấy từ thuế thu nhập doanh nghiệp. 75% còn lại phải lấy từ thu nhập sau thuế. Đối với cá nhân, vì nhà đất là vật tiêu dùng, không tạo ra thu nhập, nên cá nhân cũng phải lấy thu nhập sau thuế của mình để nộp toàn bộ thuế nhà đất. Vậy là thuế thu hai lần. Một lần thu các loại thuế liên quan tới công việc làm ăn, kể cả khi mua nhà đất làm tài sản. Và lần này qua thuế nhà, đất, Nhà nước thu thêm một lần nữa. Thuế nhà, đất thực ra là thuế thu vào thu nhập sau thuế!
Những điều nêu trên cho thấy: nếu gộp thuế nhà với thuế đất và định nghĩa là thuế tài sản, thì việc giải thích những cơ sở của thuế này ngay từ đầu đã lúng túng, thiếu chặt chẽ. Nếu không thoát khỏi tình trạng này, sẽ còn xuất hiện nhiều lúng túng, rối ren, mâu thuẫn trong nhận thức, dẫn tới áp đặt khiên cưỡng trong xử lý các vấn đề cụ thể. Thế mà cách thoát khỏi tình trạng lúng túng này lại khá đơn giản. Bây giờ, thử tách thuế đất thành một loại thuế riêng và định nghĩa nó là thuế sử dụng đất, một tài nguyên quốc gia thì câu chuyện sẽ chuyển hướng thế nào?
Nên chăng đổi thành thuế sử dụng đất?
Nhìn lại lịch sử thuế nước ta, điều dễ nhận thấy là thuế đất (thời xưa gọi là thuế điền, tức là thuế đất nông nghiệp) xuất hiện sớm nhất. Để thu thuế điền, từ thời nhà Lý đã tiến hành đạc điền và lập địa bạ (ta hiện chưa hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tức là chưa lập xong địa bạ, mà đó là dữ liệu cơ sở để thu thuế đất!). Điều đáng lưu ý là trong lịch sử hàng ngàn năm các vương triều phong kiến không thấy có ghi nhận nào về thuế nhà. Từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 tới nay, nước ta cũng chưa bao giờ thu thuế nhà. Trong cuộc cải cách thuế năm 1951, Nhà nước đã ban hành một loạt thuế mới thay cho tất cả các thuế cũ, trong đó có thuế nông nghiệp thu vào đất nông nghiệp, không có thuế nào thu vào nhà. Năm 1992, Pháp lệnh thuế nhà đất được ban hành. Tuy tên Pháp lệnh như thể, nhưng ngay mở đầu đã quy định: "Tạm thời chưa thu thuế nhà và chưa quy định về thuế nhà". Hiện nay thuế nhà, đất chỉ có tên, thực tế vẫn chỉ thu thuế đất. Đó là lịch sử, ngẫu nhiên hay có những nguyên nhân khách quan? Tiếc rằng, cho đến nay, chưa có công trình nghiên cứu nào lý giải hiện tượng này.
Như đã nêu, nếu tách thuế nhà ra chỉ còn lại thuế đất, gọi đúng là thuế sử dụng đất. Quan niệm như vậy phù hợp với chế độ sở hữu đất toàn dân ở nước ta, vì thuế sử dụng đất được coi là địa tô, khoản tiền mà người sử dụng đất (doanh nghiệp, cá nhân) có nghĩa vụ nộp cho đại diện người sở hữu đất (Nhà nước). Với quan niệm này các vấn đề trong thuế sử dụng đất có thể xử lý trên cơ sở lý thuyết kinh tế về địa tô, theo đó địa tô được quyết định bởi hai nhân tố: (i) điều kiện tự nhiên: độ màu mỡ và vị trí đất; (ii) điều kiện nhân tạo, có khả năng biến đổi căn bản điều kiện tự nhiên: mức độ đầu tư cơ sở hạ tầng. Với nhịp độ công nghiệp hóa cao như hiện nay, nhân tố (ii) trở thành nhân tố chủ yếu, bảo đảm tăng rất nhanh hoa lợi thu được trên một đơn vị diện tích trong từng vùng rộng lớn, từ đó tăng nhanh địa tô. Mức thuế sử dụng đất phải xác định trên cơ sở lý thuyết này.
Điều đáng lưu ý là cả người sử dụng đất, cả Nhà nước đều tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng. Cho nên cả hai đều phải được hưởng địa tô tăng lên nhờ đầu tư. Mức thuế sử dụng đất, nhất là đất đô thị, phải tính tới nhân tố này như một biện pháp thu hồi vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và không ngừng tăng cường quỹ đầu tư tập trung của Nhà nước. Đây là một bài toán khó, có tính khoa học cao, đòi hỏi nhiều thời gian điều tra, nghiên cứu, đâu đơn giản gói trong khái niệm "giá đất" do chính quyền địa phương áp đặt lâu nay, nhưng bản thân nội hàm và phương pháp lượng hóa khái niệm này còn chưa minh định và bao năm nay vẫn là vướng mắc trong thi hành Luật Đất đai.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: