Top

Sẽ cho mua bán suất tái định cư

Cập nhật 18/09/2009 08:05

Một góc khu tái định cư Thạnh Mỹ lợi, quận 2, TP.HCM. Ảnh: HTD.

Muốn bán suất tái định cư, phải bán cho người có hộ khẩu TP; người đó cũng chưa có căn nhà nào khác.

Hộ tái định cư phải có chỗ ở khác thì mới được chuyển nhượng suất tái định cư. Bên mua phải có hộ khẩu TP.HCM, chưa có nhà, trả tiền một lần... Đó là một số quy định trong dự thảo mới nhất Quyết định về trình tự, thủ tục và điều kiện được chuyển nhượng suất tái định cư trên địa bàn thành phố do Sở Xây dựng TP.HCM soạn thảo.

Trình tự, thủ tục này được áp dụng trong trường hợp hộ tái định cư muốn chuyển nhượng suất tái định cư khi nền, nhà tái định cư đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng, có xác định thời gian hoàn thành, bàn giao; hoặc khi đã nhận bàn giao căn hộ, nền đất tái định cư và đang trong giai đoạn trả góp cho đơn vị quản lý nhà.

Chỉ bán ra ngoài khi nhà nước không mua


Theo dự thảo, suất tái định cư được phép chuyển nhượng nhưng ba đối tượng trong giao dịch này là suất tái định cư, bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng đều phải đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt. Cụ thể, suất tái định cư được phép chuyển nhượng khi không có tranh chấp, khiếu nại (hoặc đã được giải quyết khiếu nại) và các thành viên đủ năng lực hành vi dân sự trong hộ đều thống nhất chuyển nhượng. Suất tái định cư phải được ưu tiên chuyển nhượng cho UBND quận, huyện hoặc đơn vị quản lý nhà theo giá cao hơn giá thị trường trong điều kiện bình thường 10%-20%. Nếu các cơ quan này không có nhu cầu mua, suất tái định cư mới được bán cho các cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu. Theo Sở Xây dựng TP, việc mua suất tái định cư cao hơn giá thị trường nhằm khuyến khích hộ dân bán lại cho nhà nước, tránh trường hợp đầu cơ, mua bán lòng vòng...

Muốn bán, phải chứng minh chỗ ở mới


Hộ tái định cư được chuyển nhượng suất tái định cư khi đã giao mặt bằng trống tại nơi bị thu hồi đất, cam kết không hưởng chính sách tạm cư và phải chứng minh được đã có chỗ ở khác. Bên nhận chuyển nhượng suất tái định cư là cá nhân, hộ gia đình phải có hộ khẩu tại TP.HCM, được xác nhận không có căn nhà nào khác tại thời điểm nhận chuyển nhượng và chưa được xét chuyển nhượng suất tái định cư lần nào. Đối tượng này phải thanh toán một lần cho nhà nước khi được đồng ý cho mua suất tái định cư, đồng thời sẽ không được hưởng chế độ, chính sách về nhà ở nào nữa. Trường hợp người mua là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, gia đình chính sách, gia đình có công... có hoàn cảnh khó khăn, không đủ khả năng thanh toán một lần thì được xét cho trả góp trong năm năm.

Trong dự thảo, Sở Xây dựng cũng kiến nghị các trường hợp hộ dân đã sang nhượng căn hộ, nền đất tái định cư đang mua trả góp bằng giấy tay, giấy ủy quyền quản lý... trước khi có quyết định này cũng phải thực hiện thủ tục xin chuyển nhượng. Sau khi có quyết định công nhận việc chuyển nhượng, đơn vị quản lý nhà sẽ lập thủ tục thanh lý hợp đồng với hộ tái định cư, ký lại với bên nhận chuyển nhượng và yêu cầu thanh toán hết một lần số tiền còn phải trả góp.

Phải công khai thủ tục chuyển nhượng


Về thủ tục chuyển nhượng suất tái định cư, Sở Xây dựng TP.HCM đề nghị thực hiện tại UBND quận, huyện nơi ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Khi nhận đủ hồ sơ, đơn vị thụ lý (do UBND quận chỉ định) kiểm tra, rà soát, lập hồ sơ trình chủ tịch UBND quận ký công nhận việc chuyển nhượng suất tái định cư. Sau đó, đơn vị quản lý nhà sẽ ký hợp đồng mua bán với bên nhận chuyển nhượng theo quy định. UBND quận, huyện phải công bố việc chuyển nhượng suất tái định cư trên trang web của địa phương và của Sở Xây dựng TP.HCM...

Mặc dù dự thảo quyết định đã hoàn chỉnh về trình tự, thủ tục chuyển nhượng suất tái định cư nhưng Sở Xây dựng TP vẫn kiến nghị UBND TP.HCM cần tham khảo ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường để đảm bảo những quy định trong dự thảo phù hợp quy định pháp luật.

Khác hoàn toàn dự thảo trước đây

Tháng 6-2009, Sở Xây dựng TP.HCM từng trình dự thảo chỉ thị chấn chỉnh việc mua bán suất tái định cư theo tinh thần cấm sang nhượng suất tái định cư. Tuy nhiên, dự thảo này không được thông qua. Theo Sở Tư pháp, không thể cấm việc mua bán suất tái định cư vì đây là quyền về tài sản của hộ tái định cư. Đề xuất bên lỡ mua phải mua lại lần nữa cũng bị cho rằng sẽ khuyến khích bên bán suất tái định cư “lật kèo” việc mua bán trước đây. Tháng 7-2009, UBND TP có văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng TP xây dựng lại dự thảo theo hướng cho phép chuyển nhượng suất tái định cư nhưng kèm điều kiện và có trình tự, thủ tục thực hiện.
 


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP